Nhận rác và xử lý rác cầm chừng suốt trong một thời gian dài khiến thành phố Đà Lạt hết sức bị động, đã đến lúc cần có một giải pháp dứt điểm cho tình trạng hiện nay của Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Đà Lạt.
Nhận rác cầm chừng
Được xây dựng trên một khu đất rộng đến 28 ha tại xã Xuân Trường vùng ven đô Đà Lạt, Nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty TNHH Môi trường Năng lượng xanh khi đưa vào hoạt động tháng 5/2015 đã mang đến rất nhiều hy vọng cho thành phố du lịch này trong bảo vệ môi trường, giữ thành phố sạch đẹp.
Khu đất rộng 28 ha được các ngành chức năng Lâm Đồng chọn để qui hoạch thành một khu dự án xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, thay thế cho bãi rác Cam Ly vốn đã quá tải lâu nay, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng về môi trường cho Đà Lạt trong nhiều năm nay.
Theo thiết kế, công suất xử lý của nhà máy 200 tấn/ngày (công suất thiết kế 400 tấn/ngày); năng lực xử lý thực tế này khá phù hợp với số lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại Đà Lạt thời điểm đó với khoảng 200 tấn/ngày. Bên cạnh xử lý rác thải, nhà máy còn xây dựng phương án chế biến phân bón vi sinh, làm gạch, sản xuất dầu đốt PO&RO cũng như tận thu nhiệt từ lò đốt rác để phục vụ các hoạt động dự án.
Theo ngành chức năng tỉnh, tính đến cuối năm 2017, công ty này đã đầu tư trên 155,3 tỷ đồng trong tổng số vốn 381 tỷ đồng cam kết cho dự án, bao gồm hệ thống dây chuyền phân loại rác bán tự động, 3 lò đốt; hệ thống sàng lọc tách phân compost thô và một nhà xưởng sản xuất phân vi sinh. Theo mức giá tạm thời của tỉnh đưa ra, cứ mỗi tấn rác nơi đây nếu được xử lý sẽ được hỗ trợ 336 nghìn đồng.
Cũng cần biết là trong số vốn đầu tư nhà máy giai đoạn 1 nêu trên, vốn chủ sở hữu chiếm trong đó khá thấp, chỉ trên 13,6 tỷ đồng. Số vốn 141,6 tỷ đồng còn lại đến từ nhiều nguồn, gồm vốn ngân sách tỉnh 3 tỷ đồng, vốn vay Quỹ đầu tư phát triển tỉnh 71 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng 32,6 tỷ đồng và từ các nguồn vốn khác trên 35 tỷ đồng.
Nhưng chỉ một thời gian không lâu đưa vào hoạt động, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt này đã bộc lộ ngay rất nhiều điểm hạn chế: công nghệ vận hành lạc hậu, máy móc thường xuyên hỏng hóc, rác nhận vào không xử lý hết ùn ứ tại nhà máy, nhiều thời điểm phải xin ngừng nhận rác để sửa chữa.
Theo ngành chức năng tỉnh, từ ngày 30/5/2015 khi bắt đầu hoạt động đến tháng 8/2019, nhà máy đã tiếp nhận tổng khối lượng rác 92.196 tấn rác. Tuy nhiên, một cuộc kiểm tra của Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Lâm Đồng trong tháng 3/2018, đã phát hiện công ty này thay vì đốt rác thì mang đi chôn lấp trái phép khoảng 40 nghìn tấn – gần nửa số rác đã tiếp nhận trên và chôn lấp ngay trong khuôn viên của mình. Sự việc bại lộ, công ty này sau đó đã nhận án phạt 350 triệu đồng.
Theo Công ty Cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt, nhà máy này sau một quãng dài không hoạt động đã bắt đầu nhận rác trở lại từ tháng 2/2019 đến nay, tuy nhiên, mỗi ngày chỉ nhận 80 tấn rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, lượng rác thải phát sinh hằng ngày của Đà Lạt hiện nay đã tăng lên từ mức 200 tấn như trước thành 240 – 280 tấn/ngày. Sau khi giao 80 tấn cho nhà máy, toàn bộ gần 200 tấn rác thải còn lại Công ty buộc phải đổ tại bãi rác Cam Ly.
Điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Được đưa vào sử dụng từ năm 1976, bãi rác Cam Ly rộng khoảng 12 ha, là một bãi rác hở dùng để chôn lấp rác thải của thành phố Đà Lạt trong nhiều năm nay.
Một ước tính của ngành chức năng tỉnh, khối lượng rác thải chôn lấp tồn đọng nơi đây khoảng từ 500 – 800 nghìn tấn. Do thời gian hoạt động quá lâu, sử dụng phương pháp chôn lấp không hợp vệ sinh, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật vệ sinh môi trường như hố chôn không lót bạt; không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác; không lắp hệ thống thu gom khí thải nên mức độ ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm, mức độ ô nhiễm không khí nơi đây rất cao. Bãi rác này không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư sống chung quanh còn gây nguy cơ ô nhiễm lâu dài cho nguồn nước ngầm trong khu vực.
