Đến Kon Plông, mọi người đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác. Kon Plông như “nàng công chúa ngủ trong rừng vừa bừng tỉnh dậy”. Nét đẹp thiên nhiên ban tặng từ những hàng thông xanh, những thác trong veo trắng xóa nước… đã khiến Măng Đen, trung tâm Kon Plông thành điểm du lịch khám phá thú vị.
Trước đây, nghe đến Kon Plông là người ta nhớ đến vùng đất có hơn phân nửa dân số sống ở mức đói nghèo, lạc hậu. Kon Plông như vùng đất trắng, hoang sơ, dân cư thưa thớt. Cán bộ muốn đến với dân phải chống gậy, mở đường lội bộ 3-7 ngày rừng.
Cách đây 10 năm, Kon Plông còn là vùng đất hoang sơ, lạc hậu, ít bóng người. Nay Kon Plông đã chuyển mình thành trung tâm nông nghiệp kỹ thuật cao và du lịch của Kon Tum. Vùng đất này đang được phát triển theo con đường của Đà Lạt ở Lâm Đồng với mục tiêu biến thành “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên.
Măng Đen là một thị trấn thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, cách thành phố Kom Tum khoảng 54km theo Quốc lộ 24. Nơi đây được mệnh là Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và khí hậu trong lành mát mẻ.
Cao nguyên Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1.300m so với mặt nước biển trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm từ 18 đến 20ºC. Măng Đen là cách người Kinh gọi chệch từ tên T’mang deeng, tiếng M’Nông bản địa có nghĩa là vùng đất rộng lớn, bằng phẳng.
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi mức nhiệt trung bình khoảng 20 độ C, Măng Đen còn đặc biệt quyến rũ bởi những cánh rừng bạt ngàn với hệ động thực vật phong phú, đa dạng tạo điều kiện cho việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đặc biệt nhất phải kể đến rừng thông đỏ và thông pơ mu có tuổi đời từ 30 – 70 năm được trồng dọc hai bên đường đèo Măng Đen. Sim, mua mọc san sát, phủ tím những con đường mòn dẫn vào các khu rừng nguyên sinh. Vào khoảng tháng 4 hay tháng 5, khi muôn hoa khoe sắc, vẻ đẹp rực rỡ của các loài hoa sim, phong lan ven bờ hồ giữa thảm lá thông dày mượt như nhung càng thêm nổi bật. Bên cạnh đó là các cây cổ thụ, các dược liệu quý trầm dó, quế… cùng nhiều loài động vật hoang dã như như trăn, sơn dương, nhím… Văng vẳng trong không trung là tiếng chim hót líu lo nâng bước người lữ khách.
Nếu mùa hè, Măng Đen mướt một màu xanh thì khoảng tháng 10 đến 12, Măng Đen lại khoác một chiếc áo vàng ươm của màu lúa chín trên ruộng bậc thang dọc theo các sườn núi tựa như đang đi giữa những cánh đồng vùng Tây Bắc vậy.
Người dân nơi đây còn trìu mến gọi Măng Đen là vùng đất “bảy hồ, ba thác” gắn liền với truyền thuyết thần Pling tạo ra nơi đây. Đó là các hồ: Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đak Ke và ba ngọn thác là thác Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne. Giữa màu xanh ngút ngàn của rừng, màu trắng bạc của hồ, thác nước, khe suối róc rách càng khiến khung cảnh Măng Đen thêm lộng lẫy tựa bức tranh thủy mặc.
Đến đây, du khách có thể du thuyền trên hồ ngắm phong cảnh thơ mộng xung quanh, câu cá, tắm thác hay ghé nhà rông bên hồ để hòa mình vào vũ điệu cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số M’Nông, Xơ đăng, Hrê. Măng Đen quyến rũ du khách không chỉ bằng những thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, mà còn bởi các câu chuyện mang đậm tính chất huyền bí, hư ảo của cư dân bản địa với những bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng biệt cùng nhiều lễ hội đặc sắc.
Điều kiện khí hậu ở Măng Đen rất thích hợp để trồng các loại nông sản, vì vậy ở đây có một khu vườn thực nghiệm trồng nhiều loại rau và hoa xứ lạnh. Bên cạnh đó không thể không kể tới các món ẩm thực dân dã của cư dân địa phương như: Cơm lam, Cá Tầm Măng Đen, Gà nướng, cà đắng, măng chua rừng, các loại rau rừng, bắp chuối rừng, thịt trâu nướng, thịt trâu khô…
Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc, người dân thân thiện, Măng Đen có nhiều tiềm năng phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia, điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng hấp dẫn, phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Hiện nay, khu du lịch sinh thái Măng Đen thuộc tuyến du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” đã được kết nối với tuyến du lịch “Con đường Di sản miền Trung” và “Con đường huyền thoại Hồ Chí Minh” để hình thành tuyến du lịch xuyên quốc gia “Con đường di sản Đông Dương”, kết nối các di sản thế giới của Việt Nam với các di sản thế giới của 2 nước Lào và Campuchia.
Hang Dinh (Theo Khoevadep)