Số điện thoại 0633.888555 đã trở thành số gọi quen thuộc của nhiều người dân huyện Lâm Hà, đặc biệt là cụm 6 xã vùng Lán Tranh. Không chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân mà đằng sau 35 chiếc taxi mang thương hiệu Lavi còn là cả một câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai 31 tuổi – Nguyễn Văn Cường.
Chúng tôi đến số 149A, Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà vào buổi sáng, không cần phải tìm lâu đã nhanh chóng nhận ra đây là trụ sở điều hành của Hãng taxi Lavi, bởi sự nhộn nhịp của các xe ra vào, các tài xế thay nhau nhận ca, lau chùi xe… chuẩn bị cho một ngày chở khách. Ông chủ công ty đón chúng tôi bằng một nụ cười hiền sau khi điều hành, dặn dò các tài xế. “Còn trẻ quá nhỉ”, một đồng nghiệp đi cùng không giấu nổi sự ngạc nhiên trước tuổi đời và cơ ngơi của chàng trai sinh năm 1986 này.
Nguyễn Văn Cường chia sẻ, tốt nghiệp khoa Luật, Trường Đại học Sài Gòn với tấm bằng cử nhân trong tay, nhưng rồi Cường quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp với ý tưởng nung nấu từ năm 2014 về việc kinh doanh vận tải. Và rồi tháng 1 năm 2016, Hãng taxi Lavi ra đời với 5 chiếc xe. Đến nay, sau hơn 1 năm hoạt động, 35 chiếc taxi Lavi luôn là địa chỉ bấm gọi khi cần của nhiều người dân Lâm Hà. Cường nói: “Sinh ra và lớn lên ở xã này, từ bé em đã thấy và hiểu công việc của cha – trước cũng làm dịch vụ vận tải nên hiểu nhu cầu đi lại rất lớn của người dân nơi đây và các xã vùng xa. Ấp ủ là thế nên khi cầm tấm bằng đại học trong tay, em muốn trở về cống hiến cho quê mình, làm giàu trên mảnh đất mình sinh ra. Cũng phải mất 2 năm từ khi lên ý tưởng đến lúc thực hiện, đó là cả một quá trình từ tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu và quan trọng nhất là phát triển nó”.
Hãng taxi Lavi của Công ty TNHH thương mại Nhân Trí Dũng do Nguyễn Văn Cường làm giám đốc hiện có 35 chiếc taxi chạy dịch vụ, mỗi chiếc xe trị giá gần 450 triệu đồng, mỗi tháng giải quyết việc làm cho 46 lao động với số lương ổn định từ 6-8 triệu đồng. Taxi Lavi chủ yếu phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân huyện Lâm Hà mà đặc biệt là cụm 6 xã Tân Thanh, Tân Hà, Liên Hà, Đan Phượng, Phước Thọ, Hoài Đức. Ông Đỗ Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Tân Hà, huyện Lâm Hà nhận xét: Từ khi có Hãng taxi Lavi riêng của Tân Hà, người dân chúng tôi rất yên tâm và cảm thấy thoải mái khi gọi taxi chỉ 5 phút sau là có xe ngay. Trước nay vẫn có các hãng taxi lớn, tuy nhiên mỗi lần gọi phải chờ lâu. Có taxi này ra đời phục vụ rất nhiều cho nhu cầu đi lại, chuyên chở cho người dân trong xã và các xã lân cận”.
Trả lời cho câu hỏi vì sao chọn và quyết tâm theo đuổi đến cùng ý tưởng khởi nghiệp này, Nguyễn Văn Cường tâm sự: Thật sự bây giờ ra một hãng taxi nghe thì vậy nhưng thực hiện lại không đơn giản chút nào. Ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn về vốn, cách thức điều hành một hãng taxi cho chuyên nghiệp, nhanh chóng và hài lòng người dân. Duy trì đã khó rồi còn phải tính đến chuyện phát triển và nhân rộng lên nhiều xe nữa, không mạnh dạn, dám nghĩ dám làm thì chắc cũng chưa phát triển được như hôm nay.
“Tôi cho rằng, ai làm việc cũng vì mục đích lợi nhuận nhưng nếu không có sự đam mê thì sẽ khó thành công. Để đạt được kết quả ban đầu như hiện tại cũng cần sự kiên nhẫn và “tiếp lửa” đến từng nhân viên của công ty, vì sự sống còn của một hãng taxi chính là chất lượng dịch vụ” – Cường bộc bạch.
Kiệm lời nhưng lại khá cởi mở, chẳng giấu điều gì khi trao đổi là ấn tượng của tôi về chàng trai trẻ này. “Sinh ra từ làng”, những câu chuyện khởi nghiệp của những thanh niên tuổi trẻ nhưng ý chí quyết tâm cao như Nguyễn Văn Cường là điều mà tôi luôn muốn nghe và kể lại. Bởi ở những thanh niên ấy có sự mộc mạc của quê hương nhưng cũng năng động, giỏi giang, bắt kịp xu thế, thời vận liên tục thay đổi của cuộc sống hiện tại để mang về xây dựng quê hương. Góp nhặt trong từng ý tưởng kinh doanh, dám làm và đặt tâm huyết vào nó, như Cường, tôi thấy còn có cả sự nhiệt huyết tuổi trẻ và cả tình yêu quê nhà. Khi tinh thần khởi nghiệp đang dâng cao ở cả nước và đang là một trong những chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Lâm Đồng, thì vẫn có những thanh niên như thế, như Nguyễn Văn Cường, ở một xã vùng xa và lặng lẽ làm việc “nhen và tiếp lửa”. Khởi nghiệp chỉ đơn giản là vậy, không khó mà cũng chẳng phải dễ dàng nếu không đi đến cùng bằng đam mê.
Diễm Thương (Báo Lâm Đồng, 27/6/2017)