Tỉnh Lâm Đồng đang tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng tạo cơ hội đầu tư, thu hút nguồn lực xây dựng và đổi mới địa phương.
Phát triển đầu tư hạ tầng
TP. Bảo Lộc nâng cấp các quốc lộ 20, 55, 27, 28, và các tỉnh lộ thành các tuyến giao thông huyết mạch kết nối vùng, song song với việc xây dựng kết nối vào sâu trong khu đô thị theo hình thức xương cá, giúp phát triển các khu đô thị mà không gây tắc nghẽn giao thông trong tương lai.
Cải tạo Quốc lộ 20 – đoạn từ Dầu Giây đến TP. Bảo Lộc, đã hoàn thành và thông tuyến. Triển khai tuyến đường vành đai phía Nam (tuyến đường tránh Quốc lộ 20, đoạn qua TP. Bảo Lộc), cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, đường chuyên dụng phía Tây và nâng cao chất lượng các tuyến giao thông đối ngoại.
Những năm qua tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư nhiều công trình trọng điểm tại TP. Bảo Lộc. Trong đó, giao thông nội thị được phát triển, mở rộng và hoàn thiện tương đối đồng bộ; giao thông nông thôn được nhân dân tích cực tham gia, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh và phường phát triển toàn diện.
Tổng chiều dài đường nội thị của TP. Bảo Lộc hơn 400 km, mạng lưới giao thông nội thị đã quy hoạch phù hợp với quá trình phát triển của thành phố, một số đường chính được nâng cấp mở rộng trong đó có hơn 100 km được nhựa hóa, đi lại thuận tiện ít dốc đến các phường.
Ngoài ra các tuyến đường trong thành phố được nối tiếp mở rộng vào các khu du lịch, các danh lam thắng cảnh, các khu sản xuất… rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi buôn bán từ khu trung tâm đến các vùng như đường vào khu du lịch Đambri dài 16 km, mặt đường bê tông nhựa rộng 14m.
Một số khu dân cư được tiếp tục phát triển, mở rộng, như: Khu dân cư khu phố 7 (phường Lộc Phát), Khu dân cư khu phố 3 (phường B’Lao), Khu dân cư khu phố 3 (phường Lộc Tiến)… Không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch đã tạo điều kiện để TP. Bảo Lộc tái bố trí, sắp xếp lại nơi ở, việc sinh hoạt cho nhân dân, tạo được quỹ đất và nguồn lực cho quá trình chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần đầu tư phát triển hạ tầng phúc lợi xã hội.
Cao tốc hình thành giá tăng phi mã
Tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với giao thông tỉnh Lâm Đồng trong tương lai, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20 và là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng quan trọng: Đông Nam bộ và Tây Nguyên.
Về cơ bản, dự án hoàn chỉnh sẽ có 4 làn xe, làn dừng khẩn cấp và đường gom với vận tốc thiết kế tiêu chuẩn loại A từ 80 – 120 km/h, tổng vốn đầu tư toàn dự án lên đến 64.000 tỷ đồng. Theo quyết định được Bộ GTVT phê duyệt tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có 3 dự án thành phần, bao gồm: đoạn Dầu Giây – Tân Phú; đoạn Tân Phú – Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc – Liên Khương.
Cụ thể, dự án thành phần 1 từ ngã ba Dầu Giây – Tân Phú có tổng chiều dài khoảng 60 km, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 9.433 tỷ đồng. Dự án thành phần 2 là đoạn Tân Phú – Bảo Lộc vốn đầu tư 13.821 tỷ đồng dài khoảng 66,7 km. Dự án thành phần 3 là Bảo Lộc – Liên Khương với vốn đầu tư khoảng 14.383 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 Dầu Giây – Tân Phú khởi công vào cuối năm 2017 từ nguồn vốn đầu tư BOT.
Khi dự án đi vào khai thác sẽ có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lớn như Nha Trang – Đà Lạt – TP.HCM, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên.
Với gần 60 km dự án thuộc thành phần 1 đã khởi công vào những tháng cuối năm 2017, các xã, huyện có đường cao tốc đi qua sẽ có điều kiện phát triển mạnh. Đối với TP. Bảo Lộc đặc biệt là phường Lộc Phát có tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (điểm giao cao tốc từ TP.HCM đi TP. Đà Lạt có nút giao thông tại TP. Bảo Lộc) sẽ có lợi thế phát triển nhanh chóng từ tuyến đường cao tốc mang lại rõ nét.
Đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt, là cú hích hạ tầng giao thông quan trọng của phường Lộc Phát nói riêng và TP. Bảo Lộc nói chung, là tiền đề cho sự bùng nổ phát triển kinh tế, du lịch, thu hút được nhiều nhà đầu tư và là điểm nóng của thị trường bất động sản.
Doãn Phong (Vietnamnet, 13/3/2018)