Cơn mưa chiều xối xả khiến các con phố ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) bạc trắng đường. Người phụ nữ tuổi trạc ngũ tuần vội bước chân xuống hồ Bảo Lộc, cúi xuống gỡ đồ… “Chắc được nhiều tôm cá lắm đây”- Tôi tự nhủ như vậy. Ngày hôm sau, trời lại đổ mưa khiến đất trời rầu rĩ. Vẫn là người phụ nữ đó bước chân xuống hồ. Ngớt mưa, tôi háo hức chạy ra xem chị bắt được bao nhiêu tôm, cá. Giật mình, khi thấy chị gom được cả đống kim tiêm.
“Em biết trèo cây không?”. “Dạ, em hơi sợ độ cao nhưng chị cần lấy đồ chi?”. “Đấy, ở trên hốc cây có mấy cái kim tiêm, chị lấy không được. Em trèo lên lấy giúp chị nhé”… Câu chuyện giữa tôi và chị bắt đầu thật không bình thường. Đôi mắt chị thêm phần u buồn khi tôi cẩn thận cầm cả nắm kim tiêm cho vào trong chiếc can nhựa. Có những chiếc kim tiêm còn dính máu khiến tôi không khỏi lạnh người. Thấy vẻ ái ngại của tôi, chị tâm sự: “Em biết không, có lần chị thu nhặt kim tiêm dính máu như thế này, mấy thanh niên trách móc: “Cô lấy hết đồ thế này. Mai bọn con dùng bằng cái gì”. Trời ơi, nghe xong chị bủn rủn hết cả tay chân. Không rõ một cái kim tiêm mấy đứa dùng chung, dùng trong bao ngày?”.
Buổi thứ nhất đi nhặt “đồ” cùng chị, tôi mới biết ở TP Bảo Lộc này số lượng con nghiện không ít chút nào. Ngẫm ra mới thấy những hậu quả mà thực dân Pháp để lại trên mảnh đất này thật tai hại. Không chỉ đời ông nghiện, mà đến đời bố, đời con, đời cháu… đều chìm ngập trong khói thuốc phiện, tan cửa nát nhà vì nghiện hút, tiêm chích.
Cùng chị đi gom “đồ” trong các con hẻm, tôi được nghe chị kể chuyện: “Một dịp hè, đến Nghĩa trang Liệt sĩ Bảo Lộc thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ; thấy một đám học sinh chơi phi tiêu nguy hiểm quá, tôi liền đến nhắc. Lại gần thì trời ơi, tôi không thể tin vào mắt mình khi các cháu đang lấy xi lanh phi về phía nhau. Bọn trẻ mới chỉ học tiểu học, ánh mắt cứ sáng lên khi cầm “phi tiêu” ném vun vút. Tôi hoảng hồn, vội giải thích cho các cháu. Thực sự phải nói đến vài lần, bọn chúng mới hiểu chuyện. Chẳng riêng gì đất Bảo Lộc này, con nghiện cứ tiện đâu là tiêm chích, hút sách thôi. Có lần tôi bảo mấy thanh niên nghiện hút: Nghĩa trang liệt sĩ là nơi linh thiêng, các cháu có tiêm chích thì cũng tránh chỗ này ra để người đã khuất khỏi đau lòng”.