Căn cứ Quyết định số 1788 ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, bãi rác Cam Ly chính là điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Đà Lạt và yêu cầu tỉnh cần phải nhanh chóng khắc phục. Lâm Đồng sau đó đã đưa ra phương án đóng cửa bãi rác này theo hướng triệt để, dùng công nghệ đốt để xử lý toàn bộ khối lượng rác tồn đọng, hoàn nguyên hiện trạng đất, giao cho địa phương quản lý, khai thác; không cho tiếp tục chôn lấp rác thải sinh hoạt tại đây.
Việc xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác Đà Lạt trong năm 2015 có thể nói đã mở ra cơ hội để đóng cửa vĩnh viễn bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng này và thực hiện việc xử lý rác tồn đọng nơi đây. Tuy nhiên, cho đến nay, bãi rác này vẫn phải tiếp tục mở cửa trở lại, cụ thể mỗi ngày phải tiếp nhận gần 200 tấn rác – số rác thải mà nhà máy xử lý rác Đà Lạt không nhận được, để chôn lấp nơi đây. Rõ ràng cực khó cho Đà Lạt khi thành phố chưa có một bãi rác dự phòng nào khác trong khi Nhà máy xử lý rác thải Đà Lạt lại hoạt động một cách cầm chừng như thế!
Cần có một giải pháp dứt khoát
Có không ít những bất cập, hạn chế mà ngành chức năng đã chỉ ra với Nhà máy xử lý chất thải rắn Đà Lạt.
Đó là tình trạng năng lực tài chính hạn chế; là đội ngũ quản lý thiếu năng lực; là việc tranh chấp nội bộ nơi đây đã khiến nhà máy này đầu tư rất chậm chạp. Cho đến nay sau hơn 5 năm vận hành, chủ đầu tư nơi đây đã không thực hiện đúng mục tiêu, cam kết như ban đầu; các sản phẩm như phân vi sinh, gạch, hạt nhựa,… chẳng thấy mà chỉ dừng lại ở việc đốt rác.
Là nhà máy xử lý rác thải làm sạch cho môi trường nhưng chính bản thân nhà máy lại đang gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ là việc chôn rác bất hợp pháp mà ngành chức năng đã phát hiện qua một cuộc kiểm tra gần đây cho biết, nhà máy này đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước rỉ rác và hệ thống thu gom, xử lý mùi khí thải tại phân xưởng phân loại xử lý rác; cũng chẳng có hệ thống xử lý khí thải từ lò đốt rác. Xử lý rác không đạt thiết kế, tiếp nhận rác thải rồi không xử lý hết đã khiến một lượng rác rất lớn tồn đọng nơi đây, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm.
Trong những cuộc làm việc gần đây, Lâm Đồng đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư – Công ty TNHH Môi trường Năng Lượng Xanh cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các hạng mục công trình đã được cấp phép (hiện mới chỉ xây dựng được 40% các hạng mục), đồng thời lập thủ tục đề nghị nghiệm thu các hạng mục công trình xây dựng trước khi đưa vào sử dụng theo quy định, kể cả nghiệm thu phần công nghệ; cam kết thực hiện đầy đủ các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được tỉnh phê duyệt.
Thực tế, với năng lực xử lý của nhà máy này như hiện nay, kể cả trong trường hợp nhà máy khắc phục và cho hoạt động lại hệ thống máy móc để xử lý 200 tấn/ngày như cam kết trước đây thì chắc chắn vẫn không đáp ứng được nhu cầu xử lý khối lượng rác thải hằng ngày tại Đà Lạt (và cả Lạc Dương) hiện nay nếu không có đầu tư thêm hạng mục xử lý. Đó là chưa tính những thời điểm cao điểm, lượng rác thải tăng lên rất cao khi du khách đổ về đây trong những dịp lễ, mùa hè hay như mùa tết (có những thời điểm trong dịp tết lượng rác thải tại Đà Lạt lên đến 500- 600 tấn/ngày).
Chính vì vậy, đã đến lúc UBND tỉnh Lâm Đồng cùng UBND thành phố Đà Lạt nên có giải pháp dứt khoát với nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt này. Ngành chức năng tỉnh cần yêu cầu chủ đầu tư đưa ra một mốc thời gian nhất định cho việc thực hiện các cam kết. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện việc khắc phục các tồn tại như đã nêu, không cam kết về thời gian sửa chữa và không cam kết xử lý triệt để hết khối lượng rác thải thu gom hằng ngày thì tỉnh cần có cơ chế, chế tài đủ mạnh, cho phép chuyển nhượng dự án, kêu gọi các nhà đầu tư khác có đủ năng lực về tài chính và công nghệ để đầu tư vào đây chứ không thể chờ mãi vào lời hứa của chủ đầu tư vốn mất uy tín lâu nay.
Gia Khánh (Báo Lâm Đồng, 06/04/2020)