Sau 2 năm bị Sở Công thương Lâm Ðồng buộc dừng thi công để khắc phục những hạn chế về công tác đầu tư và đền bù thiệt hại cho dân, đến nay, Dự án thủy điện Ðại Bình do Công ty Cổ phần Ðiện Bình Thủy làm chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục mà vẫn còn gây thêm những thiệt hại nghiêm trọng cho người dân ở khu vực hạ lưu. Việc nắn dòng rồi tạm ngưng thi công đã khiến cho một lượng lớn nước từ dòng sông Ðại Bình tràn vào vườn tược của dân gây thiệt hại nghiêm trọng.
Sau khi mưa vừa ngớt, chị Ngô Thị Phương (ngụ tại phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) vội vào vườn tại Thôn 15 (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) để xem xét vườn tược. Vườn của chị nằm cạnh dòng sông Đại Bình; trong đó, có hơn 1 sào cà phê ghép 7 năm tuổi và gần 10 gốc tiêu trong thời gian chuẩn bị thu hoạch bị vàng lá, héo rũ, rụng quả và chết dần. Theo chị Phương, những năm trước khi có mưa lớn thì vườn nhà chị cũng không bị ngập, hoặc nếu có ngập thì nước cũng rút rất nhanh, không ảnh hưởng đến cây trồng. Thế nhưng, 3 mùa vụ trở lại đây, cứ đến mùa mưa là vườn lại bị ngập. “Trước đây, phía đơn vị thi công Thủy điện Đại Bình đã từng đền bù cho gia đình tôi vì đã gây ngập úng, chết cà phê. Nhưng mấy năm nay dù phản ánh nhiều lần nhưng diện tích bị ngập mới của gia đình vẫn chưa được đền bù. Gia đình tôi chỉ mong muốn trả lại hiện trạng ban đầu cho dòng sông Đại Bình để người dân sống dọc bên sông yên tâm canh tác” – chị Phương cho biết.
Sát nhà chị Phương, gia đình ông K’Brêu cũng bị thiệt hại nặng trong đợt ngập nước liên tiếp 3 tháng vừa qua. Hơn 5 sào chè cành và cà phê ghép nằm ngay bên lòng sông Đại Bình cũng đã chết dần, chết mòn vì cây bị ngập nước không thể chăm sóc, bón phân. Vì vậy, nguồn thu nhập chính của gia đình ông cũng mất. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 30 hộ dân sống dọc sông Đại Bình bị ảnh hưởng do ngập nước. Không những vậy, con đường độc đạo dài hơn 2 km đi vào khu sản xuất của người dân bị ngập sâu trong nước, có đoạn sâu gần 1,5 m. Hai bên bờ sông có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào đất sản xuất, khiến cho việc vận chuyển phân bón, nông sản của người dân hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Khanh, người dân có đất sản xuất tại khu vực này phản ánh: “Đường sá ngập nước khiến việc đi lại, vận chuyển phân bón của người dân rất khó khăn. Nghiêm trọng hơn, sầu riêng, cà phê sau khi thu hoạch vận chuyển ngược trở ra là một cực hình. Chính vì vậy, chi phí vận chuyển cũng tăng lên gấp bội”.
Nguyên nhân gây ngập úng theo phản ánh của người dân là khi thi công thủy điện Đại Bình, đơn vị thi công đã cho đắp bờ đê ngăn sông, làm thu hẹp dòng chảy chỉ còn vài mét. Khi mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ dồn về gây ngập úng nghiêm trọng cho khoảng 2.000 m2 đất sản xuất của người dân.
Dự án Thủy điện Đại Bình được khởi công xây dựng từ tháng 12 năm 2005 với công suất thiết kế 15MW. Tổng diện tích phê duyệt là 56 ha. Tuy nhiên, hiện nay, đơn vị chủ đầu tư chỉ đền bù được 16 ha thuộc cụm công trình đầu mối, còn lại 40 ha đất sản xuất của gần 100 hộ dân của 3 xã, gồm: Tân Lạc, Lộc Thành (huyện Bảo Lâm) và xã Lộc Nga (TP Bảo Lộc) vẫn chưa được đền bù, giải tỏa. Dù bị đình chỉ và yêu cầu phải khắc phục những hạn chế và đền bù thiệt hại cho người dân, thế nhưng đã 2 năm trôi qua, Công ty Cổ phần Điện Bình Thủy Lâm Đồng vẫn chưa có bất cứ động thái nào để khắc phục. Ông Nguyễn Thế Đức, Giám đốc Công ty Cổ phần Điện Bình Thủy cho biết: “Sở Công thương Lâm Đồng đình chỉ thi công đối với Dự án Thủy điện Đại Bình có nhiều lý do. Trong đó, lý do quan trọng nhất chính là phải điều chỉnh thiết kế do tranh chấp mực nước giữa thủy điện bên trên là Thủy điện Đại Nga. Việc điều chỉnh thiết kế này sẽ có tác động đến việc điều chỉnh diện tích cần phải thu hồi. Chính vì việc điều chỉnh thiết kế cần phải được Bộ Công thương phê duyệt nên công tác đền bù phải dừng lại. Đến hiện tại, mọi thủ tục đã được hoàn thiện và chúng tôi đang trình Sở Công thương, UBND tỉnh Lâm Đồng xin cho phép thi công trở lại. Chúng tôi khẳng định vấn đề tài chính không phải là trở ngại, mà việc đền bù muốn thực hiện được thì phải chờ quyết định của Sở Công thương cho thi công trở lại. Việc đền bù đối với khu vực lòng hồ sẽ được tiến hành theo tiến độ thi công. Dự kiến, đến giữa năm 2019, trước thời điểm tích nước lòng hồ nửa năm, chúng tôi sẽ thực hiện xong việc chi trả đền bù. Về tuyến đường mà người dân phản ánh, thực tế đó là đường đê quai của công trình, người dân chỉ đi lại tạm. Trong thời gian mưa bão, con đường này bị sạt lở và chúng tôi sẽ khắc phục khi điều kiện thời tiết cho phép”.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 12/9/2018)