Thời gian qua, một công ty chuyên về các sản phẩm gia dụng đã mang danh Bộ Công thương tổ chức hội thảo giới thiệu và bán sản phẩm tại TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Điều đáng nói là các sản phẩm này đều không có nhãn hiệu hàng hóa, không rõ nguồn gốc xuất xứ và giá bán mỗi nơi một khác.
Giá “trên trời”
Tối 17/9/2016, Công ty TNHH XNK Gia dụng Đông Á (địa chỉ tại 19A/253 Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm chảo điện đa năng OSAKA tại hội trường tổ dân phố 3 (phường II, TP Bảo Lộc). Trực tiếp đứng ra giới thiệu sản phẩm này và nhiều sản phẩm khác là một người đàn ông trung niên cùng nam thanh niên khác chuyên giao sản phẩm và thu tiền khi có người mua. Tham gia buổi giới thiệu sản phẩm này có rất nhiều người dân địa phương, chủ yếu là phụ nữ trung niên và cao tuổi. Tại buổi hội thảo, một màn hình lớn được chiếu lên để giới thiệu hình ảnh, giá cả sản phẩm và ghi rõ: “Giá hỗ trợ của Bộ Công thương và nhà sản xuất”. Ngoài chảo điện đa năng OSAKA, Công ty Đông Á còn bán nhiều sản phẩm khác, như: đèn năng lượng, ổ cắm điện chống nước và cả thuốc trị bệnh đau xương khớp, chống say tàu xe (!?). Nhân viên giới thiệu sản phẩm thao thao bất tuyệt về tính năng, chất lượng sản phẩm và luôn miệng mời chào người dân “ứng dụng” các sản phẩm. Thậm chí, để tạo lòng tin, người của Công ty Đông Á còn ngâm hẳn ổ cắm điện vào xô nước rồi nối với nguồn điện. Ban đầu, chảo điện đa năng OSAKA được ra giá 1.650.000 đồng nhưng đến cuối buổi thì giá lập tức giảm xuống chỉ còn 1.450.000 đồng. Trong khi đó, giá chính thức của sản phẩm này được niêm yết trên trang web của Công ty là 2.150.000 đồng. Các sản phẩm khác như: Ổ điện chống nước được bán với giá 150.000 đồng, đèn năng lượng giá 120.000 đồng và thuốc trị đau xương khớp giá 100.000 đồng. Đáng nói hơn tất cả các sản phẩm này đều không có bất kỳ thông tin nào về nhãn hàng, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, thời gian bảo hành, hướng dẫn sử dụng… Khi được hỏi thì nhân viên bán hàng nói đây là các sản phẩm do Công ty sản xuất và khi cần bảo hành thì liên hệ với nhân viên bảo hành Võ Văn Tín được cho là người đang trực tiếp giới thiệu sản phẩm kèm theo số điện thoại 0919375xxx. Kết thúc buổi hội thảo, nhiều sản phẩm đã được bán ra, những người tham gia khi ra về đều nhận được một món quà là chai dầu gội đầu. Ngày 24/9, khi liên hệ với ông Tín theo số điện thoại để hỏi về việc bảo hành chảo điện chống dính OSAKA, ông Tín khẳng định sản phẩm luôn được bảo hành 12 tháng và sẽ cho nhân viên liên hệ lại để bảo hành tại nhà.
Trước đó, ngày 1/9, Công ty Đông Á cũng đã tổ chức giới thiệu các sản phẩm tương tự tại hội trường thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm) với sự tham gia của hơn 200 người dân địa phương. Người giới thiệu sản phẩm tại buổi này là một phụ nữ, cùng phụ việc còn có 3, 4 nam thanh niên. Nhiều sản phẩm cũng được bán ra trong ngày tổ chức hội thảo, như: Bếp hồng ngoại (giá 2.950.000 đồng, tặng kèm nồi cơm điện 1.8L), vòi sen giá 250.000 đồng. Điều đáng lưu ý là ổ cắm điện chống nước (giống loại bán tại Bảo Lộc) được bán lên tới giá 300.000 đồng, còn đèn năng lượng bán 100.000 đồng. Cuối buổi, những người tham gia được tặng 1 bộ dao gọt củ quả. Bà Danh Thị Pha (người dân tổ dân phố 9, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) cho biết: Vì có giấy mời do ông tổ trưởng đi đưa trực tiếp nên người dân rất tin tưởng. Khi đến tham dự thì thấy hội thảo được tổ chức rất hoành tráng nên người dân chúng tôi càng tin và rất nhiều người đã mua sản phẩm. Khi tôi thắc mắc về việc bảo hành thì cô bán hàng nói sản phẩm rất chất lượng nên không cần bảo hành. Tất cả các giấy mời đều được phía Công ty thu hồi lại ngay khi vào cổng và trong giấy mời quy định rõ người tham gia phải trên 25 tuổi và không mang kèm trẻ em”.
