Vì hám lợi, tham gia vào các đường dây “tín dụng đen” (cho vay nặng lãi) đang khiến hàng chục gia đình ở các xã Đại Lào, Lộc Châu và phường Lộc Tiến… (TP Bảo Lộc) lâm vào cảnh “tan cửa, nát nhà” khi biết tin các đường dây bị vỡ nợ.
Siêu lãi suất!
Suốt hơn 3 tuần qua, dư luận tại TP Bảo Lộc hết sức bàng hoàng khi nghe tin các vụ vỡ nợ với số tiền huy động lên đến hàng trăm tỷ đồng. Theo điều tra của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến các vụ vỡ nợ là do lãi suất mà các “con nợ” đưa ra để vay tiền quá cao (7-8 ngàn đồng/triệu đồng/ngày, tương đương 7-8 triệu đồng/tỷ đồng/ngày) nhằm đánh vào lòng tham của người dân. Có thể nói, đây là mức lãi suất “siêu khủng” bằng 21% được các con nợ và chủ nợ tự thỏa thuận với nhau để vay và cho vay.
Thấy việc cho vay “ăn nên làm ra”, những người cho vay cứ thế dồn toàn bộ tài sản của gia đình, thậm chí vay thêm của người thân, bạn bè, hàng xóm để cho vay lại kiếm lời. Hậu quả, khi “giọt nước tràn ly” các con nợ thông báo vỡ nợ đã đẩy không ít gia đình lâm vào cảnh “tan cửa, nát nhà”.
Sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi đã tiếp cận được với bà Đặng Thị Linh (ngụ tại thôn Ánh Mai, xã Lộc Châu). Bà Linh chính là một trong những “chân rết” và cũng là nạn nhân của đường dây vỡ nợ của người phụ nữ tên Hường. Theo bà Linh thì bà quen biết bà Hường thông qua việc làm ăn với bà Trần Thị Kim Hoàn (một trong những “chân rết” của bà Hường). Qua nhiều lần giao dịch, bà Linh nhận thấy bà Hường rất uy tín khi luôn trả tiền cả gốc lẫn lãi đúng hạn. Cứ thế, số tiền giao dịch ngày một tăng dần lên theo nhu cầu của bà Hường, từ 1 – 2 tỷ đồng rồi lên 4 – 5 tỷ đồng/lần vay… Bà Linh cho biết: “Trước khi giao dịch, bà Hường đưa ra mức lãi suất vay 7 triệu đồng/tỷ đồng/ngày, rồi 2 bên ký hợp đồng với cam kết “sáng vay, chiều trả”. Thời gian tôi giao dịch với bà Hường diễn ra suôn sẻ hơn 2 tháng. Đến ngày 18/4, khi số tiền bà Hường vay của tôi lên tới 12,8 tỷ đồng và đến hạn trả tiền thì bà ấy bảo hợp đồng giao dịch với doanh nghiệp bị trục trặc nên chưa thể giải ngân ngay được. Quá thời hạn 2 ngày nhưng không thấy bà Hường đưa tiền tới, gọi điện để hỏi lý do thì bà Hường tắt máy không liên lạc được. Khi tôi đã tìm đến nhà bà Hường thì hoảng hốt khi gặp rất nhiều người cùng hoàn cảnh tìm bà Hường đòi nợ nhưng không ai gặp được”.
“Vì số tiền bà Hường quỵt nợ có đến hơn 8 tỷ đồng tôi vay lại của người khác, nên từ khi bà ấy rời khỏi địa phương thì ngày nào cũng có người tìm đến gia đình tôi đòi nợ, thậm chí họ còn thuê cả “giang hồ” đến uy hiếp. Sống trong hoàn cảnh vừa bị mất tiền, lại bị các chủ nợ uy hiếp, khủng bố tinh thần khiến mọi người trong gia đình luôn bất an, lo sợ. Đường cùng, tôi phải treo bảng bán căn nhà đang ở để trả bớt nợ cho người ta. Nếu không lấy được tiền, rồi đây không biết cả gia đình tôi lấy gì để sinh sống làm ăn…” – bà Linh uất nghẹn.
