Một trong những nội dung về quy hoạch đô thị của tỉnh Lâm Ðồng rất quan trọng, được tỉnh đặc biệt quan tâm, và ngay trong tháng này, theo kế hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các ngành chức năng và đơn vị liên quan để triển khai Quy hoạch trung tâm Hòa Bình (TTHB), Ðà Lạt.
Quy mô đề xuất 30 ha
Theo phân công, việc xây dựng quy hoạch TTHB được giao Sở Xây dựng Lâm Đồng làm chủ đầu tư, đơn vị lập quy hoạch là Chi nhánh Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự; cơ quan thẩm định là Sở Xây dựng Lâm Đồng, cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, sau khi kết thúc lấy ý kiến công khai của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về dự thảo nhiệm vụ quy hoạch, Sở Xây dựng đang xúc tiến giai đoạn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, tổ chức lập đồ án quy hoạch; lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan để hoàn thiện phương án quy hoạch; thông qua đồ án quy hoạch; trình phê duyệt đồ án quy hoạch để làm cơ sở đầu tư dự án.
Căn cứ Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về định hướng quy hoạch chung thành phố (TP) Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Khu TTHB bao gồm: khu Rạp Hòa Bình, khu Chợ Đà Lạt, khu đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ và khu biệt thự đường Trần Quốc Toản – giáp hồ Xuân Hương. Đây là một trong các khu chức năng quan trọng thuộc khu đô thị lịch sử của TP Đà Lạt, mang tính chất trung tâm thương mại – dịch vụ phức hợp tập trung của TP, nhằm hướng mục tiêu phát triển TP Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ – du lịch vùng, mang tính quốc gia và có ý nghĩa quốc tế… Các nhà quy hoạch đề xuất TTHB có quy mô về diện tích quy hoạch khoảng 30 ha; phạm vi quy hoạch được giới hạn bởi các đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, đường Nguyễn Văn Trỗi ra đầu đường 3 tháng 2, Nguyễn Chí Thanh (đến trước Khách sạn TTC), có đường dẫn xuống đường Lê Đại Hành, qua bồn phun nước. Cấu trúc TTHB dự kiến quy hoạch chi tiết thành 5 phân khu chức năng: Phân khu I (Khu vực Chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai) có quy mô khoảng 6,95 ha; là chợ truyền thống kết hợp với quảng trường trung tâm, phố đi bộ kết nối với trung tâm thương mại và khu đậu xe ngầm. Phân khu II (Khu TTHB) khoảng 3,37 ha; là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu III (Khu vực đồi Dinh) khoảng 4,43 ha; là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Phân khu IV (Khu vực chỉnh trang đô thị) khoảng 9,19 ha; là khu vực đề xuất chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ hướng đến hình thành khu ở kết hợp thương mại phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ và giải trí. Phân khu V (Khu vực ven hồ) khoảng 6,06 ha; là các biệt thự và công trình dịch vụ – du lịch, lưu trú – khách sạn.
Không nên cao tầng
Tại Hội thảo “Phát triển đô thị Đà Lạt gắn với bảo tồn theo định hướng quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra cuối tháng 12/2017, rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu tâm huyết và đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch TTHB.
Ðiểm chung của các ý kiến là khẳng định nét đặc thù của TP Ðà Lạt với địa mạo, khí hậu, cây xanh và mặt nước. Và đây cũng là đặc điểm cần được đặc biệt quan tâm để bảo tồn và phát huy.
Theo TS. KTS Lê Quang Ninh, phải xác định như thế nào là đột phá và TP Đà Lạt hội đủ các yếu tố để trở thành đô thị di sản, không chỉ của quốc gia mà mang tầm quốc tế. Và khi đã được công nhận đô thị di sản, những tác động không phù hợp sẽ được hạn chế. Ông Ninh cũng cho rằng “Chọn con đường di sản để đi lên, để phát triển là một con đường khó, nó đòi hỏi quyết tâm mạnh mẽ của cả cộng đồng đô thị, cộng đồng xã hội cấp vùng và cấp quốc gia”.
Khẳng định cả nước chả có đô thị nào như Đà Lạt, KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam còn nhấn mạnh nhiều ưu thế đặc biệt của TP Đà Lạt khi đặt trong bức tranh chung về đô thị ở Việt Nam. Đó là không có khách sạn nào vượt tầm được khách sạn Palace, vì vậy cần ý thức để giữ gìn và không tác động thêm. Đà Lạt có hồ Xuân Hương cũng như Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm, là 2 đô thị duy nhất có hồ đẹp nằm ngay trong trung tâm của thành phố. Vì vậy, ông Chính cho rằng: phải giữ cho được không gian kiến trúc xưa, theo đó cần phát triển Đà Lạt theo hướng mở rộng, không dồn vào khu vực trung tâm TP mà phát triển ra 4 đô thị vệ tinh. Cũng nhằm giữ được “các giá trị cốt lõi nổi bật” của TP Đà Lạt, TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh cụ thể hơn: Chỉ phát triển TTHB và 2 trục di sản, không quan tâm đến các trung tâm khác sẽ không bảo tồn được. Nhà khoa học này cho rằng, cần có luận cứ khoa học về ranh giới TTHB có tính thuyết phục cao nhất. TS Sơn khẳng định: Nếu cao tầng hóa ở TTHB là lấy hết cơ hội của xung quanh, Đà Lạt không giống như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Theo đó, lấy hồ Xuân Hương là trung tâm và phát triển theo chiều rộng, không phát triển theo chiều cao mới là hợp lý. “Phải xác định trung tâm không theo công trình mà là cây xanh và mặt nước, không theo chiều cao mà phát triển theo chiều ngang”, TSKH Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Minh Đạo (Báo Lâm Đồng, 15/1/2018)