Một ngôi trường khang trang ở tỉnh Lâm Đồng đã được xây dựng trên phần đất khoảng 3.200m2, do cô Rơ Ông K’Thủy – giáo viên của trường này – hiến tặng.

Cô giáo Rơ Ông K'Thủy cùng các em học sinh của mình - Ảnh: HÀ BÌNH
Cô giáo Rơ Ông K’Thủy cùng các em học sinh của mình – Ảnh: HÀ BÌNH

Từ TP Đà Lạt đi khoảng 20km theo hướng khu du lịch Suối Vàng sẽ đến Trường tiểu học Păng Tiêng ở xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.

Ngôi trường cạnh tỉnh lộ được xây dựng tươm tất với một dãy phòng học hai lầu, một dãy một lầu, cùng phòng chức năng nhạc, họa và nhà vệ sinh sạch sẽ.

Sáng 9-11, khi chúng tôi đến trường, cô K’Thủy đang dạy môn tiếng Việt cho lớp 1A cô chủ nhiệm. Cô giáo 43 tuổi đi đi lại lại, ân cần hướng dẫn từng em học sinh lớp 1 viết những chữ đầu tiên trong đời.

“Tiến, ngồi thẳng lưng lên. Con viết thành từng dòng, chứ mỗi dòng chỉ có một chữ là sao con?”; “Ngồi thẳng lưng lên con, đầu hơi cúi một chút, cầm bút bằng ba ngón tay. Sao cô bày riết mà các con không nhớ là sao? Hân, nhắc lại cho cô xem tư thế ngồi viết như thế nào…” – cô K’Thủy hăng say với công việc của mình…

Tranh thủ giờ ra chơi, cô K’Thủy đã dành cho phóng viên Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện:

Tôi không tiếc gì cả!

* Thưa, cô dạy ở trường này lâu chưa, và cô đến với nghề giáo như thế nào?

– Tôi dạy ở trường từ năm 1993 đến nay, sau khi tốt nghiệp sư phạm. Thời ấy, trong làng tôi ở đây chẳng ai đi học xa đâu. Thầy cô ở thị trấn Lạc Dương cách mấy chục kilômet về đây dạy học.

Năm lên lớp 6 tôi phải nghỉ học vì không có thầy cô dạy. Một hôm, thầy giáo tiểu học đến nhà nói với cha mẹ tôi: “Con bé này học được lắm, cố gắng cho nó đi học”. Sau đó tôi ra huyện học.

Hết lớp 9 tôi đi học sư phạm với mong muốn về dạy lại cho học sinh ở buôn làng mình. Học hết hệ sư phạm 9+1, sau đó bổ túc lên 9+3 xong, tôi về đây dạy đến nay. Khi mới về tôi dạy lớp 5 và làm công tác Đội.

* Gia đình cô đã hiến 3.200m2 đất để xây trường. Việc đó như thế nào, thưa cô?

– Khi tôi về trường, các lớp học ở trên nóc lợp bằng tranh, phía dưới chắn bằng nứa. Nhà tập thể của giáo viên cũng bằng tre nứa. Người dân nghèo khổ cũng chỉ biết góp tre nứa làm trường lớp, làm nhà cho giáo viên.

Tôi thấy cơ sở vật chất cho các em học như thế không đảm bảo chất lượng. Khoảng 10 năm trước, khi tôi đi làm rẫy về, người em nói huyện xuống khảo sát và chọn địa điểm đất của tôi để làm trường.

Nghe thế, tôi đến nhà trưởng thôn để hỏi. Nghe trưởng thôn nói qua tình hình, lúc đầu tôi hơi tiếc một chút nhưng sau đó hết tiếc ngay. Tôi nghĩ lại, đất xây trường thì cũng vì tương lai con em mình cả nên không tiếc làm gì.

* Xin được hỏi thật rằng, hiện đất tăng giá so với trước đây, cô có tiếc không?

– Không, tiếc làm gì. Nếu như lấy đất đó làm gì cho tư nhân thì tôi rất tiếc, còn lấy đất xây trường thì tôi không tiếc. Tôi có một thời gian dài công tác trong ngành giáo dục.

Tôi thấy người không có giáo dục thường ăn nói thô lỗ, không biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong công việc. Nhiều em học sinh vùng sâu, vùng xa vì điều kiện khó khăn không biết đọc, biết viết rất thiệt thòi trong cuộc sống.