Ngoài bà Linh, thì đường dây vỡ nợ này còn đẩy nhiều người vì “hám lợi” lâm vào cảnh trắng tay phải bán nhà, bán đất để trả nợ. Là một trong những nạn nhân bị quỵt nợ, bà Nguyễn Thị Hương (59 tuổi, ngụ tại Thôn 2, xã Đại Lào), nói trong nước mắt: “Khi chị Trần Thị Kim Hoàn, một người hàng xóm của tôi (“chân rết” trong đường dây của người phụ nữ tên Hường – PV) đến đặt vấn đề với tôi vay tiền với lý do “vay cho người em làm trong ngân hàng để đáo hạn cho các doanh nghiệp” và nói chỉ vay trong thời hạn vài ngày rồi sẽ trả lãi cho tôi xứng đáng, nên sẵn có 700 triệu đồng tích góp được tôi đưa cho chị Hoàn vay để kiếm ít đồng lãi. Cứ thế, 700 triệu đồng này, tôi cho chị Hoàn vay hơn 10 lần và lần nào chị ấy cũng trả cả gốc và lãi đúng hạn. Đến ngày 18/4/2018, chị Hoàn tới nhà vay của tôi 1,4 tỷ đồng và làm hợp đồng vay với thời hạn 1 tháng. Ai ngờ mới vay được 3 ngày, khi tôi đi ngang qua nhà chị Hoàn thì thấy một số người đang dọn đồ đạc, hỏi ra mới biết họ đến xiết nợ. Nghĩ mình bị lừa, nên tôi đã gọi điện thoại hỏi thì chị ấy nói “chị ơi em mất hết tiền rồi”. Từ lúc mất tiền, ngày nào tôi cũng bị chồng trách móc, xỉ vả khiến tôi nhiều lần “tăng xông” phải nhập viện. Vì nợ nần bao vây, nhiều lúc tôi muốn tìm đến cái chết cho xong chuyện…”.
Trong vai một người tìm mua nhà, chúng tôi đã tiếp cận được ông Đinh Trọng Dánh (80 tuổi, ngụ thôn Tân Bình, xã Lộc Châu). Ông Dánh là chồng bà Phan Thị Phượng, một trong những “chân rết” trong đường dây vỡ nợ của người phụ nữ tên Dung. Theo ông Dánh thì hiện tại bà Phượng (vợ ông Dánh) đang bị bà Dung nợ số tiền lên đến hơn 15 tỷ đồng. Hầu hết số tiền này, được bà Phượng vay của người dân với lãi suất từ 2 – 3 triệu đồng/tỷ/ngày rồi cho vay lại để lấy phần trăm chênh lệch. “Hơn 20 ngày qua, ngày nào cũng có người đến nhà đòi nợ nên vợ tôi phải chọn cách tạm lánh đến nhà bà con. Tôi tuổi cao, suốt ngày phải tiếp các chủ nợ đến đòi tiền mà muốn phát điên. Từ đó đến nay, trong nhà không còn gì ăn, may mà hàng xóm thương tình người cho ít gạo, bó rau để tôi sống qua ngày…” – ông Dánh xót xa.
“Câu cá” không cần mồi!
Để làm rõ nguyên nhân các vụ vỡ nợ, ngoài việc tìm đến các “chân rết” cũng như những người dân cho vay đang lâm vào cảnh “tán gia bại sản”, chúng tôi còn tìm mọi cách để gặp chủ các đường dây vay nóng. Qua điều tra của chúng tôi, người phụ nữ tên Hường có tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu Hường (35 tuổi, ngụ tại số nhà 171, đường Nguyễn Tuân, phường Lộc Tiến). Khi chúng tôi tìm đến nhà bà Hường, đúng như những gì những người bị quỵt nợ cung cấp thì người phụ nữ này đã rời khỏi nhà từ lâu. Theo các hàng xóm cho biết, trước đây bà Hường làm nghề buôn bán nhỏ, không có nghề nghiệp ổn định. Nhưng khoảng 1 năm này, bà sắm cả xe con nên ai cũng tỏ vẻ nghi ngờ. Khi biết bà Hường trốn khỏi địa phương thì họ mới vỡ lẽ.
