Nắm bắt được nhu cầu thị trường, anh Nguyễn Hữu Anh (24 tuổi, ngụ Thôn 9, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) đã chọn cây su su trồng lấy ngọn để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, sau khi trừ tất cả mọi chi phí, vườn su su 5 sào đang mang lại cho Hữu Anh nguồn thu nhập từ 20 – 22 triệu đồng/tháng.
Giống như nhiều bạn bè cùng trang lứa, sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Hữu Anh đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Nghề TP Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp ra trường, Hữu Anh được nhận vào làm việc tại một xưởng đóng tàu ở huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Sau gần 2 năm làm việc tại đây, mặc dù được làm đúng chuyên ngành với mức lương 11 triệu đồng/tháng, nhưng Hữu Anh nhận thấy nghề đóng tàu tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn lao động. Cùng với đó, việc làm công ăn lương nhiều áp lực và khó vươn lên. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc Hữu Anh trở về quê nhà làm vườn để tìm cơ hội vươn lên làm giàu. Hữu Anh tâm sự: “Hơn 10 năm nay, gia đình đầu tư trang trại nuôi chim cút đẻ trứng với quy mô 20.000 con. Khi mới về đây, mình cũng có ý định theo bố mẹ làm chăn nuôi. Nhưng sau một thời gian, mình nghĩ để không phụ thuộc vào gia đình mãi mà phải sớm tự lập, tìm hướng đi riêng cho bản thân”.
Do không có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nên Hữu Anh đã tự lên mạng tìm kiếm các tài liệu để học hỏi; đồng thời, tìm hiểu, chọn lọc những mô hình kinh tế hay và hiệu quả để áp dụng vào thực tế. Qua tìm hiểu, Hữu Anh nhận thấy ngọn su su là một trong những loại rau được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng nguồn cung còn khan hiếm. Vì vậy, tháng 4/2017, Hữu Anh quyết định đầu tư hơn 200 triệu đồng mua giống, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới tự động và đào hồ cung cấp nước tưới… để trồng 5 sào cây su su. Thường thì mọi người trồng su su để lấy quả, còn Hữu Anh lại bỏ quả lấy ngọn. Hữu Anh chia sẻ: “Su su là cây trồng ưa khí hậu mát mẻ nên vùng đất Lộc An rất lý tưởng để su su sinh trưởng, phát triển. Không những vậy, đây còn là cây trồng dễ tính, ít sâu bệnh. Vì vậy, sau một thời gian ngắn xuống giống, toàn bộ diện tích su su đều phát triển rất tốt. Thời gian đầu, mình sử dụng một số loại phân hóa học bón đúng liều lượng chỉ định để thúc cây phát triển. Nhưng do su su trồng lấy ngọn thu hoạch hàng ngày, để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nên từ tháng thứ 3 khi su su bắt đầu cho thu hoạch, mình chỉ sử dụng các loại phân vi sinh và đạm cá… bón cho su su. Theo mình tìm hiểu, su su lấy ngọn không chỉ cho thu hoạch hàng ngày, mà thời gian thu hoạch còn kéo dài từ 4 – 5 năm mới phải trồng lại, nên hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác”.
Để chủ động đầu ra cho sản phẩm, Hữu Anh đã tìm về chợ đầu mối Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) tìm kiếm thị trường và ký hợp đồng cung cấp ngọn su su với 1 cửa hàng bán rau, củ, quả tại đây. Nhờ có đầu ra ổn định, hiện tại, mỗi ngày vườn su su của Hữu Anh cung cấp cho thị trường từ 80 – 100 kg ngọn su su. Với giá bán 14 ngàn đồng/kg, sau khi trừ tất cả các chi phí mang lại cho Hữu Anh nguồn thu nhập từ 20 – 22 triệu đồng/tháng. Bà Lưu Thị Minh Tâm, mẹ Hữu Anh, chia sẻ: “Tuy còn độc thân nhưng khi Hữu Anh có ý định ra tự lập làm ăn, tôi đã bàn với chồng tính chia cho con 1/3 đàn chim cút. Song, nó cứ khăng khăng phải tìm cái gì mới để làm chứ không chịu nhận. Khi nó quyết định chọn cây su su trồng thì tôi cũng thấy lo vì lần đầu tiên nó làm một người nông dân thực thụ. Giờ đây, khi đã có kết quả, tôi mới thấy lựa chọn của con là đúng đắn. Cuối năm nay, Hữu Anh lập gia đình, vợ chồng tôi sẽ hỗ trợ thêm cho con để mở rộng diện tích su su, phát triển kinh tế”.
Hiện tại, vườn su su không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho Hữu Anh, mà còn tạo công ăn việc làm cho 3 lao động tại địa phương chuyên chăm sóc và hái ngọn su su, với mức thu nhập từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng. Anh Vũ Quốc Huy, Bí thư Đoàn xã Lộc An, cho biết: “Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, ngoài những hoạt động xã hội, thời gian qua, chúng tôi rất chú trọng đến phong trào “lập thân, lập nghiệp” của đoàn viên, thanh niên tại địa phương. Hiện tại, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của đoàn viên, thanh niên mang lại hiệu quả cao như trồng hoa đồng tiền, trồng lan rừng, trồng rau sạch, nuôi thỏ, chim bồ câu pháp… Riêng đối với mô hình trồng su su lấy ngọn của Hữu Anh, thì vừa mới, vừa “độc” và cho hiệu quả kinh tế cao. Tới đây, chúng tôi sẽ chọn mô hình này làm điểm để các đoàn viên, thanh niên có nhu cầu tới tham quan, học tập và nhân rộng”.
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 23/11/2017)