Tình trạng giá heo giảm sâu kỷ lục kéo dài từ sau tết dương lịch cho đến nay đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) lỗ nặng, rơi vào cảnh điêu đứng, đứng trước nguy cơ mất khả năng trả nợ cho ngân hàng và các đại lý thức ăn chăn nuôi…

Giá heo thịt liên tục giảm mạnh đang khiến cho nhiều hộ chăn nuôi ở Đức Trọng lâm vào cảnh điêu đứng. Ảnh: Yến Thy
Giá heo thịt liên tục giảm mạnh đang khiến cho nhiều hộ chăn nuôi ở Đức Trọng lâm vào cảnh điêu đứng. Ảnh: Yến Thy

Giá heo giảm mạnh

Là một vùng chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh Lâm Đồng nhưng những ngày này, chúng tôi đi đến các trang trại hay hộ chăn nuôi heo nào đều cũng nghe tiếng than thở của người dân vì giá heo xuống quá thấp. Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường chỉ còn từ 23.000 – 24.000 đồng/kg (đối với các trang trại lớn) và từ 20.000 – 21.000 đồng/kg (đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ), ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Ngọc Thân – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết: “Trước tết dương lịch, giá heo hơi trên thị trường dao động trong khoảng từ 40.000 – 50.000 đồng/kg nhưng tính đến thời điểm hiện tại, giá heo hơi đã giảm một nửa, ước tính trung bình mỗi con heo xuất chuồng, người dân bị lỗ vốn khoảng 2 triệu đồng/con. Đặc biệt, những con heo nào có trọng lượng từ 80 kg đến 1 tạ mới bán được với giá 23.000 đồng/kg, những con heo nào có trọng lượng lớn hơn 1 tạ thì chỉ bán được với giá 18.000 đồng/kg. Hiện tại, trên toàn huyện có khoảng 42.000 con heo thịt chưa xuất chuồng được và tập trung chủ yếu ở các xã Bình Thạnh, Phú Hội, Liên Hiệp, Hiệp Thạnh…”. Ngoài ra, ông Thân còn cho biết thêm, nếu giá heo còn tiếp tục giảm mạnh và kéo dài khoảng 1 tháng nữa, nhiều hộ dân sẽ rơi vào tình trạng “phá sản”, nhiều hộ không biết xoay xở đâu ra tiền để trả nợ thức ăn cho chủ đại lý thức ăn chưa kể một số hộ còn vay tiền ngân hàng để đầu tư, khó khăn lại càng tăng thêm cho nhiều hộ dân. Giá heo thấp lại không bán được, mật độ heo trong chuồng cao, nguồn thức ăn ít dẫn đến nguy cơ dịch bệnh cho heo cao hơn bình thường. Ngoài ra, heo thịt trên địa bàn huyện không xuất bán được ra các tỉnh phía Bắc mà chỉ tiêu thụ được ở trong tỉnh.

Ông Lê Quốc Viễn (thôn Tân Trung, xã Tân Hội) – một trong những hộ nuôi heo với số lượng nhiều cho biết: “Đã nhiều năm nuôi heo, tôi chưa thấy năm nào giá heo hơi thấp hơn giá thành và lâu phục hồi như năm nay. Hiện tại, gia đình tôi có khoảng 200 con heo thịt chưa xuất chuồng được dù đã liên kết với hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nhưng đứng trước tình hình giá heo đang trên đà giảm mạnh, hợp tác xã vẫn mua nhưng với số lượng ít hơn bình thường. Trung bình bán một con heo lỗ vốn hơn 1 triệu đồng chưa kể tiền công tưới tắm, chăm sóc cho heo. Bên cạnh đó, giá bán thức ăn cho heo vẫn cao nên phải giảm thức ăn cho heo, giảm đàn, loại bớt số lượng nái nếu không càng nuôi càng lỗ”.

Cùng chung tâm trạng với ông Viễn, anh Nguyễn Tiến Luật, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh cho biết, gia đình anh có khoảng 600 – 700 con (bao gồm heo nái, heo thịt và heo con), trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất bán hơn 100 con heo thịt, với giá bán heo hơi hiện nay gia đình anh lỗ khoảng 100 triệu đồng/tháng (bao gồm tiền heo giống, chi phí thức ăn và thuốc thú y, công chăm sóc). Không chỉ ở các trang trại mà những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng đang phải đối mặt với cảnh lỗ vốn triền miên.

Chất lượng thịt không đạt, mỡ nhiều và chỉ bán được với giá 20.000 – 21.000 đồng/kg. Với giá thấp như vậy sẽ kéo theo một loạt hệ lụy đến với người chăn nuôi trên địa bàn huyện Đức Trọng cầm chắc thua lỗ và càng nuôi càng lỗ nặng.

Đến thời điểm hiện tại, giá heo vẫn đang tụt dốc không phanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế nên nhiều hộ gia đình đã chọn cách “treo chuồng” để không bị tiếp tục lỗ vốn.

Theo ông Trương Văn Bảo, thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh: “Gia đình tôi có khoảng 400 con heo thịt và 18 con heo nái, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đều đổ hết vào đàn heo, ngoài ra, gia đình tôi còn vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư vào đàn heo. Nhận thấy giá heo giảm mạnh và không có dấu hiệu tăng lên, gia đình tôi đã phải bán chạy hết đàn heo với giá bán 26.000 đồng/kg, ước tính gia đình tôi lỗ hơn 1 tỷ đồng trong lứa heo vừa qua và đang nợ ngân hàng khoảng 600 triệu đồng. Tình hình này, gia đình tôi đã cạn kiệt vốn và sẽ không dám tái đàn nuôi nữa mà đợi khi giá cả ổn định trở lại”.

Cần có giải pháp lâu dài

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá heo giảm mạnh, người chăn nuôi chịu cảnh thô lỗ là do nguồn cung lớn hơn cầu và khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra. Cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc lưu thông thịt heo từ tay người nuôi đến người tiêu dùng bởi lẽ giá thịt heo hơi giảm sâu nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì giá vẫn cao.

Theo ông Phan Ngọc Thân – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng, giải pháp đặt ra trước mắt đối với những hộ chăn nuôi là tìm nguồn thức ăn khác có giá thành rẻ hơn thức ăn cũ, cần phối trộn cám gạo và bắp vào nhằm giảm chi phí thức ăn. Đồng thời giảm số lượng đàn, loại bỏ những con heo nái già nhằm nâng cao chất lượng con giống, tiến hành mô hình chăn nuôi khép kín về con giống, thức ăn, thuốc thú y và cả đầu ra hoặc bà con chăn nuôi phải liên kết với nhau tạo thành các hợp tác xã, tổ hợp tác như các công ty liên doanh lớn đã làm nhằm giảm bớt chi phí trung gian.

Trong tình hình này, tỉnh Lâm Đồng cần sớm chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, có hình thức hỗ trợ tiền lãi xuất vốn vay cho các hộ nuôi heo ở huyện Đức Trọng, đồng thời làm việc với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi về vấn đề giảm giá thức ăn chăn nuôi.

Yến Thy (Báo Lâm Đồng, 15/5/2017)