UBND huyện Đức Trọng vừa ban hành kế hoạch sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, phương án thành lập thị xã Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2023-2025, trên cơ sở chuyển nguyên trạng toàn bộ 903.13 km2 diện tích tự nhiên và dân số 192.180 người của huyện Đức Trọng (số liệu niên giám thống kê năm 2022).
Thị xã Đức Trọng có 15 đơn vị hành chính cấp xã, dự kiến với 8 phường; tỷ lệ số phường trên số đơn vị hành chính cùng cấp là 53,3%. Cụ thể, dự kiến sáp nhập hai xã Tân Thành và Tân Hội để thành lập phường (đề xuất tên là phường Tân Hội); điều chỉnh thị trấn Liên Nghĩa để thành lập 2 phường lấy tên là phường Liên Nghĩa và phường Tùng Nghĩa (lấy quốc lộ 20 làm ranh giới giữa 2 phường, phường Tùng Nghĩa nằm ở phía đông quốc lộ 20, phường Liên Nghĩa ở phía tây quốc lộ 20); nâng cấp các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội và Ninh Gia thành phường.
Khu vực nội thị thị xã Đức Trọng có 8 phường Hiệp An, Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Liên Nghĩa, Tùng Nghĩa, Tân Hội, Phú Hội và Ninh Gia; 7 xã ngoại thị bao gồm Bình Thạnh, N’Thôn Hạ, Tà Hine, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng và Đa Quyn.
Bên cạnh đó, huyện Đức Trọng cũng đưa ra phương án thành lập thành phố Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2031-2045. Theo đó, năm 2040, thành lập thành phố Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng trên cơ sở chuyển nguyên trạng toàn bộ 903.13 km2 diện tích tự nhiên và dân số 192.180 người của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng (số liệu niên giám thống kê năm 2022).
Theo UBND huyện Đức Trọng, mục đích việc sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh và yêu cầu phát triển của địa phương. Đồng thời, chủ động, kịp thời trong việc chuẩn bị các điều kiện là tiền đề cho việc thành lập và phát triển thị xã Đức Trọng trong thời gian tới, nhằm tạo cơ sở cho tỉnh Lâm Đồng xây dựng thị xã Đức Trọng thành đô thị động lực, địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại; trung tâm công nghiệp, thương mại, logistics, liên kết vùng của tỉnh và khu vực Tây Nguyên; chỉnh trang, phát triển và mở rộng thành đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
N.Viên (Báo Lâm Đồng)
Nguồn: http://baolamdong.vn/xahoi/202211/ban-hanh-ke-hoach-phuong-an-thanh-lap-thi-xa-duc-trong-3143209/