Trong khi đơn vị thi công đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng thì về phía Bệnh viện II Lâm Ðồng cũng đã xây dựng Ðề án di chuyển bệnh viện sang vị trí mới. Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện II Lâm Ðồng, cho biết: Hiện tại, bệnh viện mới đang ở giai đoạn hoàn thiện cuối cùng, dự kiến trong hai, ba tháng tới thì công tác di chuyển bệnh viện sẽ được tiến hành và thời gian di chuyển có thể mất hơn một tháng mới hoàn tất.
PV: Thưa ông, đến hiện tại thì tiến độ của Bệnh viện II Lâm Đồng tại vị trí mới đã được triển khai đến đâu?
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành: Đến hiện tại, các hạng mục của Bệnh viện II Lâm Đồng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Năm 2017, công trình đã được thanh tra và phát hiện ra những bất cập nên đã yêu cầu nhà thầu điều chỉnh lại một số hạng mục cho phù hợp. Có tổng cộng 30 hạng mục phải điều chỉnh nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên có 8 hạng mục cần thiết nhất sẽ được thực hiện trước để đưa bệnh viện đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, về phía bệnh viện cũng đã chủ động đầu tư kinh phí để xây dựng nhà để xe cho thân nhân người bệnh, xây dựng nhà phát điện dự phòng. Đồng thời, UBND TP Bảo Lộc cũng đã phê duyệt dự án trồng cây xanh quanh bệnh viện với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Đây là những hạng mục không được đưa vào trong thiết kế ban đầu.
PV: Trong quá trình thi công thì bệnh viện mới đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, đến nay thì việc khắc phục đã được thực hiện như thế nào thưa ông?
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành: Những bất cập và hạn chế phát sinh ngay trong quá trình thi công có nguyên nhân chủ yếu từ thiết kế ban đầu chưa phù hợp. Nhiều hạng mục bị thiếu hụt hoặc bố trí không hợp lý như không có nhà xác, khoa sản nằm ở tầng 4, thiếu khoa thận nhân tạo, khoa nhiễm, không có hệ thống vận chuyển chất thải rắn, quy mô một số khoa phòng bị nhỏ. Sau khi các khoa phòng đến khảo sát và có ý kiến thì hiện tại các hạng mục này đang được điều chỉnh. Khoa sản đã được chuyển xuống tầng 1 để thuận tiện cho sản phụ đến sinh, còn tầng 4 của khoa sản sẽ được chuyển công năng thành một số khoa phòng khác, trong đó có khoa nhiễm. Còn đối với khoa thận nhân tạo, hiện tại do Bảo Lộc có nhu cầu lớn về chạy thận nên buộc phải bổ sung thêm khoa này tại bệnh viện mới. Ngoài ra, theo thiết kế thì bệnh viện mới có 13 phòng mổ với diện tích 35 m2/ phòng. Tuy nhiên, đối với những ca mổ chuyên sâu thì hệ thống máy móc rất nhiều nên diện tích đó không đủ đáp ứng. Do đó, có 3 phòng mổ sẽ được điều chỉnh theo hướng mở rộng diện tích. Điều băn khoăn và bất cập nhất hiện nay là bệnh viện mới không có nhà xác. Phương án trước mắt là vẫn sử dụng nhà xác tại bệnh viện cũ, điều này dẫn đến những khó khăn về việc vận chuyển, bảo vệ xác. Do đó, về lâu về dài thì phải đầu tư xây dựng nhà xác tại bệnh viện mới. Còn về chất lượng công trình, do bệnh viện được thiết kế mái theo mô phỏng đàn đá Tây Nguyên nên hệ thống mái bằng bê tông đúc và khi mưa kéo dài bị thấm. Hiện tại, nhà thầu đang nỗ lực sửa chữa bằng cách gia công thêm lớp chống thấm rồi lát lại gạch men. Tuy nhiên, với thời tiết như Bảo Lộc thì về lâu về dài vẫn phải có hệ thống mái nghiêng.
PV: Quy mô giường bệnh và trang thiết bị máy móc tại bệnh viện mới được đầu tư có gì khác so với bệnh viện cũ thưa ông?
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành: Tổng nguồn vốn để xây dựng bệnh viện mới là hơn 495 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị y tế là 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, do thời gian kéo dài nên giá vật liệu tăng trong khi nguồn vốn trái phiếu Chính phủ không thể điều chỉnh tăng nên buộc phải điều chỉnh kinh phí đầu tư trang thiết bị vào kinh phí xây dựng. Do đó, nguồn vốn đầu tư trang thiết bị bị giảm chỉ còn 36 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này đã được bệnh viện đầu tư mua một số thiết bị mới, hiện đại như máy C.T scanner, máy C.arm, hệ thống tán sỏi ngoài cơ thể, máy lọc máu liên tục… Hiện tại, bệnh viện đang tìm mọi nguồn để đầu tư trang thiết bị y tế như kinh phí từ Sở Y tế, nguồn xã hội hóa, vốn ODA để tiếp tục đầu tư trang thiết bị mới. Về quy mô, bệnh viện mới có số giường bệnh là 500 giường, bằng với quy mô bệnh viện cũ. Tuy nhiên, bệnh viện mới được xây dựng với tổng diện tích sàn là 50.000 m2, hơn gấp đôi so với bệnh viện cũ, do đó nếu có nhu cầu tăng giường bệnh thì vẫn dễ dàng kê thêm.
