Gần 2 tháng qua, 2 hộ dân là bà Ðỗ Thị Sánh và Hoàng Thị Ánh Hồng (ngụ tại Hẻm 35/6/5, Nguyễn Thị Minh Khai, phường B’Lao, TP Bảo Lộc) lâm vào cảnh khốn khổ vì bị hàng xóm rào đường đi. Hàng ngày, 9 người trong 2 gia đình phải xin đi nhờ qua sân nhà hàng xóm, thậm chí nhiều khi phải lội qua suối để đi lại.
Tranh chấp kéo dài hơn 15 năm
Cho rằng con đường tại Hẻm 35/6/5, mà 2 hộ dân đang đi lại có chiều dài 30 m và chiều rộng 3 m thuộc phần đất của mẹ mình là bà Nguyễn Thị Hẹ (đã mất) nên ngày 2/2/2019, vợ chồng ông Nguyễn Tá Lâm và Nguyễn Thị Lê đã dùng thép gai, lưới B40 rào lại. Việc làm này, đã đẩy 2 hộ dân là bà Sánh và bà Hồng lâm vào cảnh khốn khổ trăm bề.
Bà Đỗ Thị Sánh phản ánh: “Gần 30 năm qua, đây là tuyến đường duy nhất mà 2 hộ dân chúng tôi đi lại. Thế nhưng, suốt 2 tháng qua bị gia đình ông Lâm bịt lại khiến cuộc sống của chúng tôi bị đảo lộn nghiêm trọng. Không có đường đi lại, buộc vợ chồng con trai tôi phải chuyển ra ngoài thuê trọ ở để tiện đi lại buôn bán và các cháu học hành. Tôi tuổi đã cao nhưng vì nhà cửa, tài sản của gia đình nên phải ở lại bám trụ. Có hôm, đang nấu dở nồi canh thì hết gas, gọi người ta chở đến nhưng không có đường đưa gas vào, khổ sở vô cùng…”.
Chung cảnh ngộ với gia đình bà Sánh là gia đình bà Hoàng Thị Ánh Hồng. Theo bà Hồng, sau khi đường bị rào, 2 gia đình phải xin đi nhờ qua sân của gia đình bà Dung bên cạnh. “Từ ngày 28 Tết Nguyên đán, chúng tôi phải tới năn nỉ bà Dung cho đi nhờ qua sân. Đi được 15 ngày thì bà Dung thấy bất tiện nên không cho đi nữa. Không có đường đi lại, chúng tôi đã lên UBND phường B’Lao và TP Bảo Lộc cầu cứu. Trong thời gian chờ phường giải quyết, nguyên 1 tuần, 2 gia đình chúng tôi phải leo qua rào và lội qua con suối phía sau để ra đường lớn” – bà Hồng nói về những khó khăn.
Chứng kiến cảnh 2 gia đình hàng xóm hàng ngày phải lội suối đi lại, bà Út đã mở rào cho đi nhờ qua sân nhà mình. Bà Út cho hay: “Ngày ngày, thấy 9 con người trong 2 gia đình hàng xóm phải lội suối đi lại khổ cực, nên tôi phá rào cho đi tạm vào sân. Nhưng tôi cũng chỉ cho đi hết tháng 3 này là tôi sẽ rào lại… chứ cho họ đi mãi, bất tiện lắm”.
Những tài liệu liên quan đến vụ việc này đang được lưu giữ tại UBND phường B’Lao cho thấy, việc tranh chấp con đường giữa các bên đã xảy ra từ năm 2003 và kéo dài đến nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Chính quyền đang bất lực
Năm 1993, gia đình ông Lê Văn Tổng (đã mất) và bà Đỗ Thị Sánh mua lại nhà và đất của ông Võ Thanh. Phần đất này được xác định là của vợ chồng ông Nguyễn Lợi và bà Nguyễn Thị Hẹ cho ông Thanh. Khi gia đình ông Tổng mua lại đất từ ông Thanh, bà Hẹ cũng đã viết giấy tay với nội dung “nhường đường đi” cho gia đình ông Tổng. Con đường có chiều dài 17 m và chiều rộng 1,86 m. Đối với phần đất gia đình bà Hồng, được gia đình bà mua lại của ông Nguyễn Đức Tọa vào năm 1989. Trước đó, phần đất này được gia đình ông Tọa chuyển nhượng lại từ gia đình bà Hẹ. Năm 2003, giữa bà Hẹ và 2 gia đình bà Sánh, bà Hồng đã xảy ra tranh chấp đường đi và kéo dài đến nay.
Trong các lần xảy ra tranh chấp, chính quyền và cơ quan chức năng từ cơ sở đến tỉnh đã vào cuộc xử lý. Theo đó, Quyết định số 1267 ngày 27/9/2006 của Chủ tịch UBND thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc) và Quyết định số 1469 ngày 4/6/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đều khẳng định: Phần đất đường đi bà Hẹ đang tranh chấp với bà Hồng và bà Sánh là con đường đi chung chưa cấp GCNQSDĐ cho ai. Điều này, được chứng minh qua bản đồ và hồ sơ địa chính của TP Bảo Lộc đo vẽ vào năm 1995.
Năm 2012, bà Hẹ khởi kiện Quyết định số 1469 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ra Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng. Qua 2 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng và TAND Tối cao TP Hồ Chí Minh tại các bản án số 07 và số 38 đều bác yêu cầu khởi kiện của bà Hẹ.
Từ đơn kháng cáo bản án phúc thẩm số 38 của gia đình bà Hẹ, ngày 8/5/2015, Giám đốc thẩm TAND Tối cao đã ban hành Quyết định số 06 và nêu rõ: “Chủ tịch UBND TX Bảo Lộc ra Quyết định số 1267 và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 1469 để giải quyết tranh chấp là không đúng thẩm quyền. Do đó, cần phải hủy bản án phúc thẩm số 38 để xét xử lại. Nếu hộ bà Sánh và bà Hồng không có lối đi nào khác thì theo quy định tại Điều 275 (Bộ luật Hình sự) có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu chủ sở hữu đất liền kề dành cho 1 lối đi ra đường công cộng”.
Ông Đặng Quang Giàu – Chủ tịch UBND phường B’Lao, khẳng định: “Tất cả các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc đều chứng minh đây là con đường đi chung. Điều này được thể hiện rất rõ trên bản đồ và hồ sơ địa chính của UBND TP Bảo Lộc được lập vào năm 1995. Do đó, việc gia đình ông Lâm cho rằng đường đi thuộc phần đất của gia đình mình và rào lại là không có cơ sở”.
Ngày 19/2/2019, ông Nguyễn Quốc Bắc – Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã ban hành Công văn số 219: Yêu cầu hộ ông Lâm tự tháo dỡ hàng rào, các vật cản trở để đảm bảo giao thông tại Hẻm 35/6/5 Nguyễn Thị Minh Khai. “Trong quá trình thực hiện Công văn chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, xét thấy Quyết định của Giám đốc thẩm TAND Tối cao còn đó những vấn đề chưa được giải quyết buộc chúng tôi phải tạm ngưng. Vì vậy, địa phương mong muốn UBND TP Bảo Lộc cần nhanh chóng có biện pháp cưỡng chế buộc gia đình ông Lâm trả lại con đường hiện hữu cho người dân đi lại, ổn định cuộc sống” – ông Giàu cho hay.
Hải Đường (Báo Lâm Đồng, 27/03/2019)