Một số điểm kinh doanh, buôn bán trước đó bị UBND phường 1, TP Đà lạt (Lâm Đồng), cưỡng chế về hành vi cơi nới, lần chiếm, nay bỗng trở thành điểm phóng uế, xả rác, góp phần khiến chợ Đà Lạt trở nên nhếch nhác, mất thiện cảm trong con mắt người dân và du khách.
Vào tháng 4-2017, cùng với cả nước, Đà Lạt bước vào “chiến dịch” giành lại lòng đường, vỉa hè cho người đi bộ.
Đích thân ông Võ Ngọc Trình, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, đã nhiều lần trực tiếp tới hiện trường chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành xử lý dứt điểm những trường hợp lấn chiếm, cơi nới, xây dựng trái phép để kinh doanh, buôn bán.
Mục đích là giành lại lối đi thông thoáng cho người đi bộ, bừng bước góp phần xây dựng nếp sống đô thị văn minh, thân thiện và sạch sẽ.
Cùng với “chiến dịch” này, ngày 4-4, UBND phường 1, TP Đà Lạt, cũng đã thành lập đoàn công tác với sự chỉ đạo của ông Lê Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 1, tiến hành cưỡng chế 3 kiốt, được cho là cơi nới, xây dựng không phép tại Thương Xá La Tulipe, chợ Đà Lạt, trong đó có kiốt của hộ bà Nguyễn Thị Hạnh, thuê lại mặt bằng từ Công ty Cổ phần du lịch Đà Lạt đến năm 2022, đơn vị chủ quản Thương Xá La Tulipe.
Vị trí của 3 kiốt này là khoảng giữa giáp cầu thang từ vòng xoay chợ Đà Lạt lên khu Hòa Bình và tòa nhà Thương Xá La Tulipe, nằm tụt xuống một hố sâu, bị giới hạn bởi những bờ taluy cao, rộng khoảng trên 10m2.
Lực lượng chức năng đã tiến hành thống kê, niêm phong những mặt hàng mà các hộ đang kinh doanh, đưa về UBND phường 1 tạm giữ, đồng thời tháo dỡ toàn bộ công trình được cho là xây dựng trái phép để giành lại mặt bằng.
Tuy nhiên, từ khi UBND phường 1, TP Đà Lạt, tiến hành cưỡng chế, giải tỏa tại chợ Đà Lạt đến nay lại phát sinh hệ lụy không ai mong muốn. Đó là, thay vì mặt bằng được ngành chức năng giao cho tổ chức hoặc cá nhân quản lý, hằng ngày thu gom, dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo văn minh đô thị, thì một số điểm sau cưỡng chế lại trở thành nơi phóng uế, xả rác thải, không ai dọn dẹp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, góp phần làm xấu hình ảnh TP Đà Lạt.
Chị Hương, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Thành phố đi chỗ nào cũng thấy đẹp, sạch sẽ và mộng mơ, duy chỉ có chợ Đà Lạt thì nhếch nhác quá. Ai đâu lại để tồn lại một nơi xả rác, phóng uế tràn lan ra như thế!…”.
Đà Lạt đang là cao điểm của mùa du lịch, hàng ngày chợ Đà Lạt có hàng chục nghìn người tới kinh doanh, buôn bán, vấn đề vệ sinh môi trường và cảnh quan chợ cần phải được cơ quan chức năng TP Đà Lạt giám sát, quan tâm xử lý triệt để.
Kim Ngân (Báo CAND, 13/8/2017)