Khái niệm “kinh tế ban đêm” mang hàm ý là những hoạt động dịch vụ diễn ra sau 18 giờ tối hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các hoạt động mua sắm, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc; các chương trình giải trí, lễ hội… Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển kinh tế ban đêm. Chính vì lẽ đó, UBND thành phố Đà Lạt mới đây đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố. Hiện, đề án đang được thành phố tổ chức lấy ý kiến góp ý của rất nhiều sở, ban, ngành liên quan và của người dân trước khi triển khai.

Quảng trường Lâm Viên vào ban đêm dịp Tết Nguyên đán năm 2022

Kinh tế ban đêm là đề án mà thành phố thực hiện quy hoạch lại khá bài bản và chuyên nghiệp, nhiều hoạt động dịch vụ, chủ yếu phục vụ khách du lịch và thúc đẩy thương mại, quảng bá các nét văn hoá, nghệ thuật đặc trưng của thành phố. Gọi là “kinh tế đêm” nhưng theo đề án thì mục tiêu chính là hình thành, phát triển các mô hình tham quan, mua sắm, giải trí mới lạ vào ban đêm để khai thác, phát huy tiềm năng của địa phương; qua đó, góp phần tác động tích cực vào việc thay đổi diện mạo ban đêm của thành phố Đà Lạt, vốn lâu nay được đánh giá là khá tẻ nhạt và buồn. Hoạt động ban đêm này cũng nhằm mục đích nâng cao thu nhập và đời sống của người dân…

Việc phát triển kinh tế ban đêm ở thành phố Đà Lạt trên cơ sở phát huy lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên thiên, văn hóa người Đà Lạt, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư thành phố để làm cơ sở quy hoạch thu hút đầu tư các khu dịch vụ tập trung, theo chủ đề, có sự liên kết, giao thoa, có tính trọng điểm và quy mô.

Thành phố cũng đặt ra yêu cầu là phát triển kinh tế ban đêm nhưng phải đi đôi với yêu cầu nhận diện và xử lý nhanh chóng, hiệu quả các rủi ro, tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế ban đêm, chính vì lẽ đó, đề án cũng đã được gửi tới Công an tỉnh để lấy ý kiến về vấn đề an ninh trật tự.

Theo dự kiến thì sẽ có nhiều mô hình thí điểm triển khai ngay trong giai đoạn quý II/2022 này, một số sẽ tiếp tục được triển khai dần dần trong giai đoạn 2022 – 2025.

Một số mô hình nổi bật trong đề án gồm mô hình công viên nhạc nước ở Vườn hoa thành phố; Mô hình khu phố đi bộ dự kiến tổ chức tại đường Trần Quốc Toản (đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố) với chiều dài 1.600 m; mô hình chợ đêm…

Khác với hoạt động phố đi bộ hiện nay chỉ xoay quanh khu vực Chợ Đà Lạt và Khu Hoà Bình, hoạt động phố đi bộ mới dự kiến tổ chức ở đoạn từ giao lộ Đinh Tiên Hoàng – Trần Quốc Toản đến Vườn hoa thành phố sẽ đa dạng và hiện đại hơn nhiều. Tại khu đường này, dự kiến sau khi mở rộng đường sẽ hình thành khu phố đi bộ với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật thu hút các nhóm nhạc, vũ điệu đường phố, trượt patin nghệ thuật, chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác thủ công, mỹ nghệ biểu diễn dọc phố đi bộ.

Bên cạnh đó, cũng có các hoạt động mua sắm bằng các mô hình các toa xe lửa được trang trí đẹp, bố trí các toa xe uốn lượn theo cung đường, hài hòa với cảnh quan khu vực; bố trí kinh doanh ẩm thực nhẹ (thức ăn nhanh, món nướng, thức uống nóng), kinh doanh nông sản, đặc sản địa phương.

Song song đó, còn có hoạt động tham quan mặt hồ, chuyên chở khách bằng thuyền được trang trí đẹp để dạo mặt hồ ngắm cảnh đêm từ khu vực Quảng trường Lâm Viên sang khu phố đi bộ.

