Gần 3 năm trở lại đây, tuyến đường liên phường, xã Trần Bình Trọng nối các tổ dân phố 6, 7, 10 và 11 (phường Lộc Phát) với thôn Thanh Xuân 1 (xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc) đã và đang trở thành “con đường đau khổ” với vô số “ổ voi, ổ gà” gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của hàng trăm hộ dân.
Đường “nát như tương”
Từ thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã tìm về tận nơi để “mục sở thị” con đường “đau khổ” này. Tuy đường Trần Bình Trọng có tổng chiều dài gần 1,3 km, nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt, không khó để bắt gặp những đoạn bị bong tróc nham nhở, lầy lội đầy những ổ voi, ổ gà. Thậm chí có đoạn còn biến thành “ao” khi mưa xuống xe cộ qua lại làm nước bắn tung tóe tràn vào nhà người dân sống hai bên đường.
Do đường xuống cấp, hư hỏng trong một thời gian dài nhưng không được tu bổ, sửa chữa khiến tuyến đường này ngày càng “nát như tương” và trở thành nỗi ám ảnh với người dân địa phương.
Anh Nguyễn Ngọc Hoàng (ngụ Tổ dân phố 6, phường Lộc Phát) phản ánh: “Hiện tại, toàn bộ tuyến đường chẳng còn chỗ nào nguyên vẹn. Vì quá nhiều ổ voi, ổ gà và hố sâu xuất hiện nên người dân chúng tôi đi lại, vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường này luôn đối diện với những nguy hiểm và gặp phải rất nhiều khó khăn. Riêng đoạn đi qua trước cửa nhà tôi đã biến thành một cái “ao”. Trời nắng ráo khi đi qua đoạn đường này người dân còn biết để tránh, nhưng khi trời mưa, đường bị ngập tạo thành “cái bẫy” nguy hiểm vô cùng. Hơn 2 năm qua, đã có hàng chục người đi xe máy, xe đạp bị té ngã, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy tay chân do sập vào hố sâu”.
Ông Ngô Huỳnh Long (ngụ thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh) cho biết: “Tuyến đường này tuy đã làm cách đây hơn 15 năm, được thảm nhựa nóng khá chắc chắn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do xe chở vật liệu, nông sản, vật tư nông nghiệp có trọng tải lớn qua lại quá nhiều khiến đường bị xuống cấp nhanh chóng. Đường bị xuống cấp nhưng lại không được đầu tư sửa chữa khiến tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn. Thật sự, đi khắp TP Bảo Lộc tôi chưa thấy tuyến đường nào bị hư hỏng, xuống cấp như tuyến đường này. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh sự việc tới chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Họ cũng đã nhiều lần về kiểm tra, đo vẽ nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo”.
Dự án được duyệt nhưng chưa thể triển khai
Thực tế cho thấy, đường Trần Bình Trọng bị xuống cấp nghiêm trọng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông và làm kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) cho biết: “Năm 2015, khi tuyến đường mới bắt đầu xuống cấp, UBND phường đã tiến hành kiểm tra và đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2015 – 2020 và trình UBND TP Bảo Lộc xem xét để có phương án đầu tư nâng cấp. UBND TP Bảo Lộc cũng đã ban hành Quyết định số 2583/QĐ – UBND ngày 25/10/2016 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật để đầu tư nâng cấp đường Trần Bình Trọng. Theo đó, tổng số vốn đầu tư nâng cấp tuyến đường được UBND TP Bảo Lộc phê duyệt là gần 4,1 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước là 2,257 tỷ đồng và nhân dân đối ứng 1,838 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai xây dựng từ đầu năm 2017, nhưng do một số vướng mắc trong việc huy động người dân đóng vốn đối ứng nên chưa thể triển khai”.
Cũng theo ông Tuấn, đường Trần Bình Trọng là tuyến đường liên phường, xã nên theo quy định việc đóng vốn đối ứng để xây dựng tuyến đường có sự khác nhau. Đối với các hộ dân xã Lộc Thanh vốn đóng đối ứng là 70/30 (Nhà nước 70% và người dân 30%). Trong khi đó, người dân phường Lộc Phát đóng vốn đối ứng là 50/50. Quy định này không được người dân phường Lộc Phát đồng thuận khiến việc triển khai Dự án nâng cấp, cải tạo đường Trần Bình Trọng bị gián đoạn.
“Hiện tại, trên địa bàn phường Lộc Phát có hơn 140 hộ phải đóng vốn đối ứng 50/50 để xây dựng tuyến đường này. Tuy nhiên, khi chúng tôi đi vận động bà con đóng góp vốn thì họ không chịu đóng. Vì theo họ, cùng một tuyến đường nhưng tại sao người dân xã Lộc Thanh chỉ đóng 30%, còn họ phải đóng 50%. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức họp dân và giải thích cho bà con hiểu về các quy định của Nhà nước trong việc đóng vốn đối ứng nhưng đều bị họ phản đối. Chính việc bà con không đồng thuận đóng vốn đối ứng là nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai. Hiện tại, ý kiến của người dân đã được chúng tôi tập hợp và chuyển UBND TP Bảo Lộc xem xét để có hướng giải quyết” – ông Tuấn cho biết thêm.
Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng, 13/12/2017)