Qua xác minh, trước khi hình thành đường dây “vay nóng”, bà Hường dường như tay trắng. Để huy động vốn, bà ta đã gắn cho mình cái mác “chủ dịch vụ đáo hạn ngân hàng với các doanh nghiệp làm ăn lớn”; đồng thời, lôi kéo thêm các “chân rết” cùng tham gia vào đường dây “tín dụng đen” của mình. Để tạo uy tín, lòng tin đối với mọi người, bà Hường đã đưa ra điều khoản trong hợp đồng vay tiền là “sáng vay, chiều trả cả gốc lẫn lãi”. Với chiêu thức này, bà Hường vay tiền của người này rồi trích ra trả lãi cho người kia theo hình thức “xoay vòng”. Số tiền còn lại, bà đưa cho người khác vay lại với lãi suất cao (từ 12 – 15 triệu đồng/tỷ/ngày). Cứ thế “lãi mẹ, đẻ lãi con” khiến số tiền thực vay và tiền “ảo” (tiền lãi) ngày một lớn dần. Đến lúc vì số nợ quá lớn không có khả năng chi trả buộc phải thông báo vỡ nợ và rời khỏi địa phương. Theo thống kê của các chủ nợ thì số tiền bà Hường vay của họ (cả gốc và lãi) đến thời điểm rời khỏi địa phương lên tới con số gần 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Thưởng, một người bị bà Hường quỵt nợ số tiền 12,8 tỷ đồng (ngụ tại thôn Ánh Mai, xã Lộc Châu) tố cáo: “Mỗi lần vay tiền, tôi đều yêu cầu bà Hường làm hợp đồng và có chữ ký giữa hai bên. Suốt hơn 1 tháng làm ăn với bà Hường tôi thấy rất uy tín, nên số tiền tôi cho bà ấy vay cứ thế tăng lên theo cấp số nhân. Ngày 18/4/2018, bà Hường làm hợp đồng vay của tôi số tiền 12,8 tỷ đồng. Đến hẹn trả tiền, bà ta đã cắt đứt liên lạc và đi khỏi địa phương cho đến tận bây giờ. Hiện, tôi đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng về hành vi của bà Hường”.
Từ những hợp đồng vay tiền giữa bà Nguyễn Thị Thu Hường với một số chủ nợ mà chúng tôi có trong tay cho thấy, tính pháp lý của các hợp đồng này không cao. Điều đó được thể hiện khi hợp đồng được phác thảo rất sơ sài, chỉ có tên, số chứng minh nhân dân người vay và người cho vay; không có tài sản thế chấp… chưa kể hầu hết tên hợp đồng đều sai chính tả “Hợp đồng vay tièn”.
Ngoài đường dây bà Hường, hiện nay, dư luận cũng đang xôn xao về một đường dây vỡ nợ khác có liên quan đến người phụ nữ tên Dung với số tiền lên đến khoảng 150 tỷ đồng. Đường dây này có ít nhất 7 “chân rết” trực tiếp huy động tiền làm ăn với bà Dung. Ngoài bà Phan Thị Phương và một người phụ nữ tên Hạnh (“chân rết” của bà Dung cùng ngụ thôn Tân Bình, xã Lộc Châu) lâm vào cảnh nợ nần phải bán đất, bán nhà để trả nợ thì các “chân rết” còn lại vẫn “bình chân như vại”. Chúng tôi cũng đã tìm mọi cách để tiếp cận với các “chân rết” này nhưng bất thành. Mặc dù bà Dung vay tiền đến hẹn không trả, trong khi liên tục bị người khác đến đòi nợ nhưng các “chân rết” đường dây này vẫn chưa ai có đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng.
Theo chân một cán bộ điều tra, chúng tôi tiếp cận được người phụ nữ tên Dung đứng đầu đường dây “tín dụng đen” này. Bà Dung có tên đầy đủ là Hồ Thị Mỹ Dung (ngụ tại khu Thánh Tâm, phường Lộc Tiến). Qua trao đổi, bà Dung thừa nhận đã có hơn 10 năm kinh nghiệm theo nghề “tín dụng đen”. Hiện tại, các con nợ đang vay của bà một khoản tiền rất lớn chưa thể thống kê đầy đủ, song ước hơn 100 tỷ đồng. Trong khi đó, bà cũng đang nợ của những người khác một khoản tiền không hề nhỏ, có những người lên đến hàng chục tỷ đồng. Bà Dung cho biết: “Tôi vẫn biết cho vay lãi suất cao là vi phạm pháp luật, nhưng đã làm ăn thì giữa tôi và các “bạn hàng” đều phải chấp nhận. Mặc dù nợ nần đang bao vây, nhưng giữa tôi và các bên (người cho bà Dung vay tiền và người bà Dung cho vay tiền – PV) đều đã có sự thông nhất không kiện cáo lẫn nhau. Chúng tôi cho nhau thời gian để cùng khắc phục hậu quả. Việc này khi Công an Bảo Lộc mời lên làm việc, tôi cũng đã có trình bày”.
Trao đổi vấn đề này với chúng tôi, Công an TP Bảo Lộc cho biết: “Thời gian qua, đơn vị đã nhận được một số đơn tố giác của người dân liên quan đến các vụ vỡ nợ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và xem xét, đơn vị nhận thấy số tiền quá lớn và vượt quá thẩm quyền nên đã chuyển đơn tới Công an tỉnh Lâm Đồng để xác minh làm rõ theo quy định. Tới đây, nếu có thêm đơn tố giác của người dân liên quan đến các vụ vỡ nợ thì đơn vị sẽ hướng dẫn người dân liên hệ trực tiếp với Công an tỉnh để làm việc!”.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 22/5/2018)