Ngày 20/3, anh Ngô Văn Dương, chồng của sản phụ Trần Thị Mão (31 tuổi, ngụ tại phường I, TP Bảo Lộc) cho biết đã có làm việc với đại diện Bệnh viện II Lâm Đồng để khiếu nại chính thức về việc con của anh chị bị tử vong khi đến sinh tại Khoa Sản vào ngày 16/3.
Theo anh Dương, trưa 16/3, anh đưa vợ vào Khoa Sản Bệnh viện II Lâm Đồng để sinh. Sau khi làm các xét nghiệm và nằm ở phòng chờ sinh, đến 2 giờ sáng ngày 17/3, chị Mão đau bụng và bị chảy máu âm đạo. Nhân viên hộ lý có đến phòng khám và yêu cầu anh Dương mua tả giấy cho vợ mặc vào. “Đến 3 giờ, vợ tôi lên cơn đau dữ dội nên tôi có đề nghị gặp bác sỹ ca trực nhưng không được, chỉ có hộ lý đưa vợ tôi vào phòng khám rồi nói chưa sinh được và bảo chờ. Lúc này, vợ tôi có hỏi về việc đăng ký sinh dịch vụ thì hộ lý này nói chờ đến sáng đăng ký rồi đẻ luôn. Đến 5 giờ sáng, sau khi làm xét nghiệm máu lần 3 theo yêu cầu, vợ tôi đau bụng dữ dội nhưng vẫn chưa được cho vào phòng sinh. Do không gặp được bác sỹ trực nên tôi đã gọi nhờ bác sỹ Hằng của bệnh viện đến giúp đỡ. Bác sỹ Hằng yêu cầu tôi đến nhà gặp trực tiếp vì lúc đó không phải ca trực rồi mới đồng ý đến bệnh viện khám cho vợ tôi. Khi đó, vợ tôi mới được vào phòng sinh. Sau khi khám, bác sỹ Hằng thông báo vợ tôi bị cạn nước ối, nhau thai bị bong và đứa bé đã chết ngạt trong bụng, phải mổ cấp cứu cho vợ tôi. Đến 6 giờ, ca mổ hoàn thành nhưng chỉ cứu được vợ tôi còn con tôi đã mất trước khi chào đời. Đó là một bé gái cân nặng 3,2 kg” – anh Dương kể lại sự việc.
Còn theo chị Mão, từ khi vào viện đến lúc xảy ra tình huống phải cấp cứu, chị chưa một lần được bác sỹ Vinh là trưởng kíp trực hôm đó khám. Tất cả việc thăm khám đều do hộ lý thực hiện. “Dù biết tôi bị chảy máu nhưng hộ lý chỉ yêu cầu mặc tả giấy vào. Có hai lần, khi tôi bị đau bụng dữ dội thì có cho tôi vào phòng sinh để khám. Nhưng, việc thăm khám cũng hết sức qua loa, chỉ kiểm tra cửa mình rồi nữ hộ lý bảo “mới mở hai phân mà đã la lối như vậy thì chắc đến lúc đẻ không còn sức”. Đến khi chồng tôi gọi được bác sỹ Hằng đến khám thì phát hiện con tôi đã chết. Bác sỹ Hằng là người trực tiếp gọi cho bác sỹ Vinh để thông báo tình hình và yêu cầu mổ cấp cứu cho tôi” – chị Mão cho hay.
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện II Lâm Đồng, cho biết sản phụ Mão vào viện trong đêm để theo dõi sinh, thai 39 tuần tuổi. Đây là ca sinh con thứ 2 của sản phụ nên được theo dõi sinh đường dưới bình thường. Đến sáng, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nhau bong non, là một tai biến sản khoa xảy ra bất ngờ, do đó, bác sỹ phải thực hiện mổ cấp cứu. “Đây là ca trực của bác sỹ Vinh và bác sỹ Vinh đã phát hiện nhau bong non nên đã chỉ định mổ ngay. Do mổ cấp cứu kịp thời nên tình trạng rối loạn đông máu không xảy ra, bảo tồn được tử cung của người mẹ nhưng rất tiếc là không cứu được con” – bác sỹ Thành cho biết.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Trưởng Ban Thanh tra Nhân dân Bệnh viện II Lâm Đồng (cũng là bác sỹ trực lãnh đạo tối 16/3), sau khi nhận được đơn phản ánh của gia đình chị Mão, bệnh viện đã thành lập tổ xác minh vụ việc để trình hội đồng chuyên môn làm rõ theo đúng quy trình nhằm giải quyết thấu đáo vướng mắc của thân nhân và làm rõ các vấn đề về chuyên môn, về quy tắc ứng xử để rút kinh nghiệm. Cũng theo bác sỹ Thanh, qua hồ sơ bệnh án thì sản phụ Mão được theo dõi đều đặn từ khi nhập Khoa Sản. Từ sau 3 giờ sáng, nữ hộ sinh khám trong, ngoài, theo dõi tim thai, theo dõi chuyển dạ nhưng thấy chưa đủ điều kiện để sinh. Đến 5 giờ 50 phút, sản phụ đau nhiều, tử cung go cứng, tim thai giảm. Lúc này, bác sỹ Vinh là trưởng kíp trực mới mời bác sỹ Hằng vào khám vì vẫn cho rằng đây là ca chuyển dạ sinh bình thường. Do trước đó, sản phụ có yêu cầu sinh dịch vụ và đề nghị bác sỹ Hằng đỡ đẻ trực tiếp nên kíp trực đã thực hiện theo đúng quy trình quy định của bệnh viện là mời bác sỹ Hằng đến thăm khám. Còn về việc tại sao bác sỹ Vinh không thăm khám trong suốt quá trình sản phụ Mão nhập viện là vì không nhất thiết ca sinh nào cũng phải do bác sỹ khám. Việc theo dõi chuyển dạ là do nữ hộ sinh thực hiện, chỉ khi nào có ca sinh khó mới báo với bác sỹ. Còn trong trường hợp sản phụ Mão thì mọi thông số bình thường, không có diễn biến bất thường nên bác sỹ Vinh đã không trực tiếp khám” – bác sỹ Thanh giải thích.
Tuy nhiên, anh Dương không đồng ý giải thích này của bệnh viện. Anh cho rằng: Kíp trực đã tắc trách mới dẫn đến việc con tôi bị chết oan uổng. Nếu bác sỹ Hằng không có mặt kịp thời theo đề nghị của tôi thì ngay cả vợ tôi cũng có nguy cơ mất mạng. Hoàn toàn không có việc bệnh viện gọi bác sỹ Hằng vào khám theo yêu cầu sinh dịch vụ của vợ tôi. Vì trước đó, phía bệnh viện không hề đưa phiếu yêu cầu sinh dịch vụ để tôi làm thủ tục. Do đó, tôi đề nghị bệnh viện cần làm rõ trách nhiệm của kíp trực vì đã lơ là, thiếu trách nhiệm khiến con tôi bị chết.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 20/3/2018)