Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đang tìm cách giảm mùi hôi thối bốc lên do ô nhiễm nước từ hồ Đội Có vốn nằm ngay khu vực trung tâm TP Đà Lạt.
Rất nhiều người dân Đà Lạt lẫn du khách đã phản ánh tình trạng bốc mùi hôi thối của hồ Đội Có tại thành phố du lịch Đà Lạt từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay.
Hồ Đội Có với tổng diện tích mặt nước chừng 1.000 m2, sát cạnh hồ Xuân Hương, Đà Lạt.
Theo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, hồ được xây dựng từ thời TP Đà Lạt mới thành lập, khi người Pháp xây dựng Nhà máy nước tại khu vực này với nhiệm vụ lấy nước hồ Xuân Hương cung cấp nước cho thành phố Đà Lat. Phía trên hồ Đội Có là hệ thống bể lọc và xử lý nước của Nhà máy nước Đà Lạt, thông thường sau một quãng thời gian vận hành định kỳ các bể lọc này phải được làm vệ sinh, dọn rửa cho sạch bên trong. Nhiệm vụ của hồ Đội Có là khi nước thải ra trong quá trình làm vệ sinh với nhiều tạp chất xử lý nước từ các bể chứa sẽ được lắng đọng tại đây, khi an toàn mới được xả ra hồ Xuân Hương. Thông thường chừng 5-6 năm Nhà máy nước Đà Lạt lại tiến hành nạo vét lại hồ Đội Có.
Hiện nay, khi Nhà máy nước của Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã chuyển khỏi nơi đây, phần đất này và cả hồ Đội Có được giao cho Dự án Khu Công viên Văn hóa và Đô thị Đà Lạt, thuộc Công ty cổ phần Địa ốc Trung Nam Đà Lạt quản lý. Nhưng hồ vẫn là nơi tích nước mưa và nước thải của cả một khu vực rộng phía trên, nên việc nước ở đây bốc mùi không phải là chuyện mới. Vào mùa khô, nước thải sinh hoạt của cả khu dân cư phía trên sau khi đổ về hồ Đội Có sẽ chuyển màu, bốc mùi. Khi nước hồ đầy, tràn vào hồ Xuân Hương là một trong những tác nhân gây ô nhiễm. Nhưng trong năm nay, mùi hôi thối lan rộng ra khắp nơi, đặc biệt đây là khu vực trung tâm của thành phố du lịch Đà Lạt, gần bến du thuyền với rất nhiều du khách đến đây thưởng ngoạn.
Trước phản ánh gay gắt của người dân và du khách, UBND thành phố Đà Lạt đã vào cuộc. Theo khảo sát của ngành chức năng Đà Lạt, tại đây hiện có 121 hộ dân đang xả nước thải ra hồ Đội Có, gồm 31 hộ thuộc Phường 1; 90 hộ thuộc Phường 2 và 5 hộ kinh doanh nhà hàng khách sạn. UBND Đà Lạt yêu cầu Phòng Tài nguyên – Môi trường thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn đưa ra phương án xử lý ô nhiễm.
Đồng thời, thành phố cũng đề nghị Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng lập kế hoạch triển khai đấu nối hệ thống nước thải của toàn bộ số hộ dân lẫn các nhà hàng khách sạn này vào hệ thống chung của thành phố; việc đấu nối này phải được hoàn thành trong tháng 2/2017.
Theo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, bên cạnh việc tích tụ nước thải sinh hoạt của các hộ dân và nhà hàng khách sạn ở đây, còn có một nguyên nhân nữa khiến cho nước hồ Đội Có năm nay bốc mùi hôi thối chính là việc hồ này nhận thêm một nguồn lớn nước thải lớn từ việc đơn vị quản lý đứng ra tổ chức các hội chợ xuân trong tết vừa qua với một lượng người đổ dồn về đây rất đông.
Đến thời điểm giữa tháng 3/2017, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết, đơn vị đã tiến hành đấu nối cho hơn một nửa số hộ dân và khách sạn nhà hàng trong khu vực và hiện chỉ còn lại khoảng 50 hộ dân. Đây là những hộ nhỏ lẻ, nằm rải rác trên các tuyến đường Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng đang được Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đề nghị chính quyền các cấp trong thành phố vận động để các hộ dân này tham gia lắp đặt hệ thống nước thải của mình vào hệ thống chung.
Để xử lý số nước đen đang bốc mùi tại hồ Đội Có, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng đã phối hợp với Công ty cổ phần Địa ốc Trung Nam bơm nước từ hồ Đội Có vào đường ống nước thải của thành phố để xử lý tập trung tại Nhà máy xử lý nước thải, đồng thời lắp đặt thiết bị bơm nước từ hồ Xuân Hương vào để pha loãng nước trong hồ Đội Có, tạo nguồn nước mới cho hồ, giảm bớt mùi hôi thối.
Về lâu dài, bên cạnh việc đấu nối toàn bộ số hộ dân trong khu vực này vào hệ thống nước thải thành phố, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng cũng đề nghị với đơn vị chủ quản – Công ty Trung Nam Đà Lạt cần xây một địa điểm tập trung nước thải của mình để gom nước thải sinh hoạt mỗi khi tổ chức các hoạt động có đông người tham gia như hội chợ, các hoạt động thể dục thể thao… Lượng nước thải sinh hoạt này sau khi được tập trung lại sẽ được bơm vào hệ thống nước thải thành phố để xử lý, tránh việc để chảy tràn ra ngoài xuống hồ Đội Có gây ô nhiễm như hiện nay.
Viết Trọng (Báo Lâm Đồng, 22/3/2017)