Với vị trí thuận lợi và tụ hội nhiều điều kiện, huyện Đức Trọng không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Lâm Đồng, mà còn hướng đến trở thành thị xã. Xu hướng phát triển này cũng đã được nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương, và đang là quyết tâm chính trị của tỉnh, huyện – phù hợp với nguyện vọng người dân.
Ðáp ứng nhiều điều kiện cần và đủ
Tại Thông báo số 455/TB-VPCP, ngày 10/12/2014 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về cho chủ trương điều chỉnh tăng đơn vị hành chính một số địa phương, có nội dung: đồng ý về chủ trương và điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập thị xã Đức Trọng và 4 phường thuộc thị xã Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Thời gian qua, cấp ủy và chính quyền huyện Đức Trọng đã triển khai xúc tiến xây dựng Đề án nâng cấp huyện Đức Trọng lên thành thị xã, tuy nhiên, nay do thay đổi bởi 2 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, ban hành ngày 25/5/2016: Số 1211/2016, về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Số 1210/2016, về phân loại đô thị, nên Đề án cần được điều chỉnh. Vì vậy, đơn vị tư vấn và huyện phải khẩn trương và tích cực xây dựng thì tiến độ mới đẩy nhanh lên được.
Vì khuôn khổ của bài báo, chúng tôi chỉ nêu một số điều kiện thuận lợi để đặt vững niềm tin Đức Trọng nâng cấp lên thị xã. Trước hết, Đức Trọng là địa bàn trung tâm giao lưu kinh tế – xã hội trong tỉnh và của Lâm Đồng với trung tâm các tỉnh, thành phố ngoài tỉnh. Đó là lợi thế quan trọng, cơ hội lớn trong phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt phát triển ba thế mạnh: nông nghiệp, công nghiệp và thương mại – dịch vụ của huyện. Hiện Đức Trọng có 15 đơn vị hành chính cấp xã với 1 thị trấn và 14 xã. Quy mô dân số đứng thứ 2 toàn tỉnh với 178.174 người, chỉ sau thành phố Đà Lạt (3 năm gần đây dân số Đức Trọng tăng bình quân 1.940 người/năm, đạt mức 1,11%/năm). Đặc biệt, dân số đô thị chiếm 45.860 người, đạt 25,74%.
Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện hiện là 90.362,11 ha (đất nông nghiệp 9.569,74 ha, chiếm 88,06%; đất phi nông nghiệp 9.650,28 ha, chiếm 10,68% và đất chưa sử dụng 1.142,09 ha, chiếm 1,26%). Thị trấn Liên Nghĩa được công nhận là đô thị loại IV từ năm 2009, ngày càng phát triển khá đồng bộ về mọi mặt và cũng ngày càng lan tỏa, tác động mạnh đến tính chất đô thị hóa các khu vực lân cận.
Địa bàn Đức Trọng có nhiều tuyến giao thông đường bộ với 2 quốc lộ 20 và 27 nối Tây Nguyên với các tỉnh đồng bằng ven biển và Đông Nam Bộ. Các tuyến tỉnh lộ 724, 725, 729 liên huyện. Đặc biệt có sân bay quốc tế duy nhất của vùng Tây Nguyên và đường cao tốc…
Huyện Đức Trọng đã tự cân đối được thu chi ngân sách, tốc độ phát triển kinh tế luôn cao hơn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%; trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 2,17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng (năm 2015). Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp. Năm 2015, giá trị sản xuất các ngành phi nông nghiệp chiếm 75,05% (công nghiệp 41,45%; dịch vụ 33,6%); nông nghiệp chiếm 24,95% trong cơ cấu kinh tế. Cũng năm này, toàn huyện đã có 36/84 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 42%; 15/15 xã, thị trấn đã hoàn thành phổ cập THCS…
Tiêu chuẩn đô thị hết sức quan trọng
Về không gian đô thị, huyện Đức Trọng sẽ hướng đến phát triển các đô thị như: Đô thị loại 3 (Liên Nghĩa – Liên Khương); đô thị loại 4 (Fi Nôm – Thạnh Mỹ); đô thị dịch vụ – du lịch sinh thái (Đại Ninh). Các nhà lập Đề án cho biết, đến ngày 31/12/2015, huyện Đức Trọng đã phê duyệt được 77 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng. Căn cứ 5 tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, nền tảng để tiến tới thành lập thị xã Đức Trọng có nhiều tiêu chí đã đạt và còn lại đang tiệm cận. Bao gồm: Quy mô dân số từ 100.000 người trở lên (hiện Đức Trọng có quy mô 178.174 người); Diện tích tự nhiên từ 200 km2 trở lên (hiện Đức Trọng có quy mô 903,62 km2); Đơn vị hành chính trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên (Theo Đề án, sẽ nâng cấp từ các xã và thị trấn thành 8 phường nội thị và giữ nguyên 7 xã thành ngoại thị), nghĩa là tỷ lệ số phường chiếm 53% tổng số đơn vị hành chính. Tiêu chuẩn 4: Đã được công nhận là đô thị loại III hoặc loại IV; hoặc khu vực dự kiến thành lập thị xã đã được phân loại đạt tiêu chí của đô thị loại III hoặc loại IV. Và tiêu chuẩn cuối cùng: Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội (bao gồm các yếu tố như: cân đối thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người/năm; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thị).
Các nhà lập Đề án cho biết, hiện tổng điểm sau khi rà soát và đánh giá về đô thị, Đức Trọng đã đạt 89,71 điểm. Để sớm đủ các điều kiện theo quy định, cần hoàn thiện một số tiêu chuẩn về hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị như lĩnh vực y tế, cấp nước sạch… Cùng đó, nhằm đạt tiêu chí về đô thị cần lập Đề án về đô thị trước khi lập Đề án nâng cấp thị xã. Vì vậy, phải tính toán cụ thể từ thực tế về mật độ dân cư, mật độ xây dựng để điều chỉnh phân chia ranh giới hành chính theo định hướng thành lập 8 phường (nội thị) và 7 xã (ngoại thị). Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho rằng, vấn đề tách và nhập không quan trọng mà quan tâm là tiêu chí để đưa vào nội thị để đảm bảo đủ các quy định, đặc biệt là đạt được tiêu chí đô thị loại IV của toàn khu vực. Về phía Sở Xây dựng, là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, luôn sẵn sàng tư vấn cho nhóm tác giả xây dựng Đề án và làm cầu nối với Bộ Xây dựng kịp thời khi đủ các điều kiện, ông Trung khẳng định.
Việc thành lập thị xã Đức Trọng là nhu cầu khách quan và phù hợp với quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng phê duyệt. Khi là thị xã, Đức Trọng sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực đối với vùng và khu vực, từ phát triển kinh tế – xã hội và an sinh xã hội đến phát triển về văn hóa, môi trường, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội,…
Theo Chủ tịch huyện Võ Văn Phương, huyện đã chỉ đạo tất cả những cơ quan, đoàn thể liên quan của địa phương, đặc biệt là Phòng Kinh tế hạ tầng phải phối hợp chặt chẽ với nhóm tác giả xây dựng Đề án sớm hoàn thiện các nội dung để báo cáo với các cơ quan, tổ chức theo quy định.
Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Võ Văn Phương cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy Đức Trọng đã thống nhất cao việc nâng cấp huyện lên thị xã là nhiệm vụ chính trị quan trọng và mong muốn hoàn thành trong năm 2017 cùng với thời điểm Đức Trọng đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
MINH ÐẠO (Báo Lâm Đồng, 28/11/2016)