Với người dân sống lâu năm tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) thì việc “nhà không số, phố không tên” đã trở nên quá quen và họ không gặp nhiều trở ngại trong giao dịch hàng ngày. Thế nhưng, đối với người nơi khác đến hoặc những giao dịch đòi hỏi phải có địa chỉ chính xác thì việc này gây ra không ít rắc rối. Về lâu dài, với xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiến tới trở thành thị trấn như xã Lộc An thì việc đặt tên đường, đánh số nhà đang là đòi hỏi cấp thiết.
“Đụng” chuyện mới thấy cần
Là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của huyện Bảo Lâm từ năm 2015, song việc đặt tên đường, gắn số nhà ở xã Lộc An dường như vẫn là điều “xa xỉ” đối với người dân địa phương.
Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có khoảng 40 tuyến đường cần đặt tên hoặc đặt ký hiệu và hàng ngàn ngôi nhà cần đánh số; trong đó, có rất nhiều tuyến đường và ngôi nhà nằm dọc theo Quốc lộ 20.
Hiện tại, tất cả đều chưa được thực hiện nên những tấm biển hiệu quảng cáo tại các cửa hàng kinh doanh của người dân cũng chỉ ghi địa chỉ chung chung và số điện thoại. “Việc này không gây bất tiện nhiều vì tôi chủ yếu bán hàng cho người trong xã. Khi cần giao hàng thì xe ôm đã thông thuộc mọi ngõ ngách, khó tìm quá thì gọi điện thoại. Chỉ có những người nơi khác đến mới gặp khó khăn trong việc kiếm nhà người cần tìm” – chủ nhân một cửa hàng hoa ngay trung tâm xã Lộc An chia sẻ.
Đó là đối với khu vực trung tâm, đi sâu hơn vào các thôn thì tên đường, số nhà dường như là chuyện xa lạ với người dân. Chỉ những nhà có nhiều giao dịch thì họ tự đặt ký hiệu cho nhà mình, còn lại thì không quan tâm. Thế nhưng, khi “đụng” chuyện thì tên đường, số nhà mới trở nên cần thiết. Ông Trịnh Văn Hiền (Thôn 2, xã Lộc An) cho biết: Lâu lâu có người quen ở nơi khác đến chơi thì việc chỉ đường rất khó vì không có tên đường, không có số nhà. Phải gọi điện thoại tới lui nhiều lần hoặc phải hẹn một điểm nào đó trên Quốc lộ 20 rồi mới chạy ra đón. Trong giao dịch với bưu điện, nhiều khi con cái gửi tiền về thì phải chạy ra tận nơi để hỏi nên cũng bất tiện. Hiện tại, tên đường, số nhà chưa được người dân xem trọng nhưng về lâu dài thì đây là yêu cầu cần thiết. Bởi lẽ, khi có một địa chỉ cụ thể, rõ ràng thì mọi giao dịch của người dân sẽ thuận tiện hơn và theo kịp thời đại.
Hiện tại, ngoài sử dụng số điện thoại làm “trợ thủ” đắc lực thì những nhân viên chuyển phát, những người giao hàng phải nhờ đến những trưởng thôn. “Có trường hợp không ghi rõ xóm hoặc bị trùng tên thì ngay cả các trưởng thôn cũng khó tìm được nhà” – ông Hứa Nam Phụ, Chủ tịch UBND xã Lộc An chia sẻ. Cũng theo ông Phụ, toàn xã Lộc An có 16 thôn với gần 20 ngàn dân, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc là thôn B’Đơ và B’Cọ. Xã Lộc An có 7 thôn nằm dọc trên tuyến Quốc lộ 20 với rất nhiều tuyến đường đấu nối vào các thôn. Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05 của Huyện ủy Bảo Lâm, xã Lộc An sẽ trở thành thị trấn vào năm 2020. Một trong những tiêu chí để xã được công nhận là thị trấn là phải đặt tên đường, đánh số nhà.
Nhu cầu cấp bách
Tại kỳ họp mới đây của HĐND huyện Bảo Lâm, ông Võ Hữu Hỷ, đại biểu HĐND huyện Bảo Lâm khẳng định, việc đặt tên đường, đánh số nhà tại xã Lộc An đang là nhu cầu cấp bách của người dân nên cần được triển khai nhanh. Cơ sở để thực hiện việc này là Lộc An đã được quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch thị trấn với diện tích 500 ha/4.000 ha toàn xã. Trong khi đó, theo ông Trần Thanh Phong, Trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Bảo Lâm, việc đặt tên đường và đánh số nhà trên địa bàn xã Lộc An là chưa thể thực hiện. Lý do, chỉ có khu đô thị hoặc điểm dân cư nông thôn đã được quy hoạch mới có thể áp dụng việc đặt tên đường. Theo trả lời của Phòng Quản lý nhà (Sở Xây dựng) thì xã Lộc An chưa quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Hơn nữa, việc đặt tên đường cần phải làm quy hoạch tên đường trình HĐND các cấp phê duyệt, mà thẩm quyền quyết định cuối cùng là của HĐND tỉnh nên cần phải có thời gian mới thực hiện được. Trước những khó khăn đó, Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện đã hướng dẫn cho xã đặt tên cho các tuyến đường xã theo ký hiệu để làm cơ sở đặt số nhà cho các hộ dân.
Hiện tại, xã Lộc An đang tiến hành các bước khảo sát, rà soát lại toàn bộ quy hoạch để đặt ký hiệu và số nhà cho từng tuyến đường trên địa bàn, sau đó trình lên HĐND xã xem xét và thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương cũng gặp không ít khó khăn do sự phát triển mạnh mẽ của đô thị nên công tác quy hoạch trước đây không phù hợp, cần có sự điều chỉnh. Theo ông Hứa Nam Phụ, hiện một số hạng mục công trình như vỉa hè, công viên, cây xanh đã được phân bổ kinh phí xây dựng, còn lại phương án quy hoạch đặt tên đường và số nhà sẽ sớm được triển khai thực hiện trong năm nay dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách của huyện cũng như vận động từ xã hội hóa trong nhân dân.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 4/8/2017)