Cứ cuối tuần hoặc lúc nào rảnh rỗi, chị lại buộc can nhựa lên chiếc xe Honda, đến những điểm “nóng” để thu nhặt kim tiêm. Ban đầu nhiều người nhìn chị với ánh mắt e ngại, thậm chí chế giễu: “Sao không ở nhà ngủ cho khỏe. Người đã gầy đi lại nhiều trông đen nhẻm có khác gì con mắm?”. Có người thì bảo: “Mấy đứa nghiện dọa đánh chị đấy, vì chị thu hết đồ nghề của bọn chúng”. Có người ác mồm thì lẩm bẩm: “Đúng là con điên”. Những lúc đó, chị chỉ lặng lẽ bới tìm kim tiêm. Việc làm thầm lặng của chị khiến những con nghiện từng tuyên bố “sẽ dạy cho con đàn bà “điên” kia một bài học” quỳ khóc, xin lỗi dưới chân chị, khi nghe chị tận tâm khuyên bảo. Thế rồi, chính những con nghiện đã chỉ cho chị chỗ này, chỗ kia, nơi đám bạn nghiện thường xuyên tụ tập để chị đến thu dọn. Mấy người dân xung quanh hồ Bảo Lộc giờ thấy chị là cùng ra phụ giúp. Khách sạn Seri bên hồ tạo điều kiện cho chị gửi xe miễn phí. Một số gia đình ở phường 1, phường 2… đã tìm đến chị, nhờ chị đứng ra khuyên bảo, vận động con em nghiện hút đi trại cai nghiện. Cánh cửa Bệnh viện 2 Lâm Đồng lúc nào cũng rộng mở đón chị. Biết việc chị làm, lãnh đạo bệnh viện và Trung tâm Y tế TP Bảo Lộc còn cung cấp đồ nghề tiêu chuẩn cho chị, từ găng tay y tế, kìm gắp, can đựng rác đúng tiêu chuẩn.
Đặc biệt, nơi nào khuyên bảo con nghiện không đạt hiệu quả, chị báo công an đến làm việc. Thậm chí chị còn viết giấy kiến nghị gửi ra phòng tiếp dân của UBND TP Bảo Lộc, chỉ ra những địa bàn có nhiều người nghiện, nêu ra biện pháp xử lý… Đích thân Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc Nguyễn Quốc Bắc đã chỉ đạo công an phường 1, phường 2, phường B’lao… phối hợp với chị trong việc ngăn ngừa, trấn áp các điểm “nóng” về ma túy, góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Một số gia đình có người nhà nghiện nặng, ngại ngùng báo chính quyền đã nhờ chị đến khuyên bảo con cháu. Như gia đình chị Lê Thị Điểm, nhà ở phường 2, TP Bảo Lộc, có con trai Nguyễn Minh Tiến (sinh năm 1988) nghiện đã lâu. Tiến thương bố mẹ nên đã đi cai nghiện nhưng ý chí chưa đủ mạnh để có thể thoát ra khỏi sự cám dỗ của “cái chết trắng”. Đầu tháng 9 vừa qua, chị Điểm nhờ chị-người đàn bà “điên” (như cách con nghiện vẫn hay gọi) đến nhà khuyên bảo con trai. Chị không nói nhiều, chỉ hỏi sau này cháu có con, liệu con cháu có chấp nhận một người bố nghiện nặng, khiến gia đình tan cửa nát nhà không? Tiến quỳ xuống chân mẹ, vừa khóc vừa hứa đi cai nghiện lần này sẽ thật sự quyết tâm.
Hay như bà Nguyễn Thị Xuyến (sinh năm 1936) ở phường 1, TP Bảo Lộc, không nơi nương tựa, hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng lại phải nuôi dưỡng, chăm sóc cho đứa cháu nghiện nặng Nguyễn Hậu (sinh năm 1995). Chị bảo Hậu là đứa trẻ không may, thiếu đi sự quan tâm của bố mẹ nên đi bụi đời từ năm 15 tuổi. Bữa trước gặp mặt, chị có động viên Hậu nên đi trại cai nghiện, đồng thời hứa với Hậu sẽ để mắt tới bà nội để cậu yên tâm.
