Mạo danh công an và viện kiểm sát, các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện thoại uy hiếp tinh thần, khiến người nghe mất phương hướng, buộc cung cấp các thông tin cá nhân liên quan đến thẻ ATM để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
15 phút gọi gần 40 cuộc
Theo chị Nguyễn Thị Hoàng – nhân viên Công ty Mỹ phẩm Xuân Trang, vào ngày 14/11, khi đang trực tại cửa hàng tại TP Bảo Lộc thì chị nhận được cuộc điện thoại gọi vào số máy di động của Công ty. Số điện thoại gọi đến hiển thị là 08842438370255 và người gọi xưng là nhân viên của dịch vụ chuyển phát nhanh VNPT có văn phòng tại TP Bảo Lộc. Nội dung cuộc gọi thông báo đến nhận bưu phẩm do Công an TP Đà Nẵng gửi vào. Điều đáng nói, người gọi điện thoại biết rõ họ tên đầy đủ của chị Nguyễn Thị Hoàng và địa điểm hay nhận hàng. Do bận việc nên chị Hoàng đã tắt điện thoại. Sau đó, trong khoảng 15 phút, điện thoại của chị Hoàng liên tục nhận được thêm gần 40 cuộc cuộc gọi nhưng chị không nghe máy.
Khoảng 30 phút sau, khi nghe điện thoại thì một người phụ nữ tự xưng tên Thủy là quản lý văn phòng VNPT ở Đà Nẵng yêu cầu gặp chị Hoàng. Sau đó, người phụ nữ này kết nối gọi qua số 0236113 và bảo chị đây là số của Công an Đà Nẵng, yêu cầu chị Hoàng nói chuyện với cán bộ điều tra. “Cuộc điện thoại kéo dài gần 2 giờ. Người này tự xưng là đại úy Lê Tấn Dũng đang công tác tại lực lượng điều tra Công an Đà Nẵng. Ông Dũng thông báo với tôi hiện tại phía công an đang điều tra một tài khoản đánh bạc trên mạng xã hội thông qua thẻ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV mang tên Nguyễn Thị Hoàng. Ông Dũng nói để phục vụ công tác điều tra, do đường xá xa xôi không vào trực tiếp được nên gọi qua điện thoại thẩm vấn, lấy lời khai. Sau đó, ông yêu cầu tôi vào phòng kín để đọc biên bản lấy lời khai cho tôi nghe. Ông yêu cầu tôi cung cấp đầy đủ họ tên, ngày, tháng, năm sinh và số chứng minh nhân dân để tiện lấy lời khai. Trong quá trình trao đổi, ông Dũng liên tục nhắc đến 1 tài khoản ngân hàng VietcomBank và khẳng định được mở bằng thông tin của tôi để đánh bạc và buôn bán ma túy. Ông tiếp tục hỏi tôi rất nhiều vấn đề liên quan đến chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu như có bị đánh rơi hay không, đã làm lại chưa và số có chính xác không… khiến tâm lý tôi rất bối rối, lo lắng” – chị Hoàng kể lại.
Uy hiếp tinh thần để lấy mã OTP
Ghi âm cuộc gọi do chị Hoàng cung cấp cho thấy phần lớn thời gian, người tự xưng là công an Đà Nẵng hỏi rất nhiều vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân của chị Hoàng; hỏi về gia đình, người thân, cuộc sống, công việc hiện tại của chị Hoàng và cả gia đình. Tất cả đều được chị Hoàng khai rành mạch, đầy đủ. Đề đánh đòn tâm lý, người này giả vờ kết nối điện thoại với Bộ Công an nhờ kiểm tra thông tin cá nhân của chị Hoàng. Ngay sau đó, người này thông báo, số chứng minh nhân dân của chị Hoàng đã mở 1 tài khoản Ngân hàng BIDV tại TP Đà Nẵng liên quan đến 2 đối tượng tội phạm ma túy, rửa tiền và xác nhận chị Hoàng có liên quan trong đường dây này. “Khi tôi vừa nghe xong, đang rất lo lắng, bối rối thì người xưng là công an còn quát mắng tôi phải khai báo thành khẩn để phục vụ điều tra. Người này nói, ngoài tài khoảng BIDV, tôi còn mở một tài khoản Vietcom Bank có số tiền 6,8 tỷ đồng để thực hiện hành vi đánh bạc và buôn bán ma túy. Hiện, số tiền này đã rút mất hơn 6,6 tỷ đồng và đe dọa tôi, 2 đối tượng cầm đầu đường dây buôn bán ma túy bị bắt khai số tiền này đã nhờ tôi rút tẩu tán tài sản. Đồng thời, khẳng định toàn bộ những bằng chứng thu thập được đều bất lợi cho tôi và bên phía Viện KSND Đà Nẵng có quyết định khởi tố, bắt giam tôi để điều tra. Người này nói với tôi đây là chuyên án điều tra bí mật có liên quan hơn 500 đối tượng liên quan đến cán bộ nhà nước và trong ngành công an. Vì vậy, yêu cầu tôi không công khai với người khác, nếu bị lộ thông tin tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật” – chi Hoàng cho biết.
Sau khi đánh đòn tâm lý, kẻ lừa đảo chuyển máy cho 1 người phụ nữ và giới thiệu là đại diện Viện KSND TP Đà Nẵng tên Bùi Thị Hồng Anh. “Qua điện thoại, người phụ nữ hỏi về số tiền trong tài khoản cá nhân của tôi mở tại TP Hồ Chí Minh hiện còn bao nhiêu tiền và cần kiểm tra để đối chiếu có trong sạch hay không. Người phụ nữ này nói sẽ cấp cho tôi 1 số tài khoản ngân hàng do nhà nước giám sát để tôi chuyển tiền vào để kiểm tra. Sau đó, yêu cầu tôi chấp nhận kết bạn Zalo để thực hiện các bước theo yêu cầu như nhận và chụp màn hình những tin nhắn sẽ được chuyển qua, rồi chuyển lại. Khi tôi nhận ra thủ đoạn của các đối tượng là ăn cắp mật khẩu dùng 1 lần cho thẻ ATM sử dụng khi thanh toán qua mạng – mã OTP để rút tiền nên liền tắt máy. Rất may, tôi đã kịp thời nhận ra thủ đoạn của những kẻ lừa đảo nên không bị mất tiền oan” – chị Hoàng cho hay.
Liên quan về vụ việc, Công an TP Bảo Lộc cho biết qua làm việc với chị Hoàng cho thấy đây là hình thức lừa đảo qua mạng của tội phạm công nghệ cao. Với hình thức này, vào giữa tháng 6/2018, Công an TP Bảo Lộc đã nhận được trình báo của một người cũng bị lừa mất số tiền 22,5 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Theo Công an TP Bảo Lộc, thường thì các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại và xứng là công an, viện kiểm sát và yêu cầu người nghe phối hợp để điều tra các vụ phạm pháp. Sau khi lấy được các thông tin cá nhân cũng như mã OTP của chủ thẻ ATM, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện chuyển tiền qua các “ví” tiền mua hàng qua mạng. Từ vụ việc này, mọi người nên cảnh giác không được cung cấp các thông tin cá nhân sử dụng đăng ký thẻ ATM dưới mọi hình thức cho bất kỳ người nào. Vì đây là vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp nên đơn vị sẽ báo cáo Công an Lâm Đồng vào cuộc điều tra, xử lý.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 19/11/2019)
Link: http://baolamdong.vn/phapluat/201911/canh-giac-chieu-lua-dao-qua-dien-thoai-2974627/