Sau khi Tiền Phong phản ánh tình trạng số chứng minh nhân dân của thuê bao bị sử dụng đăng ký sim rác, hàng loạt thuê bao của cả 3 nhà mạng cho biết, họ vô tình sở hữu nhiều số sim rác mà không hay biết.
Chị Trương Thị Hạnh (Đà Lạt, Lâm Đồng), chủ một thuê bao Vinaphone chia sẻ, sau khi đọc bài viết của báo Tiền phong, chị lập tức soạn tin nhắn TTTB gửi tới 1414 thì phát hiện ra mình là chủ tới 3 số di động. Một số do chị đang sử dụng, một số chị đã ra cửa hàng đề nghị hủy nhưng vẫn chưa thấy hủy và một số mới mà chị cho rằng, mình không hay biết gì.
Bức xúc trước việc vô tình là chủ một số thuê bao lạ, chị gọi điện lên tổng đài thì được yêu cầu, muốn hủy số phải đến điểm giao dịch của Vinaphone. “Mình yêu cầu hủy một số, nhà mạng không hủy, còn ‘tặng’ thêm một số. Giờ lại phải ra tận cửa hàng yêu cầu hủy”, chị Hạnh tâm sự.
Chị Võ Hương, (Đống Đa, Hà Nội), chủ số thuê bao MobiFone 0904628xxx cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sau khi soạn tin nhắn kiểm tra thông tin, chị tá hỏa khi biết mình là chủ đồng thời của số thuê bao 0904312xxx. Chị Hương chia sẻ, từ trước giờ chị mới một lần đi đăng ký thông tin thuê bao cho số chị đang dùng. Theo chị Hương, tự dưng là chủ một thuê bao lạ hoắc, rồi muốn hủy nó thì lại phải ra cửa hàng, nhà mạng đang gây nhiều phiền phức cho khách hàng.
Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng này diễn ra phổ biến với các thuê bao của đồng thời 3 nhà mạng lớn là Viettel, Vinaphone và MobiFone. Cá biệt, có khách hàng chia sẻ, sau khi soạn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414 thì phát hiện là chủ của 20 số thuê bao.
Tại sao hàng loạt khách hàng vô tình sở hữu số lạ? Chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông chia sẻ, Thông tư 04/2012 về quản lý thuê bao di động trả trước từng uy định, mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa ba (03) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động. Trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức chỉ được sử dụng số chứng minh nhân dân, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa một trăm (100) số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động.
Như vậy, để có sim kích hoạt sẵn (sim rác) bán trên thị trường, chủ đại lý sim thẻ phải sử dụng số chứng minh nhân dân của nhiều người để đăng ký thông tin thuê bao thì mới có sim rác để bán. Mới đây, việc thực hiện cam kết thu hồi sim rác của các nhà mạng năm 2017 thu về 23 triệu sim rác.
Trước đó, trao đổi với PV báo Tiền Phong, luật sư Mai Thị Thùy Linh- Văn phòng luật sư Hợp danh Đông Nam Á cho biết, hành vi sử dụng thông tin người khác để kê khai, đăng ký hoà mạng sim “rác” của các cá nhân, tổ chức (nếu chứng minh được) thì sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 200.000.000 đồng, theo Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP, Nghị định 25/2011/NĐ-CP đã được sửa đổi Nghị định 49/2017/NĐ-CP. Trường hợp rò rỉ do lỗi cố ý, như cung cấp thông tin khách hàng do mình quản lý cho chủ thể khác thông qua việc tặng cho, mua bán, trao đổi thì nhà mạng sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý.
Tuỳ tính chất vụ việc, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng làm rò rỉ thông tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội: “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” hoặc tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”, theo Điều 159 Điều 288 – Bộ luật Hình sự.
Nguyễn Hoài (Báo Tiền Phong, 14/4/2018)