Liên quan đến những thông tin phản ánh trên Báo Lâm Đồng Điện tử ngày 18/5/2019, qua bài viết “Tiểu thương Chợ Bảo Lộc kinh doanh trong hoang mang”, chiều cùng ngày, ông Nguyễn Quốc Bắc – Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc đã ký văn bản số 989 chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc “đảm bảo tình hình hoạt động tại Chợ Bảo Lộc”.
Văn bản nêu rõ: Phòng Kinh tế TP Bảo Lôc và Công an TP đã làm việc với đại diện Công ty V.A.T để giải quyết kiến nghị của Công ty và bà con tiểu thương. Nhưng, Công ty V.A.T không hợp tác với thành phố để giải quyết. Vì vậy, đề nghị Công ty V.A.T tiếp tục ổn định việc kinh doanh tại Chợ Bảo Lộc; không cắt điện, nước làm xáo trộn tình hình hoạt động của các hộ tiểu thương, gây mất an ninh trật tự. Giao Công an TP Bảo Lộc, Công an Phường 1 theo dõi, nắm bắt, giữ an ninh tại khu vực chợ Bảo Lộc. Kiên quyết xử lý những hành động gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tâm lý của các hộ tiểu thương. Kiểm tra tư cách pháp lý và nhân viên các công ty bảo vệ do Công ty V.A.T thuê đang hoạt động tại Chợ Bảo Lộc.
Thông báo trái chiều
Như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, cùng một thời điểm, tiểu thương Chợ Bảo Lộc lại nhận 2 thông báo trái chiều từ Công ty V.A.T. Thông báo do Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty V.A.T Lê Tân Hồng ký và đóng dấu vào ngày 6/5/2019 thì yêu cầu tiểu thương “ngừng đóng tiền quầy sạp tại Chợ Bảo Lộc”. Thông báo nêu rõ: Trong nhiều năm qua, đã xảy ra tình trạng tranh chấp giữa các thành viên trong Công ty. Cụ thể là tranh chấp giữa bà Trần Thị Bích Liên với ông Phạm Ngọc Bình và bà Lê Tân Hồng. Thông báo cũng xác định bà Trần Thị Bích Liên chỉ là thành viên Công ty và không có quyền hạn ký hợp đồng và thu tiền quầy sạp đối với các tiểu thương đang kinh doanh tại Dự án Chợ Bảo Lộc. Các tiểu thương Chợ Bảo Lộc ngừng ký hợp đồng và đóng tiền thuê quầy sạp đối với bà Liên. Mọi hoạt động liên quan đến việc ký hợp đồng thuê quầy sạp và đóng tiền thuê sẽ trực tiếp thực hiện với ông Phạm Ngọc Bình, là người đại diện theo pháp luật (Giám đốc Công ty V.A.T, Giám đốc chi nhánh Bảo Lộc). Những trường hợp đóng tiền cho bà Liên sai với quy định của Công ty hoặc sau ngày có quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án sẽ tự chịu trách nhiệm và không được xem xét, giải quyết.
Trong khi đó, thông báo do bà Trần Thị Bích Liên ký và đóng dấu với chức vụ Giám đốc Công ty V.A.T vào ngày 10/5/2019 thì lại yêu cầu tiểu thương “nộp tiền hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh (lần cuối)”. Thông báo này có nội dung hoàn toàn trái ngược thông báo trên: “Trong thời gian từ tháng 8/2018 đến tháng 1/2019, Công ty V.A.T đã 3 lần gửi thông báo yêu cầu các tiểu thương nộp tiền hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, đến nay, các ông, bà vẫn chưa nộp tiền cho Công ty V.A.T. Để đảm bảo quyền lợi của Công ty V.A.T và thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký, Công ty V.A.T yêu cầu từ ngày 10/5/2019 đến ngày 24/5/2019, các ông, bà đến văn phòng Công ty V.A.T tại Chợ Bảo Lộc nộp tiền Hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh và nhận giấy chừng nhận quyền sử dụng quầy sạp. Hết thời hạn trên, ông, bà không đến văn phòng Công ty nộp tiền hợp đồng theo quy định, Công ty V.A.T sẽ ngưng cấp điện tại quầy sạp kinh doanh trong thời gian 7 ngày. Sau đó, sẽ thu hồi lại diện tích mặt bằng mà ông, bà đang sử dụng…
Hai thông báo có nội dung trái ngược nhau đã khiến tiểu thương hoang mang nên chưa chấp thuận đóng tiền thuê quầy sạp, kios theo thông báo do bà Liên ban hành là có cơ sở. Một tiểu thương bày tỏ: Chúng tôi thuê quầy sạp thì phải trả tiền thuê theo thỏa thuận là hoàn toàn đúng. Nhưng điều chúng tôi lo lắng và hoang mang là nộp cho ai để tránh không bị “tiền mất tật mang”.
