Những vườn cải bắp, rau thơm, cà chua… chuẩn bị vào mùa thu hoạch đã bị nước lũ nhấn chìm, bầm dập, nằm quặt quẹo; những dải nhà kính, nhà lưới tả tơi; cây cầu bắc qua dòng Đa Nhim, những cung đường bê-tông liên xã đã trôi theo dòng nước lũ. Vùng rau nổi tiếng cả nước Đơn Dương (Lâm Đồng) đã tan hoang sau trận lũ kéo dài ba ngày…
Ngày 7-11, trở lại Đơn Dương sau cơn lũ vừa đi qua. Nắng vàng trải nhẹ trên những cánh đồng rau nhem nhuốc vừa nhú lên sau lũ. Ánh nắng không thể làm tươi mới vùng rau xanh non, tít tắp ngày thường.
Theo những hộ dân sống dọc bờ sông Đa Nhim, đoạn qua huyện Đơn Dương, cùng với những trận mưa kéo dài liên tục, sau đó thủy điện Đa Nhim xả lũ, nước sông dâng cao từng giờ, khiến hàng trăm ha rau màu, hàng chục ngôi nhà của người dân chìm trong nước. “Dù đã có thông báo xả lũ từ phía thủy điện, địa phương, nhưng nước lên nhanh quá, nên chúng tôi không kịp thu hoạch hoa màu”, bà Bùi Thị Thu Tâm (thôn Tân Lập, xã Lạc Lâm, Đơn Dương), cho biết. Sau trận lũ, bảy sào (7.000 m2) rau thơm của gia đình bà Tâm đang canh tác bên bờ sông Đa Nhim bị hư hại hơn 90%, thiệt hại khoảng 110 triệu đồng. Gia đình bà đang tổ chức phun chất dinh dưỡng, hy vọng sẽ cứu vãn được phần nào hay phần đó.
Theo chính quyền huyện Đơn Dương, những lần xả lũ, thủy điện Đa Nhim đều phối hợp tốt với địa phương, liên tục thông báo trên các phương tiện thông tin, hệ thống loa của xã. Tuy nhiên, trận lũ này kéo dài khá lâu, rau màu bị ngập đến ba ngày, gây ra thiệt hại lớn.
Ghi nhận tại các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Ka Đô (huyện Đơn Dương), nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do trận lũ vừa qua, người dân bắt đầu tổ chức thu dọn hiện trường, thu hoạch “mót” những gì còn sót lại trên đồng ruộng. Nằm cạnh khu vườn gia đình bà Tâm, toàn bộ sáu sào cải bắp chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình ông Việt, cùng chung số phận, thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm Trương Quang Kiên cho biết: “Trận lũ vừa qua khiến hơn 100 ha rau màu; 1,2 ha nhà lưới, nhà kính của người dân Lạc Lâm bị hư hại; một cây cầu dân sinh bị lũ cuốn, gần 1 km đường giao thông bị sạt lở, thiệt hại khoảng tám tỷ đồng. Chính quyền địa phương đang tổ chức kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại để có phương án đề xuất hỗ trợ”.
Đi qua cầu Ka Đô, nối đôi bờ sông Đa Nhim, vườn rau trồng trong nhà kính của gia đình ông Trần Đình Quân (thôn Nam Hiệp, xã Ka Đô), cũng bị lũ nhấn chìm, không thể hồi phục: “Nước dâng cao hơn 2m, ngâm ba ngày, toàn bộ năm sào cải bắp của gia đình coi như mất trắng, ước thiệt hại khoảng 150 triệu đồng” – ông Quân buồn rầu nói. Cơn lũ đi qua cũng cuốn theo 2 ha cải bắp, ớt tây, cà chua của gia đình ông Nguyễn Ngọc Quyền, xã Ka Đô.
Trưa đứng bóng. Đang thu gom tàn dư rau màu sau trận lũ và nhặt nhạnh những quả cà chua, đậu còn có thể sử dụng được, lão nông Drong Back (thôn La Bui A, xã Lạc Xuân) trầm buồn: “Vườn mình gần bờ sông, nước lên nhanh đã cuốn trôi gần như toàn bộ năm sào cà chua, đậu của gia đình, vụ này thế là xong rồi”. Lũ về nhanh cũng khiến những công nhân đang thi công cầu Ka Đô không kịp trở tay. “Bảy tấn xi-măng, 10 phi dầu, 300 khối cát phục vụ thi công cầu đã bị lũ cuốn. Nhưng so với thiệt hại của nông dân vẫn chưa thấm tháp gì”, ông Khuất Đình Kẻ, chỉ huy công trình thi công cầu Ka Đô, bộc bạch.
Nặng nhất là xã Lạc Xuân, hơn 260 ha hoa màu bị mất trắng; hư hại hàng loạt hệ thống tưới, máy bơm; cùng cây cầu bắc qua sông Đa Nhim, dài 28 m, phục vụ vận chuyển nông sản, bị cuốn trôi hoàn toàn… Ước tổng thiệt hại hơn 13 tỷ đồng.
Theo thống kê của UBND huyện Đơn Dương, vụ mùa này, diện tích gieo trồng tại địa phương khoảng 24 nghìn ha, trong đó gần chín nghìn ha rau màu. Trận lũ vừa qua khiến hơn 2.000 ha rau màu tại địa phương bị ngập, trong đó hư hại hoàn toàn 739 ha, ước thiệt hại hơn 36 tỷ đồng. Cùng với thiệt hại rau màu, mưa lũ cũng làm hư hại hai đập, một kênh thủy lợi; 8 km đường giao thông; hơn 20 căn nhà bị ngập, hư hỏng; gần 4 ha nhà lưới, nhà kính…
Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng cho biết: “Qua đợt xả lũ vừa qua, dù đã phối hợp chặt chẽ, thủy điện xả lũ đúng quy trình, tuy nhiên, do lượng xả khá lớn, nên gây thiệt hại khá nặng. Hiện chúng tôi đang tổ chức công tác kiểm đếm để đánh giá mức độ thiệt hại của nhân dân. Qua đó, đề xuất cơ chế chính sách để hỗ trợ một phần khó khăn cho người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tập trung chỉ đạo bảo đảm kế hoạch sản xuất trong năm, kiểm tra các công trình công cộng bị hư hại để có phương án xử lý trước mắt và căn cơ”.
Cùng ngày, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trong trận lũ vừa qua, toàn tỉnh có một người bị lũ cuốn mất tích. Tại huyện Lạc Dương hơn 132,5 ha bị ngập, bốn cây cầu bị hư hỏng không thể lưu thông; huyện Đức Trọng thiệt hại khoảng 50 ha rau màu, hồ tiêu, cà-phê, năm căn nhà bị ngập; huyện Đam Rông bị nước lũ ngập gây hư hại hơn 84 ha ngô, cà-phê, lúa chuẩn bị cho thu hoạch, thiệt hại hơn ba tỷ đồng…
Hiện công tác khắc phục hậu quả đang được các địa phương triển khai tích cực. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, thống kê thiệt hại để có phương án xử lý, hỗ trợ phù hợp.
MAI VĂN BẢO (Báo Nhân Dân, 07/11/2016)