Sinh ra và lớn lên nơi phồn hoa đô thị, với tấm bằng chuyên ngành công nghệ sinh học, ngỡ tưởng mảnh đất Sài Gòn đô hội mới là “đất diễn” của Nguyễn Tường Miên, sinh năm 1981. Ấy vậy, Miên lại chọn lựa cách sống thỏa ước mơ của riêng mình, đó là lên rừng trồng hoa.
Yêu thích thiên nhiên, cây cỏ nên Miên đã theo học ngành Công nghệ sinh học – Trường Đại học Sài Gòn để sau này thực hiện ước mơ dấn sâu vào nghiên cứu… Giống như mối cơ duyên định sẵn, năm cuối đại học, Miên xin vào Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt để làm luận án tốt nghiệp. Trong thời gian làm việc tại đây, Miên như được thả vào đúng môi trường tìm hiểu và nghiên cứu về hương vật liệu, làm việc cùng những con người yêu thiên nhiên và có cùng chí hướng, cô như được tiếp thêm niềm đam mê cỏ cây hoa lá nên vào những ngày cuối tuần, Miên lại cùng những người bạn lang thang khắp các khu rừng ở Lâm Đồng để tìm hiểu về các loại thảo dược. Sau khi tốt nghiệp đại học, Miên xin vào làm ở trang trại Trúc Đào tỉnh Đồng Nai với công việc nhân giống thực vật. Ở đây cô gái trẻ này lại tiếp tục lang thang khắp các khu rừng để tìm tòi, nghiên cứu thực hiện việc nhân giống nuôi cấy mô tế bào thực vật, nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm.
Suy đi tính lại nhận thấy Đà Lạt là vùng đất lý tưởng để thực hiện ước mơ của mình, Miên đã bỏ việc để lên đấy và chọn mảnh đất nằm dưới thung lũng cách xa trung tâm TP Đà Lạt khoảng 7 km để mở trang trại mang cái tên thật dễ thương “Tùng Hạ”. Vậy là một trang trại rộng khoảng 7.000 m2 chuyên trồng hoa Lavender ra đời từ đó. Tường Miên chia sẻ: “Từ lâu tôi đã ấp ủ ước mơ sẽ trồng thật nhiều loài thực vật có hương liệu tự nhiên, trong đó có loài hoa được coi là loài “thảo dược của tình yêu” – hoa Lavender có xuất xứ từ Địa Trung Hải. Để đáp ứng nhu cầu của những người yêu hoa, tôi mạnh dạn mua giống hoa từ Mỹ và Pháp về trồng. Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, hoa được trồng theo phương pháp bình thường lại chưa thích ứng được khí hậu mới, nên cây giống bị chết nhiều và thường xuyên bị bệnh. Đến cuối năm 2016, tôi may mắn có người bạn thân làm ở Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam nghiên cứu và sản xuất ra men vi sinh SIAMB sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp, giúp đỡ tôi trồng hoa Lavender bằng phương pháp hữu cơ, phương pháp này giúp cây sinh trưởng tốt, cho ra hoa tím hơn…”. Miên còn cho biết thêm, hoa được trồng theo phương pháp hữu cơ có giá bán rất cao trên thị trường và rất được khách hàng ưa chuộng. Hiện tại thị trường tiêu thụ hoa Lavender của trang trại Tùng Hạ có mặt ở hầu hết các thành phố lớn trong cả nước với đầu ra ổn định, nhưng tập trung chủ yếu ở thị trường Sài Gòn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài giống hoa Lavender, trang trại Tùng Hạ còn trồng các loại thảo dược khác như sả, bạc hà, hương thảo… Không chỉ trồng hoa, Miên còn sản xuất ra tinh dầu từ các loại thảo dược được trồng ở trang trại. “Nhờ gia đình, bạn bè động viên, giúp tôi có thêm động lực để thực hiện ước mơ của bản thân. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ nông dân nào mong muốn trồng loại hoa này. Sắp tới tôi sẽ thành lập trung tâm dược liệu (trực thuộc Viện Công nghệ sinh học và ứng dụng vi sinh miền Nam). Dốc hết tình yêu, thời gian của bản thân vào vườn hoa nhưng Miên không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Bán được bao nhiêu, Miên dùng số tiền đó để tái đầu tư, trả lương cho công nhân và đặc biệt là tạo các suất học bổng để giúp đỡ các trẻ em nghèo.
Vào những ngày cuối tuần, những người bạn của Miên ở Sài Gòn lại lên thăm và cùng nhau tưới cây, bón phân, làm cỏ cho vườn hoa của Miên. Dường như vườn hoa của cô gái này là nơi trải nghiệm của các bạn trẻ, giúp họ gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên hơn. Đối với Miên, được sống cùng hoa, được chăm sóc và nhìn chúng lớn lên từng ngày chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Miên cũng chính là cô gái đã đưa giống hoa Lavender tới gần với người dân Việt Nam.
Yến Thy (Báo Lâm Đồng, 29/6/2017)