Hiện là thời gian cao điểm thu hoạch cà phê của nông dân tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung nhưng do diễn biến mưa nắng thất thường, mưa kéo dài đã gây ra khó khăn cho người dân, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cà phê nhân. Bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2015 – 2016, bên cạnh nỗi lo về việc thiếu nhân công thu hái, mất trộm cà phê, vụ mùa này, người trồng cà phê rất lo lắng vì những cơn mưa kéo dài suốt gần 1 tháng qua.
Tại huyện Di Linh, một vùng chuyên canh cây cà phê nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng, nhiều vườn cà phê chín đỏ vẫn không có người thu hái. Huyện Di Linh, hiện có khoảng 41.680 ha cà phê đang cho thu hoạch. Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch khoảng 70% diện tích. Tuy nhiên, trong những ngày qua, những cơn mưa kéo dài, xuất hiện liên tục khiến việc thu hoạch cà phê của người dân gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đức Văn, Thôn 8, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cho biết, gia đình có 5ha cà phê, nhưng chỉ mới thu được 2 ha. Mưa kéo dài cùng với việc thiếu nhân công lao động nên cà phê đã đến kỳ thu hoạch rụng trái rất nhiều. Ngoài việc tập trung nhân lực để thu hái kịp thời vụ thì gia đình phải mất thêm một công lao động để thu lượm những trái cà phê rụng dưới gốc.
Cũng như gia đình ông Văn, gia đình ông Nguyễn Văn Phượng, xóm 8, xã Gia Hiêp cũng rất khó khăn để tìm được công lao động kịp thu hoạch vì còn hơn 2ha cà phê đang chín rộ chưa thu hái. “Mưa kéo dài khiến cà phê rụng trái nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng hạt cà phê”, ông Phượng ngậm ngùi.
Ngoài việc gặp khó khăn trong thu hái, người trồng cà phê còn phải đang đối mặt với tình trạng cà phê rụng trái. Đây là thời điểm cà phê đang chín rộ, do không kịp thu hái nên khi gặp mưa, đã xảy ra hiện tượng rụng trái hàng loạt. Theo nhiều người dân tại huyện Di Linh, những năm trước đầu tháng 11 là Tây Nguyên đã bước vào đầu mùa khô, tuy nhiên năm nay suốt tháng 11 và qua tháng 12 trời đổ mưa liên tục đã gây ra hàng loạt khó khăn cho người trồng cà phê, những cơn mưa kéo dài trong giai đoạn cà phê đang chín rộ cộng với tình trạng khan hiếm nhân công lao động, người dân thu hái không kịp nên hiện tượng trái cà phê rụng là điều khó tránh khỏi. Hiện, giá nhân công năm nay tăng lên khá cao, dao động từ 190.000 – 220.000 đồng/người/ngày; tăng khoảng 30 ngàn đồng/ngày công so với năm trước.
Trong khi đó, tại huyện Đức Trọng có hơn 16.000 ha cà phê kinh doanh. Khảo sát tại các xã Tà Hine, Tà in, Hiệp Thạnh cho thấy nhiều vườn cà phê đã chín rộ, có vườn quả đã thâm đen do chưa kịp thu hái dẫn đến rơi, rụng xuống gốc. Hiện tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 152.670 ha, trong đó có khoảng 144.140 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh với sản lượng đạt khoảng trên 400.000 tấn nhân xô/năm. Do năm nay thời tiết thất thường, người dân thu hoạch cà phê tương đối muộn, tới đầu tháng 12 năm nay sản lượng thu hoạch mới đạt khoảng 40%, trong khi mọi năm đạt từ 60 tới 70%.
Ông Lại Thế Hưng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng đáng kể tới việc thu hoạch cà phê của người dân. Cụ thể, do mưa thất thường nên nhiều nơi hoa cà phê nở sớm khiến tỉ lệ trái đậu thấp, trong khi bình thường sau khi thu hoạch tầm 1 tháng cà phê hồi sức mới ra hoa đồng loạt, trái đậu tỉ lệ cao nhất. Hiện nay, theo thói quen hầu hết người dân thấy trời nắng đều xay hạt tươi để phơi, không phơi nguyên trái do thời gian kéo dài gấp 3 lần, giảm đáng kể thời gian phơi phóng. Tuy nhiên, do mưa đột ngột và độ ẩm cao sẽ làm thâm đen nhân khiến chất lượng nhân cà phê bị sụt giảm đáng kể.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo, với thời tiết hiện nay, người dân cần đặc biệt chú ý đến khâu bảo quản nông sản đã thu hái, tránh để ẩm mốc sẽ dẫn đến đen nhân, làm giảm chất lượng nông sản và giá cả mùa vụ.
Đặng Tuấn (TTXVN)