Xây dựng chợ mới nhưng quầy sạp ít hộ dân vào kinh doanh buôn bán, chợ ế ẩm, vắng bóng khách hàng. Trong khi chợ cũ gần đó đã vận động di dời nhiều năm qua người dân vẫn tổ chức họp chợ. Hai điểm chợ chỉ cách nhau chừng 200 m nhưng quang cảnh bán, mua trái ngược nhau hoàn toàn.

Chợ Bảo Lộc với nhiều quầy sạp khóa cửa, không có tiểu thương kinh doanh, buôn bán, chợ vắng khách

Chợ Bảo Lộc tọa lạc tại số 1, đường Nguyễn Công Trứ, Phường 1, TP Bảo Lộc, khánh thành đưa vào sử dụng tháng 7/2015. Chợ có tổng diện tích 50.000 m2, diện tích sàn xây dựng 15.000 m2, quy mô hơn 700 quầy sạp, riêng tầng trệt diện tích 10.000 m2 với 450 quầy, sạp.

Theo Ban Quản lý chợ Bảo Lộc, thực tế hiện nay chỉ có gần 400 quầy sạp là có tiểu thương kinh doanh, buôn bán; số còn lại khóa chặt cửa hay trở thành kho chứa đồ đạc, hàng hóa. Tình trạng buôn bán ế ẩm, vắng khách đã khiến nhiều tiểu thương lo lắng, ngán ngẩm. Chợ chỉ đông từ 11 giờ đêm đến 8 giờ sáng, với vai trò là một khu chợ phân phối về các mặt hàng thịt, cá, hải sản, rau, củ, quả. Ban Quản lý chợ cũng đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn rằng chợ hoạt động không hiệu quả.

Bà Phạm Thị Tươi bán mặt hàng giày dép tại chợ cho hay, cả tuần qua bà không bán được mặt hàng nào. Nhưng vẫn phải mở quầy, sáng đi chiều về vì gia đình đã đầu tư tiền bạc vào quầy sạp này. Tại các quầy bán vải, quần áo, mũ nón cũng chung cảnh ế ẩm, vắng bóng người mua hàng. Nhiều tiểu thương bán quần áo cho biết hàng tồn kho nhiều, chợ vắng khách nên quầy nào cũng mở muộn và đóng cửa sớm.

Một nhân viên của Ban Quản lý chợ cho biết, nhiều quầy sạp ở tầng lầu từ ngày xây dựng đến nay chưa có một tiểu thương nào đăng ký kinh doanh, buôn bán. Riêng tại những sạp mặt tiền đường Nguyễn Công Trứ thì chỉ có vài ba quầy sạp mở cửa, còn nguyên cả dãy vẫn khóa từ nhiều năm nay.

Bỏ ra tiền tỷ để hợp đồng 2 quầy mặt tiền nhìn ra đường Nguyễn Công Trứ nhưng chủ cửa hàng điện thoại di động Thành Tín cũng rơi vào cảnh khó khăn khi khách hàng thưa dần. Chủ cửa hàng cũng không hiểu nguyên nhân vì sao khi chuyển từ chợ cũ sang chợ mới lại vắng khách, ế ẩm như vậy.

Nghịch lý của cảnh mua, bán giữa chợ mới và chợ cũ được kể qua câu chuyện của chủ tạp hóa Châu Thư. Chủ quầy cũng không hiểu tại sao khi mua, bán ở chợ cũ thì phải thuê nhân viên, hàng bán không kịp cho khách nhưng vào chợ mới thì khách thưa dần.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự vắng bóng khách hàng ở chợ Bảo Lộc chính là quang cảnh đìu hiu của các bãi giữ xe. Bà Lâm Thị Huyền thuê lại bãi giữ xe ngay cổng chính vào chợ cho biết, mình thuê lại bãi với giá 8 triệu đồng/tháng. Thời gian trước, bà thuê một nhân viên trông giữ với lương 6 triệu đồng/tháng. Quá ế ẩm, bà đành cho nhân viên nghỉ việc, tự mình cùng cháu nội ra trông coi để kiếm từng đồng qua ngày. Hiện tại, chợ có 4 bãi trông giữ xe nhưng ở bãi nào nhân viên cũng cho biết rất vắng khách.

