Khoảng một tháng nay, hơn 20 hộ dân ở tổ dân phố 10, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) đang khốn đốn vì phải “sống chung” với khói bụi, mùi hôi quẩn đặc trong không khí và tiếng ồn phát ra từ lò sấy cà phê của bà Huỳnh Thị Minh Hạnh nằm trong khu vực đông dân cư.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lò sấy cà phê của bà Hạnh được xây dựng và đi vào hoạt động được hơn 1 tháng nay. Lò sấy được xây dựng theo hình thức nhà cấp 4, xung quanh được bọc tôn và có quy mô khoảng 60 m2. Tại thời điểm chúng tôi làm việc với bà Hạnh (chủ lò sấy cà phê) và cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm cho thấy, lò sấy này xây dựng không phép và chưa có chứng nhận quan trắc báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, từ lúc xây dựng đến nay, lò sấy cà phê của bà Hạnh luôn hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm.
Bà Ngô Thị Tươi (có nhà nằm bên cạnh lò sấy cà phê) phản ánh: “Mỗi khi bà Hạnh khởi động lò sấy cà phê thì khói bụi, mùi khét của vỏ cà phê tỏa ra khiến các hộ dân xung quanh trong bán kính chừng 500 m phải hứng chịu hậu quả. Cùng với đó là tiếng rền inh ỏi của động cơ máy sấy cũng làm cho người dân lân cận mất ngủ, thường xuyên bị chóng mặt, đau đầu, nôi ói. Để hạn chế khói bụi bay vào nhà, bà con nơi đây phải đóng kín cửa, dùng vải bịt hết các lỗ thông gió và thậm chí ở trong nhà cũng phải bịt khẩu trang…”.
Tiếp lời bà Tươi, ông Tạ Cư (một hộ dân sống cạnh lò sấy cà phê) cho biết: “Lò sấy cà phê của bà Hạnh nằm ngay trong khu dân cư, nên mỗi khi hoạt động khói bụi bay mù mịt. Nhà tôi ở gần nên khói xông vào nhà rất nồng và gắt không chịu nổi. Vào ban đêm, khói bụi bao trùm cả nhà và kèm theo đó là tiếng ồn phát ra từ lò sấy khiến 6 người trong gia đình tôi ăn không ngon, ngủ không yên. Tôi không hiểu sao, lò sấy cà phê của bà Hạnh không được cấp phép mà vẫn cứ ngày đêm hoạt động làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân chúng tôi”. Trong khi đó, bà Đậu Thị Hoa lại bức xúc: “Từ lúc xây dựng đến nay, lò sấy của bà Hạnh hoạt động 24/24 giờ lúc thì sấy, lúc lại xay cà phê. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại, phản ánh lên chính quyền địa phương thị trấn Lộc Thắng và gửi các cơ quan chức năng của huyện. Địa phương cũng đã mời người dân chúng tôi lên làm việc để lấy ý kiến; các ngành chức năng cũng đã tiến hành làm việc với chủ cơ sở, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn đâu vào đấy không có chút chuyển biến gì. Khi chúng tôi phản ánh với gia đình bà Hạnh thì cả gia đình bà còn thách thức người dân cứ làm đơn mà kiện. Thậm chí gia đình bà Hạnh còn thuê cả “giang hồ” từ Bảo Lộc vào dằn mặt chúng tôi”.
Làm việc với chúng tôi bà Huỳnh Thị Minh Hạnh (chủ lò sấy cà phê) cho biết: “Tôi thừa nhận khi lò sấy đi vào hoạt động, khói bụi, tiếng ồn có làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Vấn đề này tôi cũng đã làm việc với người dân và chính quyền địa phương thực hiện ký cam kết khắc phục các tồn tại. Hiện, tôi đã tiến hành khắc phục bằng cách nâng ống khói lò sấy từ 2 mét lên 8 mét. Riêng tiếng ồn phát ra từ lò sấy thì tôi đang tìm cách để khắc phục. Còn các giấy tờ về việc xây dựng, cấp phép để lò sấy hoạt động tôi đang tiến hành hoàn thiện, bổ sung và sẽ có trong nay mai”.
Sau khi nhận được đơn thư phản ánh của người dân, UBND thị trấn đã lập tức mời đại diện các hộ dân và chủ cơ sở lên làm việc để tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, sau 2 buổi hòa giải nhưng tất cả đều không thành. Địa phương cũng đã ghi nhận các ý kiến phản ánh của người dân và trực tiếp tới kiểm tra lò sấy nhưng khi đó lò sấy không hoạt động nên không đánh giá được mức độ tác động gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Riêng việc kiểm tra các thủ tục pháp lý thì bà Hạnh (chủ lò sấy cà phê) chỉ xuất trình được giấy phép xây dựng nhà cấp 4. Còn lại các giấy tờ, thủ tục khác liên quan đến việc xây dựng và vấn đề môi trường thì bà Hạnh chưa cung cấp được. Hiện, tất cả các ý kiến phản ánh của người dân và đơn thư phản ánh đã được UBND thị trấn chuyển lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Lâm để kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) cho biết: “Hiện, trên địa bàn có rất nhiều lò sấy cà phê hộ gia đình. Trong đó, lò sấy cà phê của bà Hạnh được xây dựng với quy mô lớn và bị người dân phản đối nhiều nhất.
HẢI ĐƯỜNG (Báo Lâm Đồng, 13/12/2016)