Trong 201 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá, không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư trên địa bàn TP Đà Lạt, có tới 27 dự án chậm tiến độ đang có kiến nghị xử lý sau thanh tra…

Dự án KDL nghỉ dưỡng Suối Hoa, từ năm 2008 đến nay, chủ đầu tư chỉ dựng được hàng rào và chốt bảo vệ rừng

Theo báo cáo rà soát các dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đến nay chưa triển khai dự án, chưa đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ trên địa bàn TP Đà Lạt; trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố có 3 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (đồng thời chấp thuận nhà đầu tư). Đến thời điểm này, trên địa bàn TP Đà Lạt có 201 dự án đầu tư ngoài NSNN (không qua đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất), đã được chấp thuận chủ trương, cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 34.756,14 tỷ đồng, quy mô sử dụng đất 5.109,45 ha.

Về quy mô đầu tư, lĩnh vực du lịch thu hút nhiều dự án nhất với 86 dự án, xếp thứ hai là thương mại 25 dự án; kế đến công nghiệp 22 dự án; nông nghiệp 20 dự án, bất động sản 13 dự án, và thấp nhất là lĩnh vực ngư nghiệp 3 dự án… Trong số 201 dự án ngoài NSNN, có 22 dự án sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có 20 dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 1 dự án hoàn thành một phần, và 1 dự án chậm triển khai so với tiến độ.

Kết quả rà soát cũng cho thấy, đến thời điểm này có 102 dự án đã hoàn thành toàn phần theo tiến độ đầu tư (đã đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ), hiện đã khai thác và sử dụng theo mục đích của nhà đầu tư. 28 dự án đã triển khai, xây dựng, có đưa đất vào sử dụng, chỉ hoàn thành 1 phần tiến độ đầu tư (trong đó có 1 dự án FDI), và 38 dự án đã triển khai, xây dựng, có đưa đất vào sử dụng, tuy nhiên chưa hoàn thành 1 phần tiến độ đầu tư.

Đáng chú ý, ngoài 6/33 dự án chưa sử dụng đất để triển khai do mới cấp chủ trương đầu tư và được gia hạn tiến độ đầu tư, số còn lại vẫn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (chưa đưa đất vào sử dụng, trong đó có 1 dự án vốn FDI). Đặc biệt, 27 dự án chưa sử dụng đất do chậm tiến độ đầu tư, phần lớn đều rơi vào các dự án du lịch. Cụ thể như Dự án Trung tâm Thương mại và Khách sạn 3 sao (Petro Mart) của Công ty CP DV&TM Petrolimex Lâm Đồng; Dự án Đà Lạt Plaza của Công ty CP Du lịch Delta; Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Tâm Anh – Paradise của Công ty CP TV&ĐT Tâm Anh; Dự án Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đồi Thống Nhất của Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công; Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Suối Hoa của Công ty DV Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng hồ Đa Thiện của Công ty CP ĐT & KD Golf Long Thành…

Đối với 27 dự án chậm tiến độ trong số 33 dự án còn dừng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, TP Đà Lạt kiến nghị cấp thẩm quyền xử lý theo quy định. Cụ thể, với các dự án đã có kết luận thanh tra của cấp có thẩm quyền, UBND TP Đà Lạt kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định của kết luận thanh tra (nếu có).

Đồng thời, UBND TP Đà Lạt cũng kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng áp dụng các điều, khoản của Luật Đất đai 2013 quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; Và khoản 2 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 12 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm; điểm c, điểm d khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2020, quy định về chấm dứt hoặc chấm dứt một phần hoạt động của dự án đầu tư để giải quyết các dự án trên.

Thụy Trang (Báo Lâm Đồng)

Nguồn: http://baolamdong.vn/toasoan-bandoc/202210/da-lat-kien-nghi-xu-ly-hang-loat-du-an-cham-tien-do-3140475/