Hồ Than Thở – điểm du lịch nổi tiếng tại thành phố sương mờ Đà Lạt (Lâm Đồng) – đang “tắc thở” vì lượng rác khủng tập trung tại đây gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất cảnh quan.
Hiện TP Đà Lạt và cả tỉnh Lâm Đồng đang vào mùa cao điểm du lịch. Hồ Than Thở, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6km, là một những địa điểm rất nhiều du khách lựa chọn để tham quan. Tuy nhiên, khi đến địa điểm hồ Than Thở, rất nhiều du khách lại tỏ ra thất vọng trước một lượng rác “khủng lồ” tập trung tại hồ, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Chị Bùi Thị Bảo Vân, du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, cho biết, “Mùa hè năm nào, gia đình tôi cũng cho mấy đứa nhỏ lên Đà Lạt tham quan và đến hồ Than Thở. Tuy nhiên, lần này đến đây, tôi thấy rác thải rất nhiều, nguồn nước bị ô nhiễm nặng”.
“Hai cháu nhỏ của tôi thường đến hồ Than Thở để chơi trò chơi đạp vịt, nhưng khi nhìn thấy rác thải nổi lềnh bềnh trên hồ, tôi đã ngăn không cho chúng nó chơi trò này nữa”, chị Vân nói thêm.
Được biết, tình trạng rác thải bủa vây hồ Than Thở ở Đà Lạt xảy ra đã nhiều năm nay. Đáng nói, rác thải ở đây không chỉ là phế thải sinh hoạt của cộng đồng dân cư mà còn là rác thải độc hại từ bao bì thuốc bảo vệ thực vật của các nhà vườn, làng hoa gần đó.
Ông Nguyễn Quốc Lợi – Giám đốc Công ty TNHH Thùy Dương -đơn vị quản lý khu du lịch hồ Than Thở cho biết, nguyên nhân rác thải tồn đọng gây ô nhiễm tại hồ Than Thở thời gian qua là do ý thức con người. Người dân, các nhà vườn, làng hoa đã thải rác sinh hoạt, bao bì, thuốc bảo vệ thực vật ra quanh khu vực hồ.
“Tình trạng rác thải đổ về tồn đọng tại hồ Than Thở trong nhiều năm nay, công ty cũng rất bức xúc, hàng ngày vẫn cho nhân viên đi vớt rác quanh hồ. Tuy nhiên do lượng rác quá nhiều nên không thể vớt hết được. Trong khi đó, nhân công thì hạn chế, nếu muốn tuyển thêm đủ người giải quyết vấn nạn này sẽ đội chi phí cao, quá sức của đơn vị”, ông Lợi nói thêm.
Theo ông Lợi, để hạn chế hồ Than Thở bị bồi lắng và tràn ngập rác thải, Công ty TNHH Thùy Dương đã xin phép tỉnh Lâm Đồng cho nạo vét xây hồ để ngăn rác. Mặt khác, công ty cũng kiến nghị cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương đối với những trường hợp người dân thiếu ý thức thải rác ra hồ.
Nếu không có một chế tài đủ mạnh mà chỉ dựa vào lời kêu gọi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, hoặc gia tăng kinh phí, nhân lực để giải quyết đầu cuối thì điểm du lịch với nhiều giai thoại về tình yêu lãng mạn của xứ sở sương mù Đà Lạt sẽ sớm khai tử.
Hoàng Tỷ (Báo Lao Động, 9/8/2018)