Lâm Đồng đã đưa ra phương án sáp nhập huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt và điều chỉnh một số xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc nhằm mở rộng không gian đô thị.
Bài 2 : Mở rộng địa giới hành chính 2 TP Ðà Lạt và Bảo Lộc
• SÁP NHẬP HUYỆN LẠC DƯƠNG VÀO TP ĐÀ LẠT
Sở Nội vụ Lâm Đồng cho biết, căn cứ vào các quy định của Trung ương, sau khi xem xét cẩn thận, tỉnh đã đưa ra phương án sáp nhập huyện Lạc Dương – đơn vị hành chính nông thôn vào TP Đà Lạt – đơn vị hành chính đô thị.
Hiện nay, Đà Lạt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung cho TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Lâm Đồng đang triển khai lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 theo Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung TP Đà Lạt, dự kiến hoàn thành trong đầu tháng 4/2024 theo Kế hoạch số 3177/KH-UBND ngày 10/4/2023 của UBND tỉnh.
Lâm Đồng cũng đã ban hành Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 7/11/2022 phê duyệt chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo phương án, sau khi sáp nhập huyện Lạc Dương (có diện tích tự nhiên là 1.313,94 km2; dân số là 35.635 người) vào TP Đà Lạt (có diện tích tự nhiên là 391,15 km2, dân số là 258.014 người), đơn vị hành chính TP Đà Lạt mới sẽ có diện tích tự nhiên là 1.705.09 km2; dân số là 293.649 người.
Dự kiến sau sáp nhập, TP Đà Lạt có 22 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 12 phường, 1 thị trấn và 9 xã), trong đó tổng số 12 phường cũng đảm bảo tỷ lệ về số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã quy định.
Theo Sở Nội vụ, TP Đà Lạt chưa xây dựng đề án đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với thành phố (khu vực dự kiến thành lập) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa tiến hành phân loại đô thị và cũng lập và triển khai kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng trên cơ sở định hướng phát triển không gian của đô thị Đà Lạt để khắc phục các tiêu chí chưa đảm bảo theo quy định. Vì vậy, để có đủ cơ sở lập đề án sáp nhập đơn vị hành chính huyện Lạc Dương vào TP Đà Lạt cần thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.
• ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ XÃ CỦA HUYỆN BẢO LÂM NHẬP VÀO TP BẢO LỘC
Để mở rộng không gian đô thị cho TP Bảo Lộc, tỉnh cũng đưa ra phương án điều chỉnh một số xã của huyện Bảo Lâm để nhập vào thành phố này.
Căn cứ vào Nghị quyết số 226/2021/NQ-HĐND ngày 26/3/2021 của HĐND tỉnh Lâm Đồng về việc thông qua đồ án quy hoạch chung TP Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040, trong đó gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Bảo Lộc và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm, gồm 5 xã: Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam và Tân Lạc.
Tuy nhiên, theo Kết luận số 654-KL/TU ngày 27/4/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Điều chỉnh địa giới hành chính một số xã của huyện Bảo Lâm nhập vào TP Bảo Lộc, các xã này gồm xã Lộc An, xã Lộc Nam, xã Tân Lạc, xã Lộc Thành. Riêng xã Lộc Tân cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại cho phù hợp điều kiện thực tế”.
Trong thực tế, việc đi lại, giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa phục vụ đời sống của người dân xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm đến trung tâm của TP Bảo Lộc (khoảng 10 km) gần và thuận tiện hơn về khoảng cách so với từ xã Lộc Tân về trung tâm của huyện Bảo Lâm là thị trấn Lộc Thắng (khoảng 15 km).
Hiện, UBND tỉnh đang xem xét ban hành Quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chung đối với TP Bảo Lộc.
Trong trường hợp điều chỉnh nhập 5 xã trên của huyện Bảo Lâm vào Bảo Lộc, thành phố này sẽ có 16 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện nay, TP Bảo Lộc có 6 phường; tuy nhiên, theo quy định thì số phường cần phải đạt tối thiểu là 10, do vậy thành phố cần phải đầu tư, nâng cấp tối thiểu 4 đơn vị hành chính cấp xã thành phường để đạt tỷ lệ 65% số phường theo quy định.
Một vấn đề khác cũng cần lưu ý là khi nhập 5 xã trên của Bảo Lâm với diện tích tự nhiên là 364,54 km2, quy mô dân số là 65.727 người vào TP Bảo Lộc thì huyện Bảo Lâm diện tích tự nhiên còn 1.098,18 km2 (đạt 129,2% tiêu chuẩn quy định), tuy nhiên, quy mô dân số 71.613 người (đạt 89,52% tiêu chuẩn quy định), còn thiếu 8.387 người so với tiêu chuẩn quy định (quy mô dân số phải đảm bảo 80 nghìn người).
Hiện vẫn chưa xây dựng đề án đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với TP Bảo Lộc (khu vực dự kiến thành lập) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chưa tiến hành phân loại đô thị; chưa lập và triển khai kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng trên cơ sở định hướng phát triển không gian của đô thị Bảo Lộc để khắc phục các tiêu chí chưa đảm bảo theo quy định. Vì vậy, để có đủ cơ sở lập Đề án Sáp nhập 5 xã của huyện Bảo Lâm vào TP Bảo Lộc để mở rộng không gian đô thị Lâm Đồng, Sở Nội vụ khuyến cáo cần sớm thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên.
• THÊM MỘT SỐ XÃ TRONG TỈNH CẦN SẮP XẾP TRONG GIAI ĐOẠN 2026 – 2030
Trong trường hợp thực hiện theo phương án sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 như trên, Lâm Đồng sẽ giảm một số đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Cụ thể, từ 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 10 huyện và 2 thành phố hiện nay sẽ giảm xuống còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 2 thành phố. Với cấp xã, cũng giảm 2 đơn vị hành chính, từ 142 xã, phường, thị trấn còn 140 (gồm 109 xã; 18 phường, 13 thị trấn).
Trong giai đoạn 2026 – 2030, Lâm Đồng sẽ phải tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo yêu cầu, tỉnh phải rà soát sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định theo đúng nội dung tinh thần Kết luận số 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.
Tính đến cuối năm 2022, có 12 đơn vị hành chính cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định. Đó là các xã Nam Hà của Lâm Hà; xã Hòa Trung của Di Linh; 2 xã thuộc huyện Bảo Lâm gồm xã Lộc Quảng, xã Tân Lạc; 5 xã thuộc huyện Đạ Huoai gồm: Đoàn Kết, Hà Lâm, Mađaguôi, Đạ Oai, Đạ Tồn và 3 xã thuộc huyện Cát Tiên gồm: Đức Phổ, Quảng Ngãi và xã Nam Ninh.
Để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cho giai đoạn 2025 – 2030, tỉnh đang khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn địa phương kể cả các đơn vị hành chính đã bảo đảm tiêu chuẩn.
Viết Trọng (Báo Lâm Đồng)