Bà Huyền chỉ tay về bãi giữ xe của mình cho biết: “Toàn xe máy của tiểu thương ở chợ gửi theo tháng để vào buôn bán, còn một dãy nằm giữa là của khách hàng, vỏn vẹn có 8 chiếc xe máy trong buổi sáng nay. Nhiều nhất là những ngày cuối tuần với khoảng 70 xe máy, còn ngày thường thì từ 30 đến 40 xe máy”.

Chợ mới được xây dựng khang trang, rộng rãi nhưng vắng bóng khách hàng, tiểu thương lo lắng vì tình trạng buôn bán ế ẩm. Trong khi cách đó chừng 200 m, là khu vực chợ cũ, đã được giải tỏa lại náo nhiệt, tấp nập cảnh người bán, kẻ mua.

Hiện nay, khu chợ cũ của TP Bảo Lộc có khoảng 60 hộ gia đình kinh doanh buôn bán với đủ các mặt hàng. Riêng các tuyến đường qua chợ cũ đều bị người dân chiếm dụng lòng lề để buôn bán các mặt hàng cho dù đã có biển cấm tụ tập buôn bán. Theo phân tích của Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc thì chợ cũ là nơi người dân mua, bán đã từ rất lâu nên tạo thành thói quen, mặt khác sự tiện lợi khi không phải vào chợ, không phải gửi xe khiến một số người dân vẫn chọn địa điểm này để mua bán.

Ông Nguyễn Văn Nhâm – Trưởng Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn TP Bảo Lộc có 7 chợ, 7 cửa hàng tiện lợi, 2 siêu thị. Thời gian qua, việc tiểu thương phản ánh tình trạng buôn bán ế ẩm, chợ vắng khách là đúng thực tế. Đây cũng là thực trạng chung của các khu chợ truyền thống khi khách hàng lựa chọn những phương thức mua hàng tiện lợi hay mua hàng qua mạng. Thực hiện chủ trương di dời địa điểm kinh doanh từ chợ cũ sang chợ mới, UBND TP Bảo Lộc đã vận động được hơn 50 – 60% tiểu thương tại chợ cũ di dời sang chợ mới Bảo Lộc. Chợ hoạt động không hiệu quả một phần cũng do năng lực của đơn vị quản lý trong quá trình tổ chức, sử dụng, khai thác.

Người dân TP Bảo Lộc vui mừng khi chợ mới Bảo Lộc được xây dựng rộng rãi, khang trang, vị trí trung tâm. Chợ Bảo Lộc hứa hẹn sẽ trở thành một trung tâm mua, bán, kinh doanh sầm uất của thành phố; giải quyết tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán. Nhưng qua 8 năm, hoạt động chợ ngày càng ế ẩm, vắng bóng khách hàng; tiểu thương ngán ngẩm vì đã đầu tư tiền bạc, công sức vào việc kinh doanh, buôn bán nhưng không hiệu quả.

Chợ mới Bảo Lộc được xây dựng tại khu đô thị mới Hà Giang. UBND TP Bảo Lộc đã có chủ trương di dời địa điểm kinh doanh từ chợ cũ sang chợ mới. Ngày 29/5/2015, UBND TP Bảo Lộc đã ra Thông báo số 96/TB-UBND “Về việc chấm dứt quyền sử dụng quầy sạp tại chợ Bảo Lộc”. Theo Thông báo, tất cả các loại giấy tờ sử dụng quầy sạp tại chợ Bảo Lộc (cũ) đều chấm dứt hiệu lực. Thời gian chấm dứt hợp đồng của các hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Bảo Lộc hiện hữu kể từ ngày 31/5/2015.

Tú Đức (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202307/nghich-ly-cho-cu-cho-moi-1c417f1/