Tuyến đường dân sinh độc đạo mà hàng chục hộ dân xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) đi vào khu sản xuất đang bị sạt lở, đứt gãy do hoạt động khai thác đá của mỏ đá Lâm Phần. Chính quyền, cơ quan chức năng đang vào cuộc để tìm hướng giải quyết đảm bảo cuộc sống, sản xuất cho người dân.

Con đường độc đạo mà hàng chục hộ dân lưu thông vào khu sản xuất bên cạnh mỏ đá Lâm Phần (Thôn 5, xã Đại Lào) đang sạt lở nghiêm trọng

• NGUY HIỂM RÌNH RẬP

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân hai thôn 4 và 5 (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc), con đường độc đạo mà hàng chục năm nay bà con vận chuyển nông sản, phân bón ra vào khu sản xuất bên cạnh mỏ đá Lâm Phần (thuộc Công ty TNHH Lâm Phần) đang bị sụt lún, sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng đường bị sạt lở, đứt gãy là do hoạt động đào múc, khai thác đá của mỏ đá Lâm Phần.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, tình trạng sạt lở đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng ăn sâu và kéo dài hàng chục mét trên con đường người dân đang đi lại vào khu sản xuất mỗi ngày. Sạt lở khiến mặt đường bị rạn nứt nhiều đoạn và có nguy cơ tiếp diễn ra. Không những vậy, qua đoạn đường này còn có vách đá cheo leo cao hàng chục mét. Tại đây, có vô số những tảng đá lớn, nhỏ treo lơ lửng trên đầu người dân khi lưu thông qua lại trên con đường này.

Dưới con đường đang sạt lở là vực sâu hàng chục mét của mỏ đá rình rập nguy hiểm đối với người dân lưu thông qua lại

Ông Mai Công Thành, một người dân có đất sản xuất trong khu vực này, phản ánh: “Trong khu sản xuất của người dân chúng tôi đang có hơn 30 hộ dân, với khoảng 100 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đất sản xuất trong khu vực này được bà con chúng tôi khai hoang từ những năm 90 của thể kỷ 20 và sản xuất ổn định đến nay. Từ đó đến nay, chỉ có 1 con đường mòn duy nhất để người dân vận chuyển nông sản, phân bón ra vào khu sản xuất. Thế nhưng, thời gian qua, hoạt động khai thác đá của Công ty Lâm Phần cứ dần dần lấn vào đường đi của người dân chúng tôi gây sạt lở”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Thiển, lo lắng: “Con đường mà người dân chúng tôi đi lại hàng chục năm qua nằm ngay trên đỉnh mỏ đá của Công ty Lâm Phần. Giờ đây đường bị sạt lở nằm cheo leo trên vách bờ taluy âm của mỏ đá cao hàng chục mét. Hiện tại, đường đang sạt lở, nhưng đây là con đường duy nhất để chúng tôi đi lại vào khu sản xuất. Chúng tôi vẫn biết nguy hiểm luôn rình rập, nhưng hàng ngày để vào khu sản xuất không có con đường nào khác”.

Vách đá dựng đứng cao hàng chục mét, với nhiều tảng đá treo lở lửng trên đầu người dân khi lưu thông vào khu sản xuất

• CẦN CÓ ĐƯỜNG MỚI ĐỂ NGƯỜI DÂN ĐI LẠI

Từ ngày 10/8, sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND xã Đại Lào đã trực tiếp kiểm tra, xác minh tình trạng sạt lở tại con đường này. Thông qua việc kiểm tra, UBND xã Đại Lào đã tiến hành cắm biển cảnh báo hạn chế việc lưu thông qua lại của người dân để đảm bảo an toàn, phòng nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.

Ông Phạm Công Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: “Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng sạt lở đang xảy ra trên con đường cạnh mỏ đá Lâm Phần là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là con đường độc đạo để người dân đi vào khu sản xuất nên địa phương không thể cấm lưu thông. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở bà con đi lại đảm bảo an toàn. Chính quyền địa phương cũng đã làm việc với người dân và chủ Công ty Lâm Phần để thống nhất phương án làm đường mới cho người dân đi lại. Tuy nhiên, về phía người dân và Công ty chưa có được tiếng nói chung, nên chưa thể giải quyết”.

Qua trao đổi, ông Lê Ích Phần – Chủ Công ty Lâm Phần, cho hay: “Phạm vi mỏ đá của Công ty được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép với tổng diện tích 9,9 ha. Trong phạm vi mỏ đá mà chúng tôi được cấp, không thể hiện tuyến đường dân sinh nào cả. Tuy nhiên, thời gian qua, trong quá trình người dân đi lại vào khu sản xuất, chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để bà con đi lại. Hiện tại, Công ty đang kiến nghị UBND TP Bảo Lộc và các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đo vẽ, xác định lại ranh giới của mỏ đá. Sau khi có kết quả, nếu hoạt động khai thác của mỏ đá lấn qua đất người dân thì chúng tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm. Trước mắt, chúng tôi đã kiến nghị UBND xã Đại Lào vận động hộ dân có đất sản xuất bên cạnh mỏ đá hiến đất để làm đường cho bà con đi lại đảm bảo an toàn. Nếu người dân hiến đất thì mọi chi phí làm đường và đền bù cây trồng cho người dân sẽ được chúng tôi cam đoan chịu toàn bộ”.

Khu sản xuất với hơn 100 ha trồng cà phê, chè của người dân đang rất cần một con đường đi lại an toàn

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga, người dân có đất sát bên cạnh mỏ đá lại khẳng định: “Sau khi đường bị sạt lở, đại diện Công ty đã xuống gặp và đưa 10 triệu đồng để gia đình tôi hiến đất làm đường. Nhưng vì trước đây, mỏ đá đã từng lấn vào đường và gia đình tôi đã hiến đất để người dân cùng đi lại nên gia đình tôi không đồng ý. Việc hiến đất làm đường cho bà con đi lại là trong tầm tay của gia đình tôi. Tuy nhiên, do đường sạt lở quá nghiêm trọng, nên chúng tôi cần một con đường mới an toàn hơn”.

Còn ông Nguyễn Trọng Dũng mong muốn: “Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền, cơ quan chức năng các cấp nhanh chóng vào cuộc kiểm tra để có biện pháp giải quyết mở con đường mới cho bà con đi lại an toàn”.

Ông Thân Nguyễn Vĩnh Thắng – Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: “Sau khi làm việc với Công ty và đại diện các hộ dân, UBND xã đã có báo cáo trình UBND TP Bảo Lộc để xem xét có hướng giải quyết đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân. Quan điểm của địa phương là kiến nghị UBND thành phố có phương án để tạo lập con đường mới cho bà con đi lại lâu dài vào khu sản xuất. Vì hiện trạng sạt lở tại con đường hiện hữu là quá nguy hiểm, không đảm bảo an toàn lâu dài”.

Hải Đường (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202308/mo-da-gay-sat-lo-duong-vao-khu-san-xuat-cua-nguoi-dan-77d0634/