Có mặt tại xã Hoà Nam (huyện Di Linh), chúng tôi không thể tưởng tượng nỗi một xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng gần 700 hộ dân, với hàng ngàn con người tại các thôn 3, 12, 13 và 15 hàng ngày phải “bơi” trong bùn để đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa trên 2 tuyến đường dân sinh.
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, xã Hòa Nam hiện có 2 tuyến đường dân sinh là đường liên xã từ thôn 3 đi thôn 12, 13 qua xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm) có tổng chiều dài 4,2 km và đường liên thôn 12 đi thôn 15 có chiều dài 2,2 km bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói là cả 2 tuyến đường này đều đã được nhà nước cấp vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Trong đó, tuyến đường liên xã (từ thôn 3 đi thôn 12, 13 qua xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) được đầu tư nguồn vốn 1,5 tỷ đồng. Riêng tuyến đường liên thôn 12 đi thôn 15 (xã Hòa Nam), được đầu tư với tổng nguồn vốn gần 3 tỷ đồng xây dựng theo hình thức đổ đá sỏi đồi lu nén cứng hóa; trong đó, có 2 đoạn “xung yếu” khoảng 300 mét được đổ bê tông.
Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân nơi đây, bắt đầu từ tháng 6/2018 cả 2 tuyến đường này biến thành ruộng, bùn đất ngập ngụa đến tận đầu gối. Nguyên nhân là các đơn vị thi công chở đá non, đất về đổ nhưng không kịp lu nén khiến đường bị sình lầy. Là 2 tuyến đường “độc đạo”, nên việc đường biến thành ruộng bùn đã đẩy hơn 700 hộ dân nơi đây lâm vào cảnh dở khóc, dở cười. Thực tế cho thấy, người dân di chuyển xe máy qua lại trên 2 tuyến đường này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí té ngã liên tục. Nhiều trường hợp chạy xe máy trên đường bị té ngã gãy tay, chân và thậm chí có trường hợp phụ nữ bị té sẩy thai. Hiện đang là thời điểm người dân địa phương thu hoạch sầu riêng, nên đường phủ kín bùn đất trơn trượt khiến nông sản người dân làm ra bị ép phải bán với giá rất thấp.
Điều đáng nói, 2 tuyến đường này có 2 trường học là phân hiệu trường Tiểu học Hòa Nam A và Phân hiệu trường Mẫu giáo Hòa Nam với hơn 200 học sinh đến trường mỗi ngày. Do đường quá lầy lội, trơn trượt đã khiến các em học sinh đi lại gặp vô vàn khó khăn. Không ít học sinh trong lúc được cha mẹ chở đến trường bị té ngã quần áo lấm lem bùn đất; thậm chí đứt chân, gãy tay.
Mặc dù 2 tuyến đường “biến thành ruộng” trong một thời gian dài, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa hề có động thái, biện pháp để khắc phục khiến bà con đã bức xúc lại càng thêm bức xúc, phẩn nộ.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 25/8/2018)