Trại heo hàng trăm con không sử dụng hầm biogas nên chất thải hầu hết được xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm khu dân cư
“Hơn 10 năm nay, chúng tôi phải gánh chịu cảnh ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi thối bốc lên từ trại chăn nuôi heo của bà Trần Thị Kim Phượng (thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng).Gần đây, bà Phượng lại tăng đàn nên mức độ ô nhiễm càng trầm trọng, chúng tôi phải đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm mà mùi hôi vẫn bay vào nhà không sao chịu nổi. Chúng tôi đã nhiều lần trực tiếp sang nói chuyện và yêu cầu bà Phượng khắc phục nhưng đến nay mọi chuyện vẫn không thay đổi” – ông Trần Đình Khiêm, nhà cạnh trại heo, bức xúc.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trại heo của bà Phượng được xây dựng ngay trong khu dân cư. Khoảng 3 năm trở lại đây, bà Phượng mở rộng quy mô chăn nuôi với đàn heo hơn 250 con heo thịt và 10 con heo nái. Đáng nói, trại chăn nuôi heo tồn tại đã lâu nhưng không có hầm biogas, toàn bộ phân heo được để lộ thiên trong một hố chứa khoảng 20 m2, ruồi nhặng, dòi bu dày đặc; nước tắm heo và rửa chuồng trại được xả trực tiếp ra vườn cà phê của gia đình bà Phượng bên cạnh trại heo, mùi hôi thối nồng nặc.
“Nhà tôi cách trại heo bà Phượng 4 căn, lúc nào mùi hôi thối phân heo cũng bủa vây quanh nhà. Ba cháu nhỏ nhà tôi đứa nào cũng bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Vừa qua, xuất hiện quá nhiều ruồi, chúng tôi phải đầu tư lưới bao bọc kín các cửa” – ông Cao Văn Tác than thở. Còn theo bà Nguyễn Thị Thảo, không chỉ những hộ có nhà gần trại heo chịu cảnh ô nhiễm mà những hộ có nhà cách trại heo 400-500 m cũng không thoát, nhất là những ngày trời đang nắng bỗng đổ mưa, mùi hôi thối bủa vây cả xóm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Phượng thừa nhận trại heo chưa có hầm biogas nên phải cho phân vào hố để xử lý, nước thải xả trực tiếp ra vườn cà phê. “Gia đình tôi đã cố gắng để xử lý nhưng việc bốc mùi hôi thối là không thể tránh khỏi. Tôi cũng đã nhiều lần qua hàng xóm xin họ thông cảm để khắc phục, cơ quan chức năng cũng đã tới kiểm tra và xử phạt hành chính rồi. Hiện chúng tôi đã xây dựng tường rào cao hơn 3 m để ngăn bớt mùi hôi. Sắp tới đây, tôi sẽ đầu tư xây thêm hầm biogas để xử lý phân và nước thải” – bà Phượng nói.
Theo ông Vũ Văn Vân, Chủ tịch UBND xã Lộc Châu, toàn xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc có hơn 15 trại heo với quy mô chăn nuôi từ 200 đến gần 2.000 con, phần lớn chưa sử dụng hầm biogas nên chất thải hầu hết được xả trực tiếp ra môi trường. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở nhưng kết quả vẫn chưa triệt để.
Riêng trường hợp trại chăn nuôi heo của bà Phượng gây ô nhiễm, mới đây, đoàn liên ngành của UBND TP Bảo Lộc và UBND xã Lộc Châu, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế và Cảnh sát Môi trường… đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt hành chính 2 triệu đồng và cho bà Phượng 4 tháng để khắc phục.
Đình Thi (Báo NLĐ, 20/09/2016)