Những nhà trọ dành cho sinh viên, người thu nhập thấp trên địa bàn TP Đà Lạt thường là nơi để các đối tượng xấu dễ dàng để mắt tới. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp người ở trọ bị mất trộm tài sản do mất cảnh giác với loại tội phạm này.

Nhiều khu vực phòng trọ trên đường Bùi Thị Xuân, Phường 2 không có cổng chung dễ bị kẻ xấu để ý trộm đồ. Ảnh: C.Thành
Nhiều khu vực phòng trọ trên đường Bùi Thị Xuân, Phường 2 không có cổng chung dễ bị kẻ xấu để ý trộm đồ. Ảnh: C.Thành

Theo chia sẻ từ bạn Nguyễn Thị Hoài (sinh viên Trường ĐH Đà Lạt), trọ tại khu 30B, đường Trần Khánh Dư, Phường 8, TP Đà Lạt, khoảng 9 giờ sáng ngày 12/4, đi chơi về Hoài và một bạn nữ cùng phòng tá hỏa khi phát hiện trộm cắt đứt ổ khóa phòng và vét sạch mọi đồ đạc trong căn phòng. “Ngoài một máy tính xách tay (khoảng 10 triệu đồng), một điện thoại tầm 2 triệu đồng, bọn trộm còn lấy cả quần áo, mấy sấy tóc, máy ép tóc, kể cả con heo đất không còn tiền bên trong của tụi em” – Hoài nói và cho biết thêm các phòng trọ tại đây đa số đều là người đi làm, sinh viên ở trọ nên thường xuyên đóng cửa cả ngày, chỉ có tầm trưa hoặc tối đến mới có người ở nhà. Hiện giờ, để cảnh giác trộm, khi ra ngoài lâu hai bạn đều mang điện thoại, laptop bên mình. Mặc dù có hơi bất tiện nhưng đây là cách nhiều sinh viên lựa chọn khi không an tâm để tài sản có giá trị trong phòng.

Tại một phòng trọ khác (đường Bùi Thị Xuân, Phường 2, TP Đà Lạt), anh Trần Văn Ngọc (30 tuổi, quê Bình Thuận), nạn nhân trong vụ trộm gần đây cho biết: Mặc dù anh đã ở trọ gần 2 năm tại khu vực hẻm 70B nhưng đây là lần đầu tiên trong khu trọ bị kẻ gian trộm cắp tài sản. Sáng ngày 29/4, do hơi bất cẩn anh Ngọc đã dựng chiếc xe máy trước dãy nhà trọ mà không dùng xích khóa bánh. Lúc ăn cơm trưa ra thì chiếc xe đã “không cánh mà bay”. Nhưng do chiếc xe cũng khá cũ, bản thân nghĩ cũng khó tìm ra thủ phạm vì khu vực này không có camera nên anh Ngọc đã không báo chủ nhà và công an khu vực.

Còn gần đây nhất, trưa ngày 4/5, tại hẻm 22 đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường 9, kẻ trộm đã vào phòng trọ của bà Hà Thị Sáu (53 tuổi) trộm nhiều tài sản có giá trị. Theo bà Sáu, số tài sản bị kẻ gian trộm gồm 2 chiếc điện thoại, bình đun nước nóng và gần 400.000 đồng. Điều đáng tiếc là thời gian mất trộm bà Sáu đang ngủ trưa nhưng lại bất cẩn để cửa mở hé không đóng. Ngoài vụ mất đồ phòng bà Sáu, trước đó, tại khu trọ hẻm 92 (đường Trạng Trình, Phường 9), một số phòng trọ cũng mất tài sản như điện thoại, tiền mặt, quần áo cũng do mở cửa phòng nhưng không có người trông coi, tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu vực nhiều phòng trọ nhất tại TP Đà Lạt tập trung tại các tuyến đường chính như Phù Đổng Thiên Vương, Trần Khánh Dư (Phường 8), Bùi Thị Xuân, Phan Đình Phùng (Phường 2) hay một số tuyến đường thuộc Phường 1, Phường 4, Phường 9… Qua khảo sát nhanh, chúng tôi ghi nhận tình hình an ninh khu vực phòng trọ ngày càng được cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, các vụ trộm vặt vẫn diễn ra lẻ tẻ ở một số nơi. Trong đó, người bị mất trộm hay chủ phòng trọ khi sự việc xảy ra thường ngại báo công an khu vực và những vụ mất trộm thường rơi vào những khu nhà trọ giá bình dân từ 800 tới 1,5 triệu đồng/phòng/tháng dành cho sinh viên và người lao động. Đặc điểm của những dãy phòng trọ như trên lại thường đóng cửa gần như cả ngày, rất ít người ở phòng thường xuyên. Bên cạnh đó, nhiều chủ trọ lại ở nơi khác, không thể quản lý người lạ mặt ra vào, rất dễ để các đối tượng xấu có cơ hội “hành sự”.

Thông thường, các đối tượng xấu thường ăn mặc lịch sự, ra vào các khu nhà trọ để tìm hiểu sinh hoạt của một số người có thói quen bất cẩn trước khi “ra tay”. Cách quen thuộc nhất là đi rảo quanh các phòng trọ có sơ hở, mở cửa nhưng người trong phòng lại ngủ trưa, quên chốt khóa hay tắm giặt mất cảnh giác để lẻn vào trộm các tài sản có giá trị như máy tính cá nhân, điện thoại… Trường hợp có người trong phòng, bọn chúng nhanh chóng giả nói tìm bạn, hỏi vu vơ rồi thản nhiên đi ra. Có nhiều trường hợp kẻ trộm giả dạng người lượm ve chai chuyên vào khu vực các phòng trọ không có cổng chung để trộm vặt các vật dụng sinh hoạt trước phòng trọ. Khi phát hiện người ở trọ sơ hở là nhanh chóng đột nhập “khoắng” sạch tài sản trong phòng.

Theo thống kê từ Công an TP Đà Lạt, trên địa bàn thành phố hiện có trên 20.000 nhà trọ tương đương khoảng 300.000 người ở. Số liệu thống kê cho thấy, số vụ mất trộm giảm mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) hơn nữa ở những khu nhà trọ, công an các phường trên địa bàn (đặc biệt là khu vực Phường 2, Phường 8) hằng năm luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, hỗ trợ lực lượng chức năng trấn áp tội phạm trên địa bàn. Nhiều mô hình về ANTT khu dân cư như: khu phố không tội phạm, camera an ninh khu phố, nhà trọ tự quản… ngày càng được người dân hưởng ứng nên đạt nhiều kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ cơ sở kinh doanh 15 phòng trọ (số 89 Trần Khánh Dư, Phường 8) cho chúng tôi biết, khoảng hai năm trước, đã có nhiều vụ mất tài sản của sinh viên thuê trọ chỗ ông nhưng không thể tìm được thủ phạm. Để giảm thiểu tối đa nạn trộm cắp, ông Trường đã đầu tư lắp đặt 4 camera bao quát khu phòng trọ, kể cả trước lối ra vào nối với đường nhựa lớn. “Do tôi kiểm soát được người lạ ra vào phòng trọ thường xuyên qua camera nên nửa năm nay chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc nào” – ông Trường cho hay. Nhiều chủ phòng trọ như ông Trường cũng cho biết, đã trang bị camera giám sát để có bằng chứng tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng công an khu vực điều tra thủ phạm nên tình hình trộm cắp khu vực phòng trọ đã giảm đáng kể so với các năm trước đây.

Chính Thành (Báo Lâm Đồng, 10/5/2017)