Trong 2 ngày (17 và 18/3), Tòa án Nhân dân huyện Đạ Tẻh đã mở phiên tỏa sơ thẩm đưa ra xét xử đối với bị cáo Huỳnh Văn Phụ (61 tuổi, nguyên là Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng) về các tội “Tham ô tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 8 năm tù là mức án mà Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên đối với bị cáo Phụ sau khi phiên tòa kết thúc vào chiều nay 18/3.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Văn Phụ

Phiên tòa có sự tham gia tố tụng của đại viện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Vụ án này được Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng truy tố theo các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo các tội danh nêu trên của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Bị cáo Huỳnh Văn Phụ là Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT liên huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng từ năm 2009. Trong thời gian từ năm 2009 đến 31/7/2019 bị cáo Phụ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Hiệu trưởng, được quản lý thu chi tài chính của nhà trường. Đồng thời, lợi dụng sự kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền là Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng, bị cáo Phụ đã có hành vi gian dối chỉ đạo Đỗ Phú Minh Trí là nhân viên kỹ thuật tin học của nhà trường thao tác xóa dữ liệu phần thu tiền học bổng (được theo dõi trên máy tính của bị can Phụ, của kế toán, thủ quỹ) tại 2 khoản thu gồm: Khoản thu ngày 31/12/2011 số tiền 58.243.400 đồng và khoản thu ngày 31/12/2012 số tiền là 138.383.000 đồng từ quỹ ngân sách Nhà nước chi cho học sinh với số tiền 196.626.400 đồng để chiếm đoạt toàn bộ số tiền này sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bên cạnh đó, trong thời gian giữ chức Hiệu trưởng, bị cáo Phụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao đã làm trái với công vụ; làm trái với chức năng nhiệm vụ quyền hạn, mục đích công tác được phân công để chỉ đạo giữ lại số tiền học bổng của học sinh trong 2 tháng hè (tháng 6 và tháng 7 trong các năm từ 2009 đến tháng 7/2019) là 11.028.731.061 đồng (mười một tỷ không trăm hai mươi tám triệu bảy trăm ba mươi mốt ngàn không trăm sáu mươi mốt đồng), từ quỹ ngân sách Nhà nước chi trả cho học sinh. Việc giữ lại số tiền này không được bị cáo Phụ công khai minh bạch với Hội Phụ huynh học sinh theo quy định. Trái lại bị cao sử dụng số tiền trên để tạm ứng, mua sắm, sửa chữa tài sản; để chi phí, biếu quà… không thông qua hội Hội Phụ huynh học sinh và không tuân thủ quy định về tài chính kế toán; không được quản lý, không theo dõi đầy đủ vào hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường.

Việc giữ lại tiền không báo cáo, không được sự đồng ý của cơ quan quản lý cấp trên; không được thông qua Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm nhà trường, cấp ủy chi bộ. Trong tổng số tiền 11.028.731.061 đồng (có khoản tiền bị can chiếm đoạt là 196.626.400 đồng đã nêu trên). Số tiền còn lại là 9.996.385.441 đồng, bị cáo Phụ đã chỉ đạo chi hết không đúng quy định. Quá trình điều tra đã xác minh số tiền 6.751.495.003 đồng, thực tế được sử dụng phục vụ cho quyền lợi của học sinh và đã khắc phục được một phần cho ngân sách Nhà nước. Còn lại 3.068.250.438 đồng bị cáo Phụ phải chịu trách nhiệm và có nghĩa vụ nộp lại cho ngân sách Nhà nước là các khoản khác không phục vụ cho học sinh.

Tại phiên tòa, qua phần tranh tụng, xét hỏi và các chứng cứ, tài liệu liên quan mà cơ quan điều tra thu thập được, HĐXX xét thấy: Hành vi của bị cáo đã vi phạm Điều 19, Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 Ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Hiệu trưởng; Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29/5/2009 của Bộ Tài chính – Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc, văn bản 2149/SGDĐT – KHTC ngày 12/11/2014, văn bản 910/SGDĐT-KHTC ngày 05/4/2016 của Sở Giáo dục và Đào tạo nghiêm cấm việc lập chứng từ khống để chi tiền học bổng cho học sinh, tức là cho học sinh ký nhận nhưng không được nhận tiền; yêu cầu cấp học bổng 2 tháng nghỉ hè cho học sinh theo đúng chế độ…). Hành vi của bị cáo không chỉ gây thiệt hại tài sản Nhà nước với số tiền 3.068.250.438 đồng, mà còn làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các em học sinh được Nhà nước chi trả tiền học bổng từ nguồn quỹ của ngân sách Nhà nước để chi cho việc ăn ở, học tập, sinh hoạt của học sinh dân tộc nội trú. Hành vi của bị cáo đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Giáo dục địa phương, làm mất an ninh trật tự và gây nguy hiểm cho xã hội.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Huỳnh Văn Phụ đã thành khẩn khai báo, đã tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền đã chiếm đoạt là 196.626.400 đồng và tác động gia đình nộp lại toàn bộ số tiền từ việc thực hiện nhiệm vụ được giao đã làm trái với công vụ, trái với chức năng nhiệm vụ quyền hạn là 3.068.250.438 đồng. Đây là những tình tiết được HĐXX xem xét để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Sau thời gian nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Huỳnh Văn Phụ tổng mức án 8 năm tù giam. Trong đó, 2 năm 6 tháng tù giam về tội “Tham ô tài sản” và 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 18/3/2022)

Nguồn: http://baolamdong.vn/phapluat/202203/da-teh-hieu-truong-lanh-8-nam-tu-ve-cac-toi-tham-o-tai-san-va-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-trong-khi-thi-hanh-cong-vu-3107677/