Dù dịch tả heo chỉ xảy ra ở 21 tỉnh, thành phố phía Bắc nhưng nhiều doanh nghiệp, trường học và người tiêu dùng phía Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng cũng tạm ngừng hoặc giảm sử dụng khiến giá thịt heo và sức tiêu thụ heo giảm mạnh, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, việc kiểm soát và ngăn chặn dịch tả heo châu Phi có nguy cơ lây lan trên địa bàn tỉnh đang được tăng cường tối đa, heo xuất bán ra hoặc vào tỉnh đã được kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tâm lý e dè, cộng với một bộ phận người dân chưa nắm rõ thông tin về dịch bệnh ở heo và cách phòng chống nên sức tiêu thụ thịt heo theo nhận định từ cơ quan chức năng đã giảm khoảng 50% so với ngày thường.
Giá giảm, sức mua kém
Trong vòng hơn hai tuần trở lại đây, lượng heo từ các huyện lân cận về các chợ tại Đà Lạt theo ghi nhận giảm mạnh so với trước. Lượng thịt bán ra của các thương lái ở đây nhìn chung vẫn èo uột.
Bà Nguyễn Thị Hằng, thương lái heo tại huyện Đức Trọng chuyên chở heo lên Đà Lạt tiêu thụ, cho hay do các chợ nhỏ tại Đức Trọng và Đà Lạt tiêu thụ chậm nên bà chỉ nhập heo khoảng 20 con/ngày, chỉ bằng 1/3 so với ngày bình thường nhưng nhiều lúc vẫn thua lỗ vì giá heo tại các chợ đều giảm.
Theo bà Hằng, thời điểm từ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi tới cuối tháng 2/2019, giá thịt heo hơi tại Lâm Đồng mua bình quân 52.000 đồng/kg. Tới thời điểm từ đầu tháng 3 người dân giảm sức mua do lo ngại dịch tả heo châu Phi thì giá bình quân chỉ còn khoảng 42.000 đồng/kg khiến cả thương lái và người dân đều gặp khó khăn.
Ông Hồ Thắng, Trưởng Bộ phận quản lý lò giết mổ heo tập trung tại TP Đà Lạt cho biết, trước thời điểm dịch tả heo châu Phi lan ra các tỉnh, thành thì mỗi ngày lò giết mổ khoảng 300-350 con heo/ngày. Tuy nhiên, hiện nay mỗi ngày lò chỉ giết mổ khoảng 120-150 con/ngày (tương đương 9-12 tấn thịt) giảm hơn một nửa so với ngày thường. “Các thương lái đưa heo tới lò mổ đều đảm bảo các quy định nghiêm ngặt về tiêm phòng, có nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm… nhưng vì tâm lý dè chừng của người dân nên sức tiêu thụ vẫn giảm mạnh” – ông Thắng nhận xét.
Ghi nhận tại khu Chợ mới Đà Lạt (Phường 1), nơi tiêu thụ lượng thịt heo bán lẻ lớn nhất thành phố, sáng 27/3, lượng heo chợ về giảm nhưng giá bán cũng không khởi sắc. Giá thịt cốt lết loại ngon giao động ở mức là 70.000-75.000 đồng/kg, nạc đùi, thịt vai, ba rọi khoảng 75.000 – 80.000 đồng/kg, sườn non 95.000 đồng/kg… giảm khoảng 5.000 – 7.000 đồng/kg so với hơn một tuần trước đó và giảm 15.000-20.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất của thời điểm sau tết.
Còn tại chợ Phan Chu Trinh (Phường 9), tình hình mua bán thịt heo cũng trong cảnh ảm đạm. Các chủ sạp bán thịt heo cho biết nếu ngày thường mỗi sạp tiêu thụ trung bình được 2 con heo thì giờ chỉ dám nhập về 1, thậm chí nửa con heo nhưng cuối ngày vẫn còn sạp thịt chưa tiêu thụ hết. Tương tự, lượng heo về chợ Đức Trọng những ngày qua cũng giảm khoảng 50% so với bình thường. Giá heo mảnh bán ra tại chợ này cũng chỉ ở mức 70.000-75.000 đồng/kg loại 1 và 50.000-60.000 đồng/kg loại 2, giảm 5.000-7.000 đồng/kg so với tuần trước đó.