PV: Dự kiến trong quý III năm nay bệnh viện sẽ được di chuyển về vị trí mới, vậy đến hiện tại thì công tác chuẩn bị cho việc di chuyển này đã được thực hiện như thế nào?
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành: Hiện tại, bệnh viện đã xây dựng đề án chuyển bệnh viện và các khoa phòng đã sang bệnh viện mới khảo sát và xây dựng kế hoạch di chuyển riêng cho từng khoa phòng. Do đặc thù nên vừa phải di chuyển, vừa phải thực hiện việc điều trị, mổ xẻ cho bệnh nhân nên đặt ra yêu cầu phải hoạt động song song giữa hai bệnh viện cũ và mới. Đối với một số trang thiết bị có 2 hệ thống thì chuyển trước một và để lại một như hệ thống chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, thận nhân tạo. Các trang thiết bị chỉ có một chiếc thì phải có kế hoạch thuê theo thời gian ngắn để phục vụ bệnh nhân cấp cứu hoặc có kế hoạch chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tuy nhiên, có những hệ thống phải đấu thầu mới di chuyển được như hệ thống máy C.T scanner vì kinh phí vận chuyển mất hơn 200 triệu đồng. Sau khi vận chuyển về bệnh viện mới thì hệ thống này phải được cơ quan chức năng kiểm tra, cấp phép mới được hoạt động lại. Yêu cầu của việc chuyển bệnh viện là phải đảm bảo công tác chuyên môn và an toàn trước, trong và sau khi di chuyển. Việc chuyển bệnh viện phải đảm bảo không làm gián đoạn và ảnh hưởng đến công tác cấp cứu, khám chữa bệnh, cũng như phòng chống thảm họa thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn. Việc di chuyển phải đảm bảo nguyên tắc đồng bộ, hoàn thành gọn theo từng khoa phòng. Quá trình di chuyển đảm bảo hoạt động song song giữa hai bệnh viện, một bộ phận chuyển đến tiếp quản và triển khai công tác chuyên môn, tiếp nhận bệnh nhân tại bệnh viện mới, một bộ phận tiếp tục đảm bảo công tác chuyên môn tại bệnh viện cũ cho đến khi di chuyển xong. Các khoa có liên quan chặt chẽ với nhau như: Ngoại, Sản, Phẫu thuật, Gây mê hồi sức phải song song di chuyển đồng bộ với nhau. Phòng Cấp cứu và Khoa Hồi sức tích cực – chống độc sẽ di chuyển sau cùng.
PV: Song song với việc di chuyển bệnh viện thì vấn đề mà người dân quan tâm nhất hiện nay đó là chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng dịch vụ tại bệnh viện, quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Bác sỹ Huỳnh Ngọc Thành: Trong thời gian tới, khi đã chuyển về vị trí mới thì bệnh viện chắc chắn sẽ chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém mà người dân đã có ý kiến trong thời gian qua. Phải nói là trong thời gian qua Bệnh viện II Lâm Đồng bị khủng hoảng về nguồn nhân lực nên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh cũng như thái độ phục vụ bệnh nhân. Với quy mô như hiện tại thì bệnh viện cần ít nhất 140 – 150 bác sỹ, trong khi con số này hiện chỉ là 92 bác sỹ. Do đó, tại một số khoa như Nhi, Nội, Sản và phòng khám đang thiếu hụt trầm trọng bác sỹ có chứng chỉ hành nghề, đòi hỏi các bác sỹ phải xoay tua trực rất vất vả. Chính sự thiếu hụt nguồn nhân lực này đã khiến công tác đưa đi đào tạo, bồi dưỡng cũng bị hạn chế và ngay cả việc thi hành kỷ luật cũng khó vì không có người thay thế. Trước tình hình này, bệnh viện đã chủ động tìm và tuyển dụng nguồn nhân lực tại các trường Đại học Y dược Huế, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh. Trong năm 2017, bệnh viện đã tiếp nhận thêm 25 bác sỹ để làm việc trải đều tại các khoa. Trong năm nay, việc thu hút các bác sỹ đến làm việc tại bệnh viện đang tiếp tục thực hiện.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hữu Sang (Báo Lâm Đồng, 12/7/2018)