Hàng trăm cây rừng như thông, các loại gỗ thuộc nhóm B và gỗ tạp bị các đối tượng dùng cưa máy triệt hạ nằm la liệt chất thành đống. Tại hiện trường, xe múc vẫn đang san ủi, đào đất khiến cả một khu vực rộng lớn tan hoang. Vụ phá rừng nghiêm trọng này xảy ra tại Tiểu khu 613, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm).
Ngày 24/3, phóng viên có mặt tại hiện trường để ghi nhận vụ phá rừng nghiêm trọng nói trên xảy ra tại lô K và lô M, khoảnh 4, Tiểu khu 613, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm). Diện tích rừng bị triệt hạ thuộc lâm phần do Doanh nghiệp Tư nhân Anh Hải quản lý, bảo vệ. Vụ phá rừng trái pháp luật này được các cơ quan chức năng gồm Công an huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện và Đội Kiểm lâm cơ động, phòng cháy chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng) mật phục bắt quả tang vào trưa 17/3.
Thời điểm này, cơ quan chức năng đã bắt giữ quả tang Nguyễn Doãn Trung (quê Nghệ An) và Phan Văn Thanh (ngụ xã Tân Lâm, huyện Di Linh) đang điều khiển 1 máy múc đào bới, san gạt trái phép đất lâm nghiệp trên diện tích rừng đã cưa hạ trước đó.
Kiểm tra, xác minh tại vị trí nói trên, bước đầu cơ quan chức năng ghi nhận tổng diện tích rừng bị phá khoảng 1,9 ha. Trạng thái rừng bị phá hầu hết là rừng lá rộng nguyên sinh với các loại gỗ thuộc nhóm B và gỗ tạp. Ngoài ra, còn có hàng chục gốc gỗ thông 3 lá hàng chục năm tuổi. Số diện tích rừng bị phá này thuộc quy hoạch lâm nghiệp, đối tượng rừng sản xuất.
Sáng 24/3, các lực lượng gồm công an, kiểm lâm huyện Bảo Lâm đang tiến hành khám nghiệm hiện trường, đo đạc số lượng gỗ bị thiệt hại của vụ phá rừng. Ghi nhận cho thấy, hàng chục gốc thông cổ thụ có đường kính từ 0,6 – 0,8 m bị cưa hạ nằm ngổn ngang gốc còn ứa nhựa tươi rói; nhiều cây thông cổ thụ bị ken thân, ken gốc, đốt cháy sém. Ngoài ra, trong diện tích 1,9 ha rừng bị cưa hạ được cơ quan chức năng kiểm đếm với hơn 220 gốc cây gỗ các loại thuộc nhóm B và gỗ tạp. Đặc biệt, tại đây có một số lượng lớn các loại gỗ rừng bị vùi lấp nằm ngổn ngang chất thành đống chưa thể kiểm đếm, thống kê cụ thể.
Hiện tại, cơ quan chức năng đã điều máy múc vào hiện trường phục vụ công tác khám nghiệm. Với số lượng cây rừng bị thiệt hại, dự tính, công tác khám nghiệm hiện trường sẽ kéo dài trong thời gian 1 tuần đến 10 ngày. Theo ước tính, số lượng lâm sản thiệt hại của vụ phá rừng có thể lên đến hàng trăm mét khối.
Ngoài số lượng gỗ bị đốn hạ, diện tích đất lâm nghiệp khu vực này còn đào múc, san lấp thành những đường be rộng lớn. Gỗ rừng bị cưa hạ còn bị các đối tượng vận chuyển xuống suối cạnh hiện trường để chôn lấp phi tang.
Qua kiểm tra hồ sơ Dự án quản lý bảo vệ rừng của Doanh nghiệp Tư nhân Anh Hải, cơ quan chức năng ghi nhận: Ngày 5/1/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 24/UBND-LN về việc thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng kết hợp chăn nuôi của doanh nghiệp này. Nguyên nhân do doanh nghiệp triển khai dự án chậm tiến độ, thực hiện không đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đầu tư; sử dụng đất, rừng không đúng mục đích; để rừng bị phá, đất bị lấn chiếm; không chấp hành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước…
Ngày 14/1/2021, Sở Kế hoạch Đầu tư Lâm Đồng ban hành Quyết định số 04/QĐ về việc chấm dứt hoạt động Dự án này của Doanh nghiệp Tư nhân Anh Hải. Tuy nhiên, đến nay chưa có quyết định thu hồi đất, rừng đối với doanh nghiệp tư nhân Anh Hải.
Hiện nay, cùng với công tác khám nghiệm hiện trường, Công an huyện Bảo Lâm, Hạt Kiểm lâm huyện và các cơ quan chức năng liên quan đang phối hợp mở rộng điều tra, truy xét để xác định các đối tượng chủ mưu và những đối tượng khác liên quan đến vụ phá rừng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng cũng đã báo cáo vụ phá rừng bằng văn bản tới UBND tỉnh Lâm Đồng để có ý kiến chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo và công chức kiểm lâm liên quan thuộc Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm theo quy định.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 24/3/2022)
Nguồn: http://baolamdong.vn/phapluat/202203/bao-lam-hon-19-ha-rung-bi-triet-ha-3108492/