Đại diện chợ Đức Trọng cho rằng, nhu cầu thấp nên giá heo có xu hướng giảm liên tục trong nhiều tuần qua. Lượng heo về chợ giảm cũng đồng nghĩa với heo tại các trang trại chăn nuôi bán ra giảm.
Ông Trần Văn Quyền, một người chăn nuôi nhỏ lẻ khoảng 140 con heo thịt tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, than thở chỉ hơn một tháng mà giá heo hơi đã giảm gần 12.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. “Tuần vừa rồi, tôi nghe giá heo hơi bình quân tại các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận nhỉnh hơn ở mức 46.000 đồng/kg nhưng chào bán nhiều lần thương lái dưới đó mới đồng ý mua 50 con với giá 45.000 đồng/kg” – ông Quyền thông tin.
Vận động người dân không “quay lưng” với thịt heo
Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, dịch tả heo châu Phi đang lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã gây nên tâm lý hoang mang nhất định cho người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến hoạt động mua bán các sản phẩm từ thịt heo.
Trước tâm lý lo ngại của người tiêu dùng, ngành chức năng các địa phương khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, không nên “quay lưng” với thịt heo và các sản phẩm từ heo.
Trao đổi với chúng tôi sáng 27/3, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lâm Đồng nhận định, dịch tả heo châu Phi truyền nhiễm do virus gây ra và tốc độ lây lan nhanh, chưa có thuốc đặc trị, tỉ lệ heo mắc bệnh chết 100% nhưng đặc biệt không có khả năng lây sang người.
“Hiện tại Lâm Đồng chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi nên người dân có thể yên tâm phần nào. Đồng thời, người dân không nên quá lo ngại bởi nếu có xuất hiện thì chỉ ảnh hưởng đến đàn heo chứ không lây nhiễm và gây nguy hiểm cho người. Chúng ta chỉ cần đảm bảo các quy tắc ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn thịt heo tái, tiết canh, nem… thì có thể yên tâm” – ông Long nói và cho biết thêm trong những ngày tới các ngành chức năng sẽ cùng với các địa phương trên địa bàn tổ chức các buổi tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về dịch tả heo châu Phi, đồng thời nhằm hạn chế tình trạng người dân “quay lưng” với thịt heo sạch.
Riêng về dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn heo, Sở NN&PTNT Lâm Đồng thông tin, tính tới ngày 25/3, bệnh xảy ra tại 23 xã thuộc 9 huyện: Đạ Tẻh, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Lâm Hà, Đơn Dương, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc làm 2.619 con heo và 32 con trâu mắc bệnh. Trong đó số heo mắc bệnh số lượng khoảng 600 tới gần 800 con chủ yếu là các huyện Đạ Tẻh, Lâm Hà và Đức Trọng.
Cơ quan chức năng đã tiêu hủy 1.489 con và hiện cơ bản đang kiểm soát, khống chế dịch bệnh lở mồm long móng và các địa phương hầu hết chưa phát hiện thêm heo mắc bệnh. Tính tới tháng 2/2019, tổng đàn heo của tỉnh là 460.000 con. Trong năm 2018, riêng đàn heo xuất khỏi địa bàn tỉnh là 572.598 con và nhập tỉnh 16.173 con. Trong năm đơn vị đã tiến hành tiêm trùng khử độc, phân bổ 29.661 lít hóa chất cho các địa phương. Riêng vắc xin phân bổ tiêm phòng cho heo là 325.709 liều đảm bảo đúng kế hoạch phân bổ đề ra. Hiện Sở NN&PTNT đang đề xuất kính phí bổ sung mua vắc xin lở mồm long móng để tiếp tục công tác phòng chống dịch tại địa phương.
C. Thành (Báo Lâm Đồng, 27/03/2019)