Ngày 29-5, tin từ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng (PC01) cho biết, đơn vị đang thụ lý vụ án ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, do Hoàng Thị Điệp (SN 1977, trú xã Liên Hà, huyện Lâm Hà – Lâm Đồng) cầm đầu cùng 11 đồng phạm, có hành vi dùng giấy tờ, hồ sơ giả, lừa ngân hàng L.V. số tiền 22 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can và đang khẩn trương tiến hành điều tra làm rõ vụ án.
Trước đó, ngày 26-8-2018, Phòng PC01 Công an Lâm Đồng tiếp nhận tin báo tội phạm của UBND huyện Lâm Hà, do Công an huyện Lâm Hà chuyển giải quyết theo thẩm quyền. Tin báo phản ánh nội dung một số đối tượng có hành vi dùng giấy tờ có dấu hiệu giả mạo thế chấp vay vốn tại ngân hàng L.V., với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng.
Nhận thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, đồng thời phải khẩn trương, nhanh chóng có các biện pháp ngăn chặn việc các đối tượng liên quan có dấu hiệu lừa đảo bỏ trốn, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, Đại tá Vũ Nhân Khánh – Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Cơ quan CSĐT khẩn trương vào cuộc điều tra, làm rõ. Thượng tá Phạm Xuân Thủy – Trưởng phòng PC01, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Công an Lâm Đồng đã chỉ đạo điều tra viên tiến hành các hoạt động điều tra, truy xét.
Khẩn trương xác minh vụ án, cơ quan điều tra xác định, 11 đối tượng, trong đó có 5 cặp vợ chồng trú xã Liên Hà và TT.Đinh Văn, huyện Lâm Hà đứng tên trong các hồ sơ làm thủ tục vay vốn của ngân hàng L.V. và đã được giải ngân. Tuy nhiên, cả 10 bộ hồ sơ thế chấp giấy CNQSSĐ đất vay tiền đều là giả, tài sản không có thực.
Mất nhiều thời gian, kỳ công tìm gọi hỏi và triệu tập 11 đối tượng trên để làm việc, đấu tranh, làm rõ vai trò của các đối tượng, xác định các nghi can này có hành vi ‘Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức’, ngày 24-1-2019, Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can (5 cặp vợ chồng) về tội danh nêu trên, gồm: Hoàng Thị Sợi (SN 1982), Hoàng Thị Mỹ Dung (SN 1988), Hoàng Thị Kim Phúc (SN 1994), Cao Văn Mẫn (SN 1983), Nguyễn Tiến Đạt (SN 1983), Nguyễn Văn Dực (SN 1970), Nguyễn Đức Chinh (SN 1959), Nguyễn Văn Vệ (SN 1966), Trần Xuân Mai (SN 1981), Hoàng Thị Mỹ Hạnh (SN 1990) – trong đó bắt tạm giam 5 bị can để phục vụ công tác đấu tranh.
Quá trình hỏi cung, lấy lời khai, các bị can mới khai ra đối tượng chủ mưu cầm đầu là Hoàng Thị Điệp. Ngày 18-2-2019, Hoàng Thị Điệp đã đến cơ quan điều tra Công an Lâm Đồng đầu thú, khai nhận hành vi.
Điệp thừa nhận đã sử dụng 10 giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) giả, sau đó nhờ người đứng tên để thế chấp, lừa vay tiền, chiếm đoạt tài sản của ngân hàng L.V. Cùng ngày, Nguyễn Thành Long (SN 1975, trú xã Liên Hà), đối tượng đứng tên 1 hồ sơ giấy CNQSDĐ giả giúp cho Điệp lừa vay tiền ngân hàng L.V. 2 tỷ đồng cũng ra đầu thú.
Quá trình điều tra vụ án, đến nay, Công an xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 4-2017 đến tháng 4-2018, Hoàng Thị Điệp đã có hành vi sử dụng 10 giấy CNQSDĐ giả lừa đảo ngân hàng L.V. chiếm đoạt tổng số tiền trên 22 tỷ đồng.
Cụ thể, 1 giấy CNQSDĐ giả đứng tên Nguyễn Thành Long và 9 giấy CNQSDĐ giả khác giao 10 bị can nêu trên (5 cặp vợ chồng). 11 bị can này đứng ra hoàn tất các thủ tục vay vốn để đánh lừa ngân hàng và cơ quan chức năng.
Hợp đồng thế chấp vay tiền, các đối tượng thực hiện tại 2 văn phòng công chứng Tr.A và M.A, đăng ký thế chấp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lâm Hà. Các đối tượng còn nhiều lần sử dụng những ‘sổ đỏ’ giả này thế chấp vay tiền của vợ chồng ông Nguyễn Văn Đạt – bà Đoàn Thị Quyên (xã Liên Hà) và bà Nguyễn Thị Nguyệt (trú huyện Đức Trọng).
Ngày 16-4-2019, Cơ quan CSĐT đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Hoàng Thị Điệp cùng đồng phạm Nguyễn Thành Long về hai tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, ‘Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức’. Trong số 10 bộ hồ sơ, có nợ gốc thấp nhất trên 1,3 tỷ đồng, cao nhất 2 tỷ đồng. Điệp và Long khai do cần tiền trả nợ, đến nay không có khả năng trả nợ ngân hàng L.V.
Việc cán bộ ngân hàng tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục giải ngân cho vay vốn cả chục bộ hồ sơ với số tiền hàng chục tỷ đồng mà không rõ tài sản thế chấp, rõ ràng có trách nhiệm rất lớn của những người thực hiện.
Cùng đó, các phòng công chứng, Văn phòng đăng ký đất đai ký thế chấp ‘sổ đỏ’ giả cho cả chục đối tượng đi vay tiền cũng là chuyện lạ! Điệp khai mua 10 giấy CNQSDĐ giả. Vậy mua của ai, còn đối tượng nào liên quan đến vụ án?
Thượng tá Phạm Xuân Thủy cho biết: ‘Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan, trong đó bao gồm các hoạt động ký thế chấp, công chứng giấy tờ giả, nhận, duyệt hồ sơ cho vay tiền có đảm bảo các quy định về trình tự, thủ tục pháp lý hay không. Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng nhằm làm rõ những vấn đề này’.
Ngân hàng L.V. – Chi nhánh Lâm Đồng đã có đơn tố cáo và đề nghị xử lý hành vi của Hoàng Thị Điệp và 11 bị can đồng phạm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật và thông tin đến bạn đọc.Cơ quan CSĐT Công Lâm Đồng thông báo, công dân nào là bị hại trong vụ án trên, yêu cầu khẩn trương liên hệ với Cơ quan CSĐT (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng theo địa chỉ: số 10 Trần Bình Trọng, phường 5, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, điện thoại số: 02633.822097 để kịp thời được xem xét, giải quyết.
Ngọc Hà (Báo Công An, 30/05/2019)