Sau 6 năm ấp ủ ý tưởng, một “sếp lớn” của ngân hàng đã chi nhiều tỷ đồng để xây dựng và kinh doanh một quán cà phê với diện tích lên đến 4.000m2 tại Bảo Lộc, Lâm Đồng.

“Bài thơ đầu tôi viết tặng cho em. Là bài thơ tôi viết về đôi dép. Khi nỗi nhớ ở trong lòng da diết. Những vật tầm thường cũng viết thành thơ. Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ. Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước. Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược. Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau.”

Đó là những câu thơ trong bài thơ “Đôi Dép” của tác giả Nguyễn Trung Kiên mà chắc hẳn rất nhiều người thuộc lòng. Từng câu, từng chữ trong bài thơ đều mang ý nghĩa nhân văn mà sâu sắc, giúp người đọc cảm nhận được và có niềm tin về một tình yêu đích thực trên đời.

Và bài thơ này cũng thắp lên ý tưởng cho một doanh nhân vốn đang kinh doanh tài chính và khá có tiếng trong giới ngân hàng rẽ ngang sang một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ – kinh doanh cà phê.

Kinh doanh vì đam mê

Có dịp ngồi bên ly cà phê chiều cuối năm tại quán cà phê Đôi Dép (ở Bảo Lộc, Lâm Đồng) người viết được chính ông chủ của thương hiệu cà phê này chia sẻ về cơ duyên đến với nghề mới.

Vốn là người tình cảm và sống trọng cái “tình”, nên ông rất muốn làm một thứ gì đó không liên quan hoàn toàn tới các con số khô khan, mà thể hiện được tình cảm của con người với nhau. Ông cũng muốn mình tạo ra được một địa điểm để mọi người, từ bạn bè cũ, các em học sinh, sinh viên, người dân trong vùng cho tới lớp doanh nhân, các văn nghệ sĩ…, có thể gặp mặt nhau thường xuyên. Nhân một lần đọc được bài thơ Đôi Dép, mong ước ấy lại càng cháy bỏng và ông chợt nảy ra ý định sẽ kinh doanh một quán cà phê mang thương hiệu như chính ý nghĩa nhân văn của bài thơ mang lại.

Thế là năm 2008, ông quyết định đăng ký nhãn hiệu cà phê Đôi Dép. Song nghề chính là làm ngân hàng cũng rất vất vả, nên ông đành phải tạm gác lại một thời gian, đến năm 2014 ông mới quyết tâm thực hiện. Sau 2 năm miệt mài tìm kiếm địa điểm rồi thi công xây dựng, đến cuối năm 2016 quán cà phê đã đi vào hoạt động trên mảnh đất chính quê hương của ông.

dep3

Mỗi ngày, khách hàng đến với cà phê Đôi Dép của ông tới hàng nghìn lượt người. Vì lượng khách đông nên riêng các nhân viên phục vụ cũng lên đến gần 50 người mỗi ca (ngày 2 ca).

Về khoản đầu tư vào quán cà phê này ra sao, ông chủ không tiết lộ chi tiết nhưng ước tới hàng tỷ đồng. Với lượng khách đến đông như thời gian qua, ông tính toán doanh thu khoảng vài chục triệu đồng mỗi ngày và lợi nhuận cũng không dưới 30%.

Không bỏ ngân hàng nhưng sẽ làm mạnh du lịch

Nói thêm về điểm kinh doanh cà phê hiện nay, ông chủ này cho biết không có ý định chỉ kinh doanh đơn thuần là cà phê, thứ mà ông muốn làm đó là du lịch. Chính vì thế ngay từ khi bắt tay vào làm, ông đã phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm địa điểm rộng để biến ý tưởng trở thành hiện thực. Mục đích của ông là khách hàng đến không chỉ thưởng thức cà phê nguyên chất – đặc sản của Lâm Đồng, mà còn được thư thái ngắm cảnh thiên nhiên.

Ngoài quán cà phê đầu tiên ở Bảo Lộc Lâm Đồng, ông cũng có ý định sẽ mở rộng hệ thống sang Tp. Hồ Chí Minh và Nha Trang, nơi không chỉ có đông khách hàng đam mê cà phê mà còn có lượng khách du lịch cũng rất lớn. Với mỗi địa điểm, ông cũng đặt mục tiêu về không gian lên hàng đầu, phải có diện tích đủ rộng từ 4.000m2 trở lên.

Khi đề cập đến chuyện kinh doanh ngân hàng ngày càng khó khăn do áp lực cạnh tranh rồi những rủi ro khó lường, có lúc nào ông nghĩ sẽ bỏ nghề hay không, vị sếp ngân hàng này cho biết làm nghề gì cũng là cái duyên. Với nghiệp ngân hàng mà ông đã gắn bó gần hai chục năm, ông tin đó là cái duyên và vẫn định theo nghiệp này cho đến lúc nào…hết duyên thì thôi.

Còn với cà phê và du lịch, chắc chắn ông sẽ vẫn theo đuổi và nếu có cơ hội thì đầu tư mạnh hơn nữa vì vừa thỏa mãn đam mê của ông lại vừa đem lại lợi nhuận hơn rất nhiều các khoản đầu tư khác.

Tùng Lâm (Theo Trí Thức Trẻ)