Từ đơn thư phản ánh của một số bạn đọc tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng), phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận hồ sơ, làm việc trực tiếp với người phản ánh và các cơ quan liên quan, để có tuyến bài phản ánh, với mong muốn các vụ việc này sớm được giải quyết một cách ‘thấu tình, đạt lý’, tránh ‘cái sảy nảy cái ung’.
Phấn đấu cả năm học 2017-2018, cô Phạm Thị Hiền (giáo viên Anh văn, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) mới “lọt” được vào danh sách Lao động tiên tiến của trường. Trong khi đồng nghiệp đã được nhận khen thưởng cả năm trời nay, thì cô giáo này vẫn phải tiếp tục đợi xem xét…
Theo đơn phản ánh của giáo viên Phạm Thị Hiền gửi đến Doanh nghiệp Việt Nam, trên cơ sở quy định về tiêu chuẩn danh hiệu Lao động tiên tiến, ngày 16/5/2018, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã lập danh sách gửi lên Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc, để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2017-2018 cho 49 cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường, trong đó có cô.
Đến đầu năm học 2018-2019, trong khi các đồng nghiệp được đón nhận danh hiệu thi đua khen thưởng của năm học 2017-2018, thì cô giáo này mới ngỡ ngàng biết mình đã bị cắt danh hiệu Lao động tiên tiến mà không biết lý do vì sao.
Cô Hiền mang thắc mắc này lên hỏi Ban Giám hiệu nhà trường; đồng thời gửi đơn đến ngành chức năng TP. Bảo Lộc đề nghị xem xét và yêu cầu có câu trả lời thõa đáng.
Sự việc tưởng chừng sẽ được rà soát, giải quyết, trả lời một cách nhanh chóng bằng các căn cứ, “ba rem” theo quy định của Luật Thi đua khen thưởng. Thế nhưng cho đến nay, thời gian kéo dài đã hơn một năm, sau nhiều lần làm đơn phản ánh, kiến nghị, cô Hiền vẫn chưa nhận được sự giải quyết dứt điểm và câu trả lời “thấu tình đạt lý” từ các đơn vị hữu quan của UBND TP. Bảo Lộc.
Để làm rõ thông tin phản ánh của giáo viên Phạm Thị Hiền và một số vấn đề liên quan đến ngành giáo dục địa phương, mới đây, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với đại diện Thành ủy, UBND TP. Bảo Lộc và các cơ quan ban ngành liên quan, do ông Dương Kim Viên, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Bảo Lộc, chủ trì.
Theo đại diện Ủy ban kiểm tra (UBKT) Thành ủy Bảo Lộc, sau khi nhận được phản ánh của giáo viên Phạm Thị Hiền tại buổi tiếp công dân, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu đã giao cho UBKT Thành ủy kiểm tra lại quy trình xét danh hiệu thi đua của bà Hiền để trả lời công dân và báo cáo Thường trực Thành ủy.
Sau khi rà soát, kiểm tra lại hồ sơ vụ việc, ngày 08/8/2019, UBKT Thành ủy Bảo Lộc đã có Thông báo số 21-TB/UBKT Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Phạm Thị Thanh Hương – Thành ủy viên, Bí thư chi bộ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Bảo Lộc (phần liên quan đến phản ánh của cô Phạm Thị Hiền).
Theo đó, sau khi tiếp nhận danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua năm học 2017-2018 từ các trường gửi lên, ngày 17/7/2018, Hội đồng thi đua khen thưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP.Bảo Lộc đã tiến hành họp xét.
Trong Biên bản cuộc họp này, Hội đồng thi đua khen thưởng của Phòng đã đưa cô giáo Phạm Thị Hiền ra khỏi danh sách đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận Lao động tiên tiến.
Tuy nhiên: “Khi đưa cô giáo PhạmThị Hiền ra khỏi danh sách công nhận Lao động tiên tiến nhưng không nêu lý do”, kết luận của UBKT Thành ủy Bảo Lộc, chỉ ra sai sót.
Không những thế: “Theo biên bản cuộc họp thì hội nghị không thể hiện ý kiến của các thành viên dự họp, không biểu quyết thông qua, nhưng đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, vẫn ký vào biên bản và không đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho cô giáo Phạm Thị Hiền”.
Giải trình về việc này, bà PhạmThị Thanh Hương cho rằng, việc không kiến nghị cấp trên công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho cô Hiền là vì cô này đã có những hành vi ứng xử, lời nói không chuẩn mực trong các buổi tiếp dân tại phòng tiếp dân của UBND TP. Bảo Lộc(?)
Tuy nhiên, theo UBKT Thành ủy Bảo Lộc, việc bà Hương viện dẫn vào các lý do trên để không công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho cô giáo Phạm Thị Hiền là không đúng quy định.
Bởi vì: “Qua thẩm tra, xác minh cho thấy, cô Hiền đã đến phòng tiếp dân của thành phố là để được biết kết quả giải quyết đơn tố cáo của cô, trong lúc bức xúc, cô Hiền đã có những lời nói to, không tế nhị với công chức tiếp dân”.
“Việc đồng chí Phạm Thị Thanh Hương không đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cho cô giáo Phạm Thị Hiền là trái với quy định tại Khoản 1, Điều 24 Luật thi đua khen thưởngsửa đổi năm 2013”, kết luận của UBKT Thành ủy Bảo Lộc khẳng định.
Từ đó, UBKT Thành ủy Bảo Lộc đã yêu cầu bà Phạm Thị Thanh Hương: “Tổ chức họp Hội đồng thi đua khen thưởng của Phòng Giáo dục và Đào tạo để đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến của năm học 2017-2018 cho cô Phạm Thị Hiền”.
Còn đối với Hội đồng thi đua khen thưởng TP. Bảo Lộc, UBKT Thành ủy Bảo Lộc yêu cầu: “Công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2017-2018 cho cô Phạm Thị Hiền – giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi”.
Điều đáng nói, từ khi có kết luậnvà yêu cầu của UBKT Thành ủy Bảo Lộc đến nay, đã gần một tháng trôi qua, tuy ngành chức năng của UBND TP. Bảo Lộc cũng đã tổ chức họp xem xét lại vụ việc, nhưng việc giáo viên Phạm Thị Hiền có được công nhận đạt danh hiệu Lao động tiên tiến năm học 2017-2018 hay không, vẫn đang còn bỏ ngỏ.
Khoản 1, Điều 24, Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi năm 2013 quy định, danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng cho cán bộ, công chức, viên chức đạt các tiêu chuẩn sau:
– Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;
– Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;
– Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;
– Có đạo đức, lối sống lành mạnh.
Viên Hữu (Báo Doanh Nghiệp, 03/09/2019)