Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, một số người dân lo lắng đổ xô đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… để mua sắm, tích trữ hàng hóa trong những ngày qua. Các ngành chức năng cũng như những nhà cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cam kết bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng hóa, phục vụ cho nhu cầu thị trường. 

Các mặt hàng “hot” như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay tại các siêu thị rất dồi dào, được nhân viên châm hàng liên tục

Sức mua tăng do tâm lý tích trữ

Nhiều đơn vị cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm lớn trong tỉnh Lâm Đồng như: Big C, Coop Mart, Công ty cổ phần Thương mại Lâm Đồng, VinMart cho biết, đã chuẩn bị nguồn hàng hóa rất dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.

Theo ghi nhận, trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật vừa qua, một số người dân đã đổ xô đến các trung tâm thương mại mua sắm, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn, tăng gấp 3-4 lần so với nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, sức mua đã tăng 30-40%.

Những mặt hàng được tiêu thụ mạnh gồm mì tôm, gạo, nước mắm, gia vị các loại, đồ đóng hộp, củ quả, trái cây…

Tại siêu thị Big C, sức mua trong hai ngày qua tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm sau tết Nguyên đán với hàng ngàn thùng mì tôm đã được bán ra. Trong ngày 9-3, dù là thứ Hai đầu tuần những vẫn tiếp tục có nhiều người dân đến để hỏi mì tôm các loại.

Chị Nguyễn Thị Xuân (phường 11, TP Đà Lạt) cho biết: Hôm nay là lần thứ 2 chị quay lại siêu thị Big C để mua thêm các nhu yếu phẩm. Thấy hàng xóm rục rịch đi siêu thị mua thực phẩm tích trữ thì gia đình tôi cũng đi. Nhưng thứ Bảy vừa rồi đông quá, tôi mua chỉ được 3 thùng mì tôm. Sáng nay quay lại siêu thị thì tất cả các kệ từ mì tôm, rau, củ, quả đến thịt các loại đã đầy ắp trở lại. Hôm nay, tôi dự tính mua thêm 3 thùng mì tôm và một ít đồ khô nữa”.

Anh Nhật, nhân viên tiếp thị mì tôm Acecook cho biết, do tâm lý lo sợ trước dịch bệnh nên sức mua các ngày qua tăng đột biến. Một số người dân lo lắng đã tích trữ quá nhiều các loại nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo… Để đảm bảo lượng hàng hóa đến với đông đảo người tiêu dùng, Ban quản lý siêu thị Big C đã phải thông báo giới hạn mỗi người chỉ được mua 2 thùng mì tôm/khách hàng.

Theo anh Nhật, nguồn cung mì tôm hiện rất dồi dào, không bao giờ lo chuyện hết hàng được. Đơn cử như trong hai ngày 7 – 8/3, lượng mì tôm tiêu thụ đột biến khiến một số nhãn hiệu tạm hết hàng, thì ngay hôm sau siêu thị đã điều hàng chục xe tải nhập về rất nhiều các loại mì tôm với số lượng ước tính lên đến cả chục tấn nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh.

Nguồn thịt heo trong tỉnh cũng rất dồi dào, tuy nhiên tại các điểm bán lẻ, chợ truyền thống đang có xu hướng tăng

Nguồn cung rất dồi dào

Trước sức tiêu thụ tăng mạnh đột biến như vậy, các đơn vị, nhà cung ứng hàng hóa lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ… đã nhanh chóng vào cuộc triển khai kế hoạch dự trữ nguồn hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vài ngày tới.

Ông Bùi Văn Quân – Giám đốc Siêu thị Big C Đà Lạt cho biết: Những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua đã gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người tiêu dùng. Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy lượng tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như: Mì gói, gạo, dầu ăn, nước mắm, đồ hộp… khoảng 2 tháng qua tăng khá mạnh.

Nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của khách hàng, Siêu thị Big C Đà Lạt đã đặt hàng tối đa với tất cả các nhà cung cấp để có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm, cụ thể: Mặt hàng rau, củ, quả tươi sống dự phòng gấp 5 lần ngày thường; thực phẩm thiết yếu như gạo, mì gói, đồ hộp,… lượng hàng dự phòng đủ trong 1 tháng rưỡi (tính từ đầu tháng 3/2020) để cung cấp cho khách hàng.

“Bên cạnh đó, chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp tăng cường tần suất giao hàng, huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa. Đồng thời, cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa. Như vậy, những ngày tới, người dân có thể yên tâm mua sắm tại Big C” – ông Quân khẳng định.

Tương tự, ông Bùi Văn Minh – Phụ trách bộ phận cửa hàng Công ty Cổ phần Thương mại Lâm Đồng cho biết: Hiện, Công ty đã tăng cường lượng hàng hóa từ 30 – 50% so với ngày thường. Các mặt hàng chủ lực của công ty như: Thịt đông lạnh, đồ hộp, sữa… đang rất dồi dào với giá cả không thay đổi.

Giám đốc Siêu thị Coop Mart TP Bảo Lộc Nguyễn Ngọc Thúy cũng cho hay: Riêng tại TP Bảo Lộc, sức mua trong 2 ngày cuối tuần qua đã tăng lên gấp 3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, nhờ có sự chuẩn bị nguồn hàng tốt nên các điểm bán đã không xảy ra tình trạng bị động, thiếu hàng mà đáp ứng rất tốt nhu cầu của người dân. Các mặt hàng “hot” như gạo, mì tôm, nước tinh khiết, sữa, nước rửa tay… được nhân viên châm hàng liên tục.

Với lượng hàng hóa dự trữ cho việc chống dịch bệnh như: Gạo, mì tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… tương đương với lượng hàng dự trữ cho dịp tết Nguyên đán vừa qua nên người dân không lo sợ thiếu.

Khẳng định nguồn cung hàng hóa trên địa bàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, ông Võ Ngọc Hiệp – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sở đã làm việc với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Hiện nay, tình hình kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố, lượng hàng hóa trái cây, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm nhập về các chợ dồi dào, giá cả bình ổn.

Riêng trong hai ngày cuối tuần vừa qua, lượng hàng bán ra ở các siêu thị, trung tâm tiện ích tăng khoảng 40 – 50%. Sở đã yêu cầu các đơn vị không được tăng giá, găm hàng; đồng thời, giao quản lý thị trường giám sát kiểm tra.

Theo Sở Công thương, hiện tượng thiếu hàng chỉ là cục bộ. Các mặt hàng thiết yếu sẽ được cung cấp đầy đủ. Người dân bình tĩnh không nên mua sắm quá nhiều. Đồng thời, đề nghị các siêu thị thông tin cho người dân biết việc có đủ hàng hóa cung cấp.

Tại nhiều chợ truyền thống, nhiều tiểu thương hiện đã trữ hàng với lượng tăng gấp đôi ngày thường. Tuy nhiên, hoạt động mua bán bắt đầu hạ nhiệt, các tiểu thương buộc phải hạ giá.Đặc biệt, trong khi giá thịt heo hôm nay tại nhiều điểm bán như ở Vinmart và Big C, Coop Mart đều không xuất hiện sự thay đổi thì tại các chợ truyền thống tiếp đà tăng. Cụ thể, giá thịt heo dao động trong khoảng 160.000 – 180.000 đồng/kg, sườn heo và thịt vai đồng loạt tăng 10.000 đồng/kg, sườn heo chạm ngưỡng 180.000 đồng/kg.

Thanh Sa (Báo Lâm Đồng, 09/03/2020)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202003/nguon-cung-ung-thuc-pham-rat-doi-dao-2992148/