Thật thú vị trong những ngày đầu năm mới 2017 này khi gặp một gia đình võ sư người Đức đến Việt Nam để luyện tập Võ Cổ truyền Việt với võ sư Trương Văn Bảo tại Đà Lạt.
Đó là gia đình của võ sư Christian Kronenbitter, 60 tuổi, gồm ông và vợ là Christine, 52 tuổi cùng cậu con trai Korbinian Bachhuber, 28 tuổi, người Konstanz – một thành phố nhỏ với khoảng 80 nghìn dân nằm ở phía nam nước Đức, gần biên giới với Thụy Sỹ. Gia đình này đến Việt Nam trong một chuyến “hành hương” – theo cách nói của võ sư Christian, vừa đi thăm Việt Nam – quê hương của môn Võ Việt mà ông đang dạy tại quê nhà, vừa để học hỏi nâng cao thêm trình độ võ thuật của mình.
Buổi sáng tôi đến thăm, vị võ sư 5 đẳng người Đức này đang cùng với con trai trong trang phục màu đen của Võ Cổ truyền Việt Nam say mê luyện võ cùng võ sư Bảo tại võ đường của võ sư Bảo trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Đà Lạt. Vợ của ông, bà Christine cũng là một võ sư 3 đẳng, cùng đến võ đường với chồng và con nhưng không tập cùng vì đang bị cảm lạnh. “Từ Hội An lên đây, ngoài đó trời khá nóng, lên Đà Lạt chuyển lạnh đột ngột nên người bị cảm lạnh, không tập được tiếc quá” – bà cười.
Võ sư Christian Kronenbitter cho biết ông tập võ trên 35 năm nay. Năm 25 tuổi ông bắt đầu làm quen với võ thuật, lúc đầu tập Karaté – môn võ của Nhật, sau đó ông học thêm Công Phu của phái Thiếu Lâm – Trung Quốc. Ông biết đến võ cổ truyền Việt Nam thông qua một thầy dạy võ người Pháp tại Paris, nước Pháp – là võ sư Bernard Võ Đình Quang, có cha là người Việt, mẹ là người Đức hiện nay đã 65 tuổi và vẫn còn dạy võ cổ truyền Việt tại Paris. Tiếp xúc với Võ Việt ông thích ngay và sau một thời gian rèn luyện ông về dạy cho vợ ông sau đó hai vợ chồng dạy cho 3 cậu con trai. Hiện ông đang duy trì một võ đường dạy Võ Việt tại thành phố nơi ông sinh sống.
Nhiều lý do để võ sư Chrristian thích Võ Việt Nam: “Võ Việt có rất nhiều kỹ thuật chiến đấu độc đáo, động tác đẹp, hiệu quả cao. Đặc biệt đây là môn võ của một dân tộc bất khuất có truyền thống văn hóa lâu đời nên ở Đức rất nhiều người hâm mộ” – ông nói. Còn theo bà Christine, Võ Việt không chỉ đẹp và hiệu quả mà còn thích hợp cho mọi lứa tuổi, ai tập cũng được, kể cả phụ nữ như bà.
Võ sư Christian biết Võ sư Trương Văn Bảo qua một đợt tập huấn nâng cao Võ cổ truyền Việt do Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Paris. Tại lớp tập huấn này, Võ sư Bảo chính là người trực tiếp hướng dẫn tại lớp. Sau đợt tập huấn đó, Võ sư Christian đã sắp xếp để đưa cả nhà sang Việt Nam tìm đến nhà Võ sư Trương Văn Bảo tại Đà Lạt để thụ giáo thêm. Đây là chuyến đi thứ nhì của gia đình ông sang Việt Nam. Năm ngoái, vợ chồng ông còn đưa cả 3 cậu con trai của mình đi cùng, năm nay do bận nên chỉ mình Kobinian đi cùng.
Korbinian cho biết, anh đã tập Võ Việt trên 18 năm cùng cha và mẹ mình ở nhà, từ lúc chỉ vừa 10 tuổi. “Mới đầu học võ cũng thấy khó, phải tự động viên mình cố gắng từng ngày, nhưng càng tập càng thấy thích và chỉ một thời gian sẽ thấy rõ sự khác biệt mà võ mang lại” – anh nói.
Sự khác biệt đó, theo Korbinian, chính là võ đã mang lại cho anh sự tự tin rất lớn, không chỉ là nâng cao sức khỏe cho bản thân mà võ còn mang lại cho anh rất nhiều điều có ích, chẳng hạn là nhiều bạn bè. Thông qua tập luyện Võ Việt, anh như đã gia nhập vào một cộng đồng lớn của những người yêu và tập luyện Võ Việt trên khắp châu Âu. Anh cho biết, ở Đức và châu Âu có khá nhiều võ đường Võ Việt rất đông môn sinh, qua các chuyến giao lưu, anh đã quen với nhiều bạn bè vốn là những người cùng tập Võ Việt như mình. Hướng theo sự huấn luyện của nhà, anh đã quyết định chọn nối nghiệp võ và đang dự đinh mở một võ đường tại vùng Baravia của Đức: “Hy vọng khi đó sẽ có nhiều học trò” – anh cười.
Với gia đình Kronenbitter, từ võ sư Christian đến vợ, bà Christine và cậu con trai Korbinian Bachhuber đều rất vui với chuyến đi này. Cả gia đình dành phần lớn thời gian trong ngày để luyện võ, luyện lại các bài quyền cao cấp với Võ sư Trương Văn Bảo trong những ngày lưu lại Đà Lạt. Những chuyến đến Việt Nam này, theo Võ sư Christian, bên cạnh việc học võ, còn giúp gia đình ông biết và hiểu thêm nhiều điều về Việt Nam, về văn hóa, lịch sử, con người hiếu khách của đất nước này. “Đây là một trải nghiệm tuyệt vời mà có đi thì mới hiểu được. Chúng tôi dự định cứ mỗi năm nếu được sẽ sang đây một lần, đến Đà Lạt để cùng luyện võ với thầy Bảo”.
VIẾT TRỌNG (Báo Lâm Đồng, 25/01/2017)