Trong câu chuyện với chị, tôi thêm hiểu nỗi khổ đau tột cùng của những gia đình không may có chồng con vướng vào nghiện hút, tiêm chích. Hút thuốc phiện, hít heroin đã khổ; “ngáo đá” còn khốn khổ hơn. Những lúc “ngáo đá”, con nghiện chửi mẹ cha, ông bà như “hát hay”. Và rồi trong cơn “ngáo đá”, có kẻ đã lấy đi mạng sống của chính bậc sinh thành. Mới nhất, có người bán ngô tâm sự với chị: Nhà có mụn con gái, chỉ mong gặp được người tử tế. Ai ngờ con rể lại nghiện. Tối đến, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Khuyên bảo mãi con rể mới chịu đi cai nghiện nhưng không biết có đủ quyết tâm để làm lại cuộc đời? Chuyện chưa dừng lại ở đó khi con rể thú nhận chuyện quan hệ tình dục bừa bãi, khiến gia đình hoang mang tột cùng. Không lạ những chuyện kiểu này nên từ lâu, tranh thủ những lúc đi thu gom kim tiêm, chị còn ra Trạm Y tế phường 2, TP Bảo Lộc xin bao cao su phát cho mấy con nghiện. Chị tâm sự: “Đời bọn họ đã khổ rồi. Không lẽ còn để khổ lây cho những người khác nữa”. Trong những câu chuyện bên lề, tình cờ tôi được biết chị là giáo viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng. Tranh thủ những lúc không có giờ lên lớp, chị lại buộc can nhựa, cầm đồ nghề lên đường. Chị dạy buổi sáng thì đi vào buổi trưa; dạy chiều thì tranh thủ đi vào gần tối. Chị thường tìm gặp, tiếp xúc với các con nghiện từ 10 giờ đến 12 giờ vào các ngày cuối tuần. Chị bảo: “Đó là giờ cao điểm tiêm chích. Mình phải tranh thủ lúc đó mới dễ nói chuyện, khuyên bảo”.
Hai ngày gặp chị, biết chị là người tốt mà không hiểu sao trong lòng tôi buồn nhiều hơn vui. Về đến TP Hồ Chí Minh, bụng bảo dạ phải quay lại tìm gặp chị. Tháng 9 trời Lâm Đồng mưa đến nhiều. Thế rồi tôi gặp lại chị trong cơn mưa chiều tầm tã bên bờ hồ Bảo Lộc. Mấy bác nhà ven hồ cũng phụ giúp chị vớt kim tiêm. Lại nhớ lời chị nói bữa trước: “Những lúc mưa to thế này, kim tiêm ở trên cây, trên cỏ thường trôi xuống mặt nước nên phải tranh thủ ra vớt”. Đang mải suy tư, chợt giật mình khi chị cất giọng: “Chỗ kia có mấy cái kim tiêm đấy, em nhặt giúp chị nhé. Đeo găng tay vào em…”.
Vừa đeo găng tay, tôi vừa chăm chú quan sát chị. Vất vả ngược xuôi chuyện làm đẹp cho đời mà hình như chị quên đi chuyện buồn của gia đình. Bác Nghiêm, nhà ở ven hồ tâm sự: “Hồ Bảo Lộc có cảnh quan rất đẹp nhưng cũng là nơi con nghiện hay tìm đến. Nhờ có chị đây thường xuyên đến thu gom đồ nghề tiêm chích, rồi biết cách khuyên bảo mà các con nghiện cũng dần bớt lai vãng, nên dân chúng mới tập thể dục, đi dạo trở lại”. Cơn mưa vừa dứt, mặt trời chiếu rọi những tia nắng xuống bãi cỏ ven hồ. Một tốp học sinh thướt tha trong tà áo dài trắng tinh sương ra hồ tập văn nghệ. Bác Nghiêm ánh mắt rạng ngời, trải lòng: “Lâu lắm rồi mới thấy cảnh này. Đúng là trời không phụ lòng người”.
Hôm sau, trời Bảo Lộc vẫn mưa to như trút nước. Trong cơn mưa tầm tã, tôi lại thấy dáng chị hiện ra như tia nắng ấm áp giữa đời thường.
Chị tên Nguyễn Thị Gạo, sinh năm 1963, nhà ở 28/17 Tây Sơn, tổ 11, phường 2, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Từ năm 1988 đến nay, chị Gạo là giáo viên ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng. Biết việc làm của chị, Ban Giám đốc trung tâm và đặc biệt là đồng chí Nguyễn Đồng Tuyên, Giám đốc trung tâm luôn tạo điều kiện tối đa cho chị Gạo làm việc có ích cho đời. Hè năm 2017, chị Gạo xin Ban Giám đốc trung tâm không phải dạy hè để đi thu nhặt kim tiêm, vận động các đối tượng nghiện hút đi cai nghiện…
Minh Minh (Báo QĐND, 9/10/2017)