Giúp buôn làng văn minh, hiểu biết hơn

* Mong ước lớn nhất của cô trong nghề giáo là gì?

– Ngay từ khi ngồi trên ghế trường sư phạm, tôi đã có một suy nghĩ: ước gì sau này về giúp ích một cái gì đó, làm cho buôn làng mình văn minh hơn, hiểu biết hơn.

* Sau 23 năm công tác, cô thấy mong ước của mình đã thực hiện được đến đâu?

– Nói chung, phần nào ước mơ đã thực hiện được rồi. Nhưng cũng có những cái cảm thấy một chút không hài lòng, làm tôi chạnh lòng.

Đó là trong công tác chủ nhiệm lớp, một số em đi học chưa ngoan. Rồi phụ huynh không chịu khó làm ăn, cuộc sống khó khăn… dẫn đến không cho con đi học, không quan tâm đến con em…

* Những lúc ấy cô làm gì?

– Tôi tìm mọi cách để khắc phục những việc đó. Phụ huynh ở đây hay say rượu. Lúc họ tỉnh táo tôi đến động viên, giải thích cho họ hiểu ý nghĩa của việc học tập. Tôi nói cứ để cháu đi học.

Nếu nhà cần người lao động thì thứ bảy hay chủ nhật cho các cháu đi làm nương rẫy cũng được. Rồi thường xuyên thăm hỏi học sinh. Em nào không có sách vở, bút viết thì mình mua để khuyến khích học sinh học tập.

Hoặc có em mặc đồng phục không đúng thì tôi cũng không la mắng các em. Đó là do nhiều phụ huynh bận nương rẫy mà không quan tâm đến việc học của con là như vậy…

* Lương giáo viên vùng sâu vùng xa đã khó khăn, cô còn xuất tiền mua dụng cụ học tập cho học sinh?

– Tính toán làm gì mấy vấn đề đó. Không chỉ riêng tôi mà những thầy cô giáo khác ở trường cũng vậy. Thấy học trò mình nghèo khó thì mua cho các em cây bút, cuốn vở là chuyện bình thường. Nhiều thì không có, nhưng cây bút thì mua được.

* Cô có phải làm thêm gì ngoài việc giảng dạy để lo cho cuộc sống hay không?

– Vợ chồng tôi có rẫy cà phê. Khi không ở trường tôi thường lên rẫy. Nhưng lúc này cà phê thất thu, giá cả thị trường lại bấp bênh nữa. Khi đến lớp giảng dạy tôi thấy niềm vui nơi công việc, thấy học sinh thật dễ thương.

Dù cuộc sống có thể khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định thôi giảng dạy. Trừ trường hợp trường nói tôi không đảm nhận được công việc nữa, cho tôi nghỉ thì tôi nghỉ, vậy thôi (cười).

* Ngày 20-11 hằng năm của cô diễn ra như thế nào?

– Tôi là chủ tịch công đoàn trường nên hằng năm cứ dịp này là đứng ra tổ chức các hoạt động phong trào, giao lưu văn nghệ, thi bóng chuyền cho giáo viên. Đây cũng là dịp để thầy cô thi đua dạy tốt, học tốt với phong trào của trường, của ngành.

Món quà 20-11 ý nghĩa nhất của tôi là các em học sinh chuyên cần, chịu khó học tốt. Ở đây phụ huynh nghèo lắm. Lớp tôi có 16 học sinh thì 7 em thuộc diện đói nghèo. Tôi chỉ mong các em học tốt, đi học chuyên cần là được.

Do nhà quá khó khăn, nếu cha mẹ và các em có tặng quà gì mình cũng thấy áy náy và tội các em. Nhưng cũng có năm các em làm tôi rớt nước mắt khi đi hái hoa rừng về tặng tôi.

Tôi vui lắm, vì khi các em biết được ý nghĩa của ngày nhà giáo thì việc giáo dục của nhà trường cũng đã bắt đầu có ý nghĩa với các em.

“Nếu như lấy đất đó làm gì cho tư nhân thì tôi rất tiếc, còn lấy đất xây trường thì tôi không tiếc. Đất xây trường cũng vì tương lai con em mình cả, nên không tiếc làm gì” – Cô RƠ ÔNG K’THỦY

Hà Bình (Báo Tuổi Trẻ, 19/11/2016)