Thành phố cũng dự kiến hình thành chợ đêm mới với hình thức hiện đại, mỹ quan hơn, phương thức quản lý hiệu quả hơn thay thế cho mô hình chợ đêm hiện nay tại đường Nguyễn Thị Minh Khai với các hoạt động mua sắm các sản phẩm hàng lưu niệm, hàng hóa đặc trưng của Đà Lạt, các gian hàng ẩm thực đêm và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động chế tác tranh, ảnh nghệ thuật, chế tác hàng lưu niệm, biểu diễn ảo thuật, vũ điệu…

Và dự định tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại khu vực đường Trần Lê, hồ Hoàng Văn Thụ để hình thành tuyến phố ẩm thực với các món ăn đặc trưng của các vùng miền Việt Nam với tổng chiều dài 900 m. Đường 3/2, Trương Công Định, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Chí Thanh, Phường 1 thì quy hoạch hình thành tuyến phố đêm với các loại hình hoạt động nightclub, pub, bar, game, cà phê, ẩm thực, mua sắm vào ban đêm.

Tại Quảng trường Lâm Viên, một khu vực hiện nay thu hút khá đông giới trẻ đến chơi, ngắm cảnh vào buổi tối cũng sẽ được nâng cấp, quy hoạch lại bài bản, trật tự và tăng thời gian phục vụ và phát triển mới các dịch vụ mua sắm cao cấp, ẩm thực, vui chơi, giải trí hiện hữu tại khu vực Quảng trường, Trung tâm thương mại Go! Đà Lạt, Trung tâm thương mại quốc tế như cà phê, rạp chiếu phim, bowling, hoạt động mua sắm. Riêng ở khu vực giải trí công cộng ngoài trời sẽ tiếp tục các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu chụp hình check in, trượt patin, văn nghệ đường phố.

Cùng với các khu vực này, thành phố cũng kêu gọi đầu tư, khuyến khích các đơn vị kinh doanh, các khu du lịch đầu tư phát triển thêm một số hoạt động du lịch vào ban đêm ở các khách sạn lớn, điểm du lịch lớn như hồ Tuyền Lâm, Prenn… để tạo thêm nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giải trí và mua sắm vào ban đêm đa dạng, chuyên nghiệp, hấp dẫn cho du khách.

Thực tế, hoạt động kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố cũng đã diễn ra từ lâu nay với các hoạt động văn hoá, giải trí ở phố đi bộ, kinh doanh đặc sản, ẩm thực ở chợ đêm nhưng cũng mới chỉ tập trung tại khu vực Hoà Bình và đường Nguyễn Thị Minh Khai và các hoạt động thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch bài bản, thiếu chuyên nghiệp, mang tính tự phát nhiều do đó chưa đảm bảo về an ninh trật tự, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế đêm ở một số nơi như Hội An, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… cho thấy đã giải quyết được công ăn việc làm, tăng thu nhập cho rất nhiều lao động địa phương và là điểm đến hấp dẫn du khách. Hy vọng với Đề án quy hoạch phát triển kinh tế đêm này, Đà Lạt sẽ khắc phục được điểm yếu là khách đến du lịch nhưng không biết đi chơi ở đâu vào buổi tối, và tương lai gần với nhiều hoạt động vào ban đêm mang tính bài bản, an ninh; Đà Lạt sẽ trở thành nơi du lịch không chỉ biết phụ thuộc vào các danh thắng và phong cảnh núi đồi như hiện nay.

Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân; đồng thời, hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và gắn kết cộng đồng, giao lưu xã hội cho người dân Việt Nam, giữa người Việt Nam và người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch. 

Nguyễn Nghĩa (Báo Lâm Đồng, 12/4/2022)

Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202204/da-lat-len-y-tuong-to-chuc-cac-hoat-dong-phuc-vu-du-khach-vao-ban-dem-3111133/