Nhiều người dân than phiền, trong Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các cung đường chính vào TP Đà Lạt đều ít nhiều diễn ra cảnh giao thông ùn ứ, quá tải cục bộ. Trước thực trạng trên, gần đây UBND tỉnh Lâm Đồng đã có cuộc họp quan trọng, trong đó lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng phối hợp cùng các ban, ngành liên quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp giảm ùn tắc giao thông trước mắt và lâu dài trình tỉnh xem xét để sớm triển khai thực hiện.
Quá tải do khách tăng đột biến
“Tới ngày mùng 10 âm lịch, lượng khách lên chơi Tết Nguyên đán đầu năm vẫn còn khá đông. Tôi lái ô tô 3 km vào trung tâm thành phố mất 20 phút, nhiều gấp ba lần so với ngày bình thường, còn ngày mùng 4 tết kẹt xe nghiêm trọng, phải mất khoảng 50 phút để đi quãng đường 3 km” – đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Duy (47 tuổi), người dân sinh sống tại Đà Lạt đã 30 năm nay.
Theo ông Duy, mặc dù ngán ngẩm với giao thông quá tải, ùn ứ nhưng tình trạng này chỉ diễn ra vào các dịp lễ hội lớn của tỉnh và TP Đà Lạt, còn hầu hết các ngày khác giao thông thành phố đi lại rất thuận tiện, thông thoáng. “Tôi ví dụ sức chứa thành phố này khoảng 100.000 người, giờ mỗi khi lễ, tết khách đổ về gấp đôi, gấp ba thì tất nhiên giao thông sẽ ùn ứ, quá tải, nhưng nếu việc này diễn ra thường xuyên thì chính quyền thành phố cần có giải pháp khắc phục, giảm tải bớt” – ông Duy kỳ vọng.
Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 6 ngày dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, lượng khách du lịch tới Lâm Đồng đạt 228.000 lượt tham quan, vui chơi, trong đó lượng khách tới Đà Lạt đã chiếm khoảng 80%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017. Chính lượng khách đổ về đông như vậy nên những con đường dẫn về trung tâm TP Đà Lạt thường kẹt xe nhẹ từ 7h -10h và từ 16h – 19h. Ùn ứ xe nặng nhất là các nút giao thông quanh hồ Xuân Hương, khu Hòa Bình, Ngã tư Phan Chu Trinh… các khu du lịch như: Thung lũng Tình Yêu, thác Đatanla, Vườn hoa thành phố, Dinh Bảo Đại… gần như quá tải bởi lượng khách đến tham quan rất đông.
“Lượng khách tăng đột biến không những làm hệ thống giao thông quá tải ở một số vị trí mà các dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng phải căng mình hoạt động hết công suất. Đây là thực trạng chung của các thành phố du lịch trên cả nước chứ không riêng gì Đà Lạt” – một lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh nhận định.
Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đánh giá, vấn đề giao thông quá tải chỉ mới xuất hiện trong các dịp lễ hội lớn của tỉnh và thành phố khoảng hai năm trở lại đây nhưng chắc chắn trong những năm tới, tình hình giao thông tại TP Đà Lạt sẽ dần bức bối hơn. Vấn đề đáng lưu tâm nữa là lượng xe ô tô trên địa bàn trong năm 2017 tăng 12 tới 15%. Với tốc độ ô tô tăng nhanh hằng năm, áp lực cũng như hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại sẽ không thể đáp ứng kịp.
Sẽ có thêm bến xe phía bắc thành phố
Theo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng, cấu trúc giao thông của Đà Lạt khu vực phía bắc và phía nam thành phố có nhiều khách sạn, nhà hàng, điểm dịch vụ du lịch gây nên các điểm nghẽn về giao thông. Du khách muốn đi từ phía nam hay qua phía bắc hoặc ngược lại đều phải đi qua khu vực này sẽ tạo thành áp lực giao thông đổ dồn lên các điểm ở trung tâm.
“Khách sạn tập trung tại khu vực trung tâm quá dày, trong khi đường thì không có khả năng mở rộng thêm, chỉ cần lượng khách tăng mạnh vào một thời điểm sẽ xảy ra hiện tượng quá tải” – ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng nhận định.
Ông Hiệp cho rằng, giải pháp trước mắt là đơn vị đang xây dựng phương án phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh, UBND TP Đà Lạt… tính toán điều chỉnh lưu lượng xe ô tô qua nút giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng nghẽn vào giờ cao điểm. Cụ thể là kéo dài thời gian cấm các loại xe tải lớn, cấm theo giờ; lắp đặt camera phạt nguội các hành vi vi phạm giao thông; mở rộng đường tại các nút giao thông trên để lưu lượng xe khi tăng đột biến có thể thoát nhanh. Bên cạnh đó, phải kết hợp với giải pháp tuyên truyền, văn hóa ứng xử, tham gia giao thông của người dân, du khách để góp phần giảm ùn tắc giao thông chung.
Về giải pháp lâu dài, cơ quan chức năng đã có phương án đầu tư hạ tầng, mở rộng cung đường vành đai nối các vùng vệ tinh trục Bắc – Nam của Đà Lạt để giảm tải cho khu vực trung tâm. Về quy hoạch xây dựng, Sở Xây dựng sẽ trình các phương án giúp giãn bớt dân cư, khách sạn tập trung từ trung tâm ra ngoại ô thành phố.
“Trước mắt, nếu thuận lợi, trong năm 2018 UBND tỉnh sẽ tiến hành giải tỏa xong mặt bằng để các nhà đầu tư khởi công xây dựng bến xe phía bắc (khu vực Trại Mát, Phường 11) cách xa trung tâm TP Đà Lạt khoảng 4 km bên cạnh Bến xe Liên tỉnh ở phía nam (đầu đèo Prenn). Bến xe này sẽ giúp giảm tải giao thông cho thành phố vào dịp lễ hội từ cửa ngõ phía bắc. Tất cả các xe trên 30 chỗ sẽ tập trung vào bến xe, sau đó khách sẽ di chuyển bằng xe taxi, xe bus… để vào trung tâm thành phố” – ông Hiệp nói.
Trong khi đó, Sở Xây dựng cho rằng các giải pháp lâu dài giảm tải cho giao thông Đà Lạt cần phải nghiên cứu dựa trên Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2014 về: “Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Theo Quyết định trên, TP Đà Lạt và vùng phụ cận theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên và văn hóa – lịch sử. Cấu trúc không gian là cấu trúc khung lưu thông bao gồm tuyến vành đai vùng đô thị, các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang – Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột).
“Trong tương lai, khi hạ tầng giao thông quy hoạch Đà Lạt mở rộng theo Quyết định 704 sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông đô thị, có thể đáp ứng lượng khách du lịch đổ lên thành phố 10 triệu khách/năm vào năm 2030” – một lãnh đạo Sở Xây dựng đánh giá.
Chính Phong (Báo Lâm Đồng, 5/3/2018)