Ngày 11/8/2017, Bác sỹ Phí Hiền Hữu, Trưởng Khoa Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh Viện II Lâm Đồng) cho biết đã phẫu thuật gắp thành công chiếc xương cá nằm bờ sau cơ ức đòn chũm bên trái của bệnh nhân Nguyễn Trường Vũ (29 tuổi, ngụ tại huyện Đạ Tẻh). Dị vật này đã nằm trong vùng cổ họng của bệnh nhân khoảng 3 tháng và đã di chuyển từ vùng họng qua sát động mạch cảnh ngoài bên trái. Đây là trường hợp hiếm gặp và may mắn cho bệnh nhân là đầu xương không xuyên thủng gây tổn thương động mạch hay gây đường dò.
Khi chụp CT Scaner, các bác sỹ Khoa Tai Mũi Họng đã phát hiện xương cá có một đầu nằm gần da, một đầu cách động mạch cảnh ngoài trái khoảng 10mm. Bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật lấy ra một chiếc xương cá có kích thước 3 x 1,5 cm, hình dạng đường thẳng. Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó khoảng 3 tháng, anh đang ăn cá trắm cỏ thì bị sặc. Sau đó, anh ho nhiều, nuốt đau và không ăn uống được. Anh Vũ có đến một bệnh viện tại địa phương để thăm khám nhưng không tìm được dị vật và được yêu cầu theo dõi dị vật họng, cho thuốc uống. Dù điều trị không thuyên giảm nhưng anh Vũ không tái khám, chỉ ăn cháo trong một tháng. Sau khi tình trang chuyển nặng, vùng cổ trái sưng đau, anh mới chuyển đến Bệnh viện II Lâm Đồng để khám và điều trị.
Theo bác sĩ Phí Hiền Hữu, Trưởng Khoa Tai Mũi Họng, nguy cơ biến chứng tùy thuộc vào tính chất của dị vật, có thể diễn tiến thành áp xe vùng cổ và có thể lan xuống trung thất. Do đó, bác sĩ Hữu khuyến cáo không nên vừa ăn vừa uống vì nguy cơ bị hóc và rơi dị vật xuống đường thở, nhất là ở trẻ em. Nếu dị vật đường thở quá lớn, có thể gây bít đường thở và dẫn đến tử vong. Khi nghi ngờ có dị vật cần khám chuyên khoa tai mũi họng sớm để phát hiện và xử trí.
Đông Anh (Báo Lâm Đồng, 11/8/2017)