Bán hàng “chui”
Theo văn bản ngày 11/7/2016 của Sở Công thương Lâm Đồng, Công ty Đông Á được tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm chảo điện chống dính OSAKA trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ ngày 11/7 đến ngày 31/12/2016. Để được tổ chức hội thảo, Sở Công thương yêu cầu Công ty Đông Á phải thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm cụ thể đến chính quyền địa phương trước khi tổ chức hội thảo để kiểm tra và giám sát việc thực hiện; hàng hóa trưng bày, giới thiệu phải là hàng hóa kinh doanh hợp pháp trên thị trường, tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa… Đặc biệt, trong hội thảo, Công ty không được tổ chức bán sản phẩm trực tiếp cho khách hàng tham dự. Mặc dù quy định như vậy nhưng trên thực tế, có rất nhiều kẽ hở trong công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền các địa phương. Và, dù chỉ được giới thiệu về chảo điện chống dính nhưng Công ty Đông Á lại giới thiệu và bán kèm nhiều sản phẩm khác. Theo ông Lê Ngọt – (Tổ trưởng Tổ dân phố 9, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm), khi trên thị trấn đưa giấy mời xuống thì ông chỉ biết chấp hành đi phát cho người dân. Còn việc tổ chức hội thảo như thế nào, bán sản phẩm ra sao ông không được biết. Khi đi phát khoảng 50 giấy mời cho người dân trong tổ, ông được trả thù lao 50.000 đồng. Còn ông Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Thắng cho biết: “Về nguyên tắc, khi có văn bản của Sở Công thương thì thị trấn mới đồng ý để Công ty tổ chức hội thảo và yêu cầu không được bán sản phẩm trực tiếp. Trong quá trình tổ chức, chính quyền địa phương đều yêu cầu các tổ trưởng tổ dân phố tham gia để giám sát và bố trí dân quân để đảm bảo trật tự”. Thế nhưng, trên thực tế thì Công ty này vẫn ngang nhiên bán hàng “chui” và còn “qua mặt” cả UBND huyện Bảo Lâm. Vì theo ông Trịnh Xuân Thảo, Chánh Văn phòng UBND huyện Bảo Lâm, việc Công ty Đông Á tổ chức hội thảo tại thị trấn Lộc Thắng hoàn toàn không thông qua UBND huyện dù theo nguyên tắc buộc phải có. Trong khi đó, UBND thị trấn Lộc Thắng cũng không báo cáo về việc tổ chức hội thảo của Công ty này.
Tương tự, tại TP Bảo Lộc, Công ty Đông Á đã trực tiếp đến phường II mà không thông qua Phòng Kinh tế Bảo Lộc là đơn vị quản lý trực tiếp về lĩnh vực này. Ông Vũ Thành Công, Phó Phòng Kinh tế Bảo Lộc cho biết: “Khi Công ty có văn bản đề nghị được tổ chức hội thảo, Phòng Kinh tế đã yêu cầu Công ty làm việc với các phường, xã về thời gian và địa điểm tổ chức để làm cơ sở cho Phòng Kinh tế thống nhất về chương trình tổ chức hội thảo của Công ty. Sau đó, Phòng có đồng ý cho Công ty Đông Á tổ chức hội thảo tại thôn Tân Bình I, xã Lộc Thanh vào ngày 3/9/2016. Còn việc tổ chức tại tổ dân phố 3 (phường II) vào ngày 17/9, phía Công ty không thông qua phòng. Các buổi hội thảo đều được Phòng Kinh tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách thông báo với Đội Quản lý thị trường, Công an kinh tế để theo dõi, kiểm tra hàng hóa giới thiệu tại hội thảo có đảm bảo các điều kiện quy định của pháp luật. Việc Công ty không thông qua phòng và trực tiếp bán sản phẩm là sai quy định”.
Ngoài TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, Công ty Đông Á cũng đã tổ chức nhiều buổi giới thiệu và bán sản phẩm tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 27/09/2016)