Dự án PPP cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 67 km, một trong ba phân đoạn của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ nhận đượcUBND tỉnh Lâm Đồng ưu tiên dành nguồn lực.
Đây là khẳng định của ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về quyết tâm cụ thể hóa Dự án PPP đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc – công trình vừa được lãnh đạo tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối tháng 2/2021.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Lâm Đồng, Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dự kiến triển khai theo hình thức PPP, có sự tham gia của ngân sách Nhà nước. Công trình có điểm đầu tại Km59+594 (lý trình Dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú), giao với Quốc lộ 20 tại Km 69+400, trên địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối Dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 67 km. Trong giai đoạn 1 (2021 – 2025), Dự án sẽ đầu tư tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, mặt đường rộng 14 m. Tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 vào khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng; phần vốn còn lại (9.908 tỷ đồng) sẽ do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay thương mại.
Ông Trần Văn Hiệp cho biết là UBND Lâm Đồng cam kết dành khoảng 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương, tương đương 69% vốn ngân sách dự kiến tham gia vào Dự án PPP đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.
“Lâm Đồng chưa phải là tỉnh giàu. Năm nay nếu tình hình dịch bệnh sớm được khống chế thì khả năng toàn tỉnh cũng chỉ thu được khoảng chừng 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi cam kết dành khoảng 900 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương trong vòng 5 năm để dồn vào Dự án”, ông Hiệp nhấn mạnh và xác nhận là phần vốn Trung ương đã được cấp có thẩm quyền dự kiến ghi vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 2.000 tỉ.
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm này công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc diễn ra khá suôn sẻ. Vào đầu tháng 3/2021, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.
“Chúng tôi hy vọng chậm nhất là đầu tháng 4/2021, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, GPMB và lựa chọn nhà đầu tư”, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng thông tin.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết tuyến cao tốc Dầu Giây đến Liên Khương là ước mơ của người dân tỉnh Lâm Đồng nhiều năm nay. Các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc hoàn thành sẽ góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Tp.HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay, trong đó đoạn Tân Phú – Bảo Lộc sẽ là đoạn khởi động, đi đầu.
Bên cạnh quyết tâm chính trị, một thuận lợi lớn đối với UBND tỉnh Lâm Đồng trong việc chuẩn bị Dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Lâm Đồng là liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án này thực hiện có năng lực. Trong đó, việc công trình đang được triển khai hanh thông có vai trò rất lớn của Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – một trong bốn thành viên trong liên danh nhà đầu tư đề xuất Dự án.
“Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư có năng lực, bề dày kinh nghiệm trong việc triển khai cá dự án hạ tầng theo hình thức BOT như: hầm đường bộ Đèo Cả; Hải Vân; cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn; Đồng Đăng – Trà Lĩnh. Chúng tôi đã đi tham quan tất cả những dự án và sản phẩm của Tập đoàn Đèo Cả. Tức là chúng tôi đã thẩm định bằng người thật, việc thật”, ông Hiệp thông tin và cho biết trong liên danh này còn có 1 số nhà đầu tư có năng lực khác như Tập đoàn bất động sản Hưng Thịnh; Tập đoàn Nam miền Trung.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, để chuẩn bị về việc thu xếp vốn cho đường cao tốc này, Ngân hàng Nam Á với trách nhiệm cũng là một đơn vị đóng chân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thì cũng đã chuẩn bị tất cả các điều kiện để phát hành trái phiếu dự án khoảng chừng 5.000 tỉ đồng.
“Chúng tôi rất tự tin về việc thu xếp đầy đủ vốn cho Dự án. Tại Dự án đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, nhà đầu tư sẽ bỏ tiền trước để triển khai, sau đó mới tới phần tiền của nhà nước địa phương và Ngân sách quốc gia. Nếu việc tiến độ cứ theo như thế này thì khả năng cuối năm 2021, đầu 2022, Dự án sẽ khởi công và hoàn thành vào năm 2024, đúng như cam kết của tỉnh với Thủ tướng Chính phủ”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Anh Minh (Báo Đầu Tư, 16/03/2021)