Sử dụng con dấu giả?
Theo Bản án phúc thẩm số 09/2017/KDTM-PT ngày 8/5/2017 của Toà án Nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh và Quyết định Giám đốc thẩm Toà án Nhân dân Tối cao số 12/2018/KDTM-GĐT ngày 16/10/2018 “về việc tranh chấp giữa các thành viện Công ty V.A.T” đều tuyên: Biên bản họp Hội đồng thành viên số 02/2013 của Công ty V.A.T ngày 13/11/2012 là hợp pháp một phần. Trong đó xác nhận bà Liên có giá trị phần vốn góp là 7,5 tỷ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ), bà Hồng có 12,5 tỷ đồng (chiếm 25%); ông Bình có 7,5 tỷ đồng (chiếm 15%), bà Lê Thị Kim Hoàng có có 2,5 tỷ đồng (chiếm 5%). Bà Lê Tân Hồng là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty là có căn cứ. Chủ tịch Hội đồng thành viên có trách nhiệm họp hội đồng thành viên, bầu giám đốc Công ty và giám đốc chi nhánh tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo Điều 31 và 32 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Căn cứ vào 2 bản án nêu trên, ngày 26/2/2019, Công ty V.A.T đã tổ chức họp hội đồng thành viên. Tại cuộc họp này, trong 4 thành viên thuộc hội đồng thành viên Công ty V.A.T, thì 2 thành viện là bà Hồng và ông Bình có mặt, 2 thành viên còn lại là bà Liên và bà Hoàng đều vắng mặt không lý do. Cuộc họp này có sự chứng kiến của bà Trần Thị Phương Anh – chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp, Hội đồng thành viên Công ty V.A.T đã bầu ông Phạm Ngọc Bình giữ các chức Giám đốc Công ty V.A.T và là người đại diện pháp luật, Giám đốc chi nhánh Bảo Lộc – Công ty V.A.T kể từ ngày 26/2/2019. Như vậy, bà Trần Thị Bích Liên không còn là Giám đốc Công ty V.A.T, mà chỉ còn là thành viên của Công ty. Lý giải về việc bà Liên vẫn sử dụng con dấu và ký với chức danh giám đốc Công ty V.A.T, ông Phạm Ngọc Bình cho biết: “Bà Liên mạo danh giám đốc Công ty và giám đốc chi nhánh Bảo Lộc, sử dụng con dấu của Công ty và con dấu của chi nhánh để yêu cầu bà con tiểu thương đóng tiền thuê quầy sạp là không có giá trị pháp lý. Bà Liên đã mạo chữ ký để làm giả con dấu Công ty V.A.T và tự khai man để làm con dấu giả của chi nhánh Bảo Lộc. Hiện nay, tôi đang giữ con dấu của Công ty V.A.T và con dấu của chi nhánh Bảo Lộc theo quyết định của Hội đồng thành viên Công ty”.
Sự việc đúng sai như thế nào đang rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các tiểu thương, đảm bảo hoạt động kinh doanh tại Chợ Bảo Lộc được ổn định.
Hải Đường – Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 20/05/2019)