Nhiều tháng qua, chính quyền địa phương thuộc thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và một phần của phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phải “đau đầu” vì nạn đào trộm cỏ hồng (hay còn gọi là cỏ tuyết).
Đáng chú ý, vị trí này chính là địa điểm lần đầu tiên tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày hội cỏ hồng, nhận dịp Festival hoa Đà Lạt năm 2017 vốn đang cận kề. Nạn trộm cỏ căng thẳng đến mức nhà chức trách địa phương và Ban tổ chức ngày hội phải cắt cử người ngày đêm canh gác để xua đuổi những tay đào trộm cỏ.
Thật ra, cỏ hồng đã có và sống bình yên từ nhiều năm qua tại khu vực hồ Suối Vàng (giáp ranh giữa Đà Lạt và huyện Lạc Dương). Loại cỏ này trở thành đối tượng của những tay trộm mới chỉ ít tháng trở lại đây khi các nhiếp ảnh gia phát hiện nét đẹp tinh khôi và công bố hình ảnh của loài cỏ hoang dại trên.
Vào dịp cuối năm, lá cỏ chuyển sang màu đỏ và nở bông mền như tơ lụa. Khi gặp sương xuống, bông cỏ giữ lại lớp sương đêm. Sự kết hợp giữa màu đỏ của hoa cỏ và lớp sương khiến cho cả quả đồi chuyển sang màu hồng, đẹp long lanh khi ánh bình minh lên. Vài năm qua, những khoảnh khắc bình minh trên đồi cỏ hồng đã được nhiều tay máy chuyên và không chuyên ghi lại. Đã có hai cuộc triển lãm riêng về loại cỏ này tại Đà Lạt.
Chính vì nét đẹp quyến rũ của nó mà vào cuối năm nay, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng quyết định làm một ngày hội để tôn vinh nét đẹp tinh khôi của loại cỏ hồng. Tuy nhiên, cũng từ đây, không ít người đã đánh xe tải, thuê hàng chục người vào đào từng mảng cỏ hồng đưa ra Đà Lạt và nhiều nơi khác bán cho những người có nhu cầu, họ trồng để trang trí khuôn viên các căn biệt thự hoặc khu resort.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi chuyển ra tới Đà Lạt, trung bình 1m2 cỏ hồng được bán với giá khoảng 150.000 đồng. Món lời từ cỏ hồng đã khiến nhiều người đổ xô vào khu vực hồ Suối Vàng đào trộm bất chấp lệnh cấm của chính quyền địa phương. Trước “cơn sốt” cỏ hồng, khu rừng thông bình yên, đẹp như tranh vẽ bỗng xôn xao người ra vào. Ban đầu là những chiếc máy cày hoặc loại xe tải nhỏ, sau xuất hiện hẳn “đội quân” cùng xe tải lớn đi đào cỏ hồng.
Trước mức tàn phá dữ dội, ảnh hưởng đến thiên nhiên và nguy cơ xóa xổ đồi cỏ hồng, UBND huyện Lạc Dương đã phải chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương ngăn chặn nạn trộm này.
Ông Phạm Triều, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, ban đầu huyện chỉ nhắc nhở, xua đuổi những người vào đào trộm cỏ hồng nhưng không có kết quả buộc huyện phải tạm giữ phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính. Thế nhưng, trước món hời lớn từ loại cỏ này, hiện nhiều người vẫn bất chấp lệnh cấm, vào khu vực hồ Suối Vàng đào trộm cỏ hồng về bán.
Ngay tại khu vực sẽ diễn ra ngày hội cỏ hồng năm 2017 sắp tới đây, nhiều vị trí cũng đã bị đào trộm nham nhở, hình hài đồi cỏ hồng đã không còn nguyên vẹn. Giới yêu thiên nhiên Đà Lạt bắt đầu lo sợ, đến một ngày nào đó đồi cỏ hồng đẹp như trong tranh chỉ còn sót lại qua những bức ảnh và ký ức của người từng viếng thăm nơi đây.
Trước nguy cơ cỏ hồng có thể “biến mất” mà chưa kịp diễn ra lễ hội, nhiều tuần qua, Ban tổ chức ngày hội cỏ hồng buộc phải thuê người lập chốt canh gác. Một nhân viên canh giữ cho biết, thời gian gần đây, kẻ trộm cỏ hồng lại chuyển sang hoạt động vào ban đêm.
Ông Nguyễn Vũ Hoàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa Lâm Đồng, đơn vị tổ chức ngày hội cỏ hồng cho biết, từ khi có quyết định tổ chức ngày hội, đơn vị đã phải thuê người ngày đêm canh gác để ngăn chặn nạn đào trộm cỏ. “Ở khu vực này giờ có người canh gác 24/24 nên các đối tượng chuyển sang đào trộm cỏ tại những vị trí khác!..”, ông Hoàng nói.
Vậy là sau nhiều năm cư ngụ bên đồi thông, làm đẹp cho thiên nhiên, đất trời Đà Lạt, Lạc Dương và tôn vinh con người nơi đây, bây giờ loài cỏ này trở thành mục tiêu của một loại trộm mới. Thật đáng sợ với lòng ích kỷ của không ít người!..
Khắc Lịch (Báo CAND, 7/11/2017)