Việc lấn chiếm đường thông hành đã làm lòng đường bị thu hẹp lại, mất đường thoát nước chung khiến nước thải tràn vào đất và nhà. Một số hộ dân tại Khu Quy hoạch Bạch Ðằng – Ngô Quyền (Ðà Lạt) phải làm đơn khiếu nại đến thành phố.
Mất đường thoát nước
Theo đơn khiếu nại của ông Hoàng Quốc Dũng – chủ lô A62 thuộc Khu Quy hoạch Bạch Đằng – Ngô Quyền, ngay phía sau nhà ông có một đường nội bộ rộng 5 mét, đây vốn là con đường được thiết kế như đường thông hành của 2 dãy nhà khu A vốn nằm đấu lưng nhau, trên con đường này sẽ có hệ thống thoát nước chung cho dãy nhà nằm phía trên cao. Do nằm trên địa hình dốc, khu nhà A phía dưới nước thải được thoát ra phía trước nơi có đường thoát nước chung, còn khu nhà phía trên toàn bộ nước mưa và nước thải sinh hoạt sẽ được thoát ra con đường thông hành này để dẫn đến đường thoát nước chung của cả khu.
Tuy nhiên, một số hộ dân nơi đây, cả ở dãy nhà phía dưới và dãy nhà phía trên đã ngang nhiên lấn chiếm phần đất công của con đường thông hành nằm phía sau của nhà mình, xây dựng các công trình kiên cố khiến nhiều đoạn của con đường bị thu hẹp lại, thậm chí có chỗ đường gần như mất hẳn. Không đường thoát nước chung nên toàn bộ nước mưa và nước thải của cả dãy nhà A phía trên cứ chảy dồn về phía thấp hơn, đổ vào nhà và đất của dãy A phía dưới trong đó có nhà của ông Hoàng Quốc Dũng.
Điều đáng nói, việc lấn chiếm đất công làm mất con đường thông hành dẫn đến mất đường thoát nước chung này đã được người dân nơi đây phản ánh nhiều lần lên chính quyền địa phương thông qua tổ dân phố và UBND Phường 6, nhưng các cấp chính quyền cơ sở này lâu nay chẳng hề thấy động tĩnh gì. Chính việc làm ngơ trên đã dẫn đến tình trạng mất đường như hiện nay: không ít hộ dân nơi đây thấy các hộ khác lấn được cũng ngang nhiên nhào vô lấn vào đất con đường để biến thành đất nhà mình.
Hậu quả là nước thải và nước mưa từ các lô phía trên cao cứ chảy tràn vào đất vườn và nhà của người dân các lô phía dưới, gây ô nhiễm, hư hỏng nhà cửa, vườn tược, cây trồng bất chấp sự phản đối của các hộ dân này.
Như tại lô A63 chẳng hạn, nước thải của cả dãy nhà phía trên cao đã biến lô đất trống này thành một vũng sình hôi hám, khi có mưa toàn bộ lượng nước thải này lại tràn vào đất và nhà ông Dũng bên cạnh gây ô nhiễm trầm trọng.
Xử lý chậm trễ
Quá bức xúc vì nước thải sinh hoạt tràn vào nhà mình, gây hôi hám, mất vệ sinh, hỏng nhà cửa, hư hại cây trồng, ông Hoàng Quốc Dũng và một số hộ dân tại đây trong tháng 2/2017 đã làm đơn gửi đến UBND thành phố Đà Lạt.
Gần 2 tháng sau, ngày 14/4/2017, UBND thành phố Đà Lạt đã có Công văn 2363/UBND do Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Ngọc Trình ký công nhận đơn khiếu nại này là đúng sự thật và giao cho các ngành chức năng của thành phố khảo sát, đo vẽ thực tế hiện trạng tại khu vực này, lập thủ tục điều chỉnh cục bộ để có cơ sở cắm mốc đường thông hành và xây dựng đường thoát nước chung của khu vực.
UBND TP Đà Lạt trong công văn trên cũng giao UBND Phường 6 yêu cầu các hộ dân lấn chiếm đất công nơi đây tháo dỡ các công trình vi phạm, yêu cầu các hộ dân thuộc các lô A phía trên có biện pháp đấu nối nước thải tạm thời để không gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Công văn này ghi rõ, yêu cầu UBND Phường 6 kiểm tra đôn đốc các hộ dân tại khu vực này chấp hành các nội dung chỉ đạo của thành phố, trường hợp các hộ không chấp hành thì lập hồ sơ xử lý theo quy định.
Hơn 1 tháng sau, ngày 29/5/2017, UBND thành phố Đà Lạt lại tiếp tục có Công văn 3588/UBND gửi Trung tâm Phát triển Hạ tầng kỹ thuật Đà Lạt và UBND Phường 6 – Đà Lạt nhắc lại những điều tương tự công văn trước, yêu cầu 2 đơn vị này phải báo cáo kết quả xử lý về UBND Đà Lạt trước ngày 10/6/2017.
Tuy nhiên, phải đến ngày 1/8/2017, UBND Phường 6 – Đà Lạt mới có thông báo phản hồi về Công văn 3588 của UBND thành phố Đà Lạt, trong đó yêu cầu các hộ dân “tránh việc lấn chiếm thông hành để sử dụng làm sân trong gia đình, đề nghị các hộ dân tháo dỡ, di chuyển hàng rào, cây kiểng, vật dụng gia đình ra khỏi lối thông hành” với thời hạn chót phải thực hiện là ngày 15/8/2017.
Cho đến thời điểm này, gần cuối tháng 9/2017, theo ghi nhận của chúng tôi, những công trình lấn chiếm làm mất đường thông hành và thoát nước chung này vẫn ngang nhiên tồn tại, nước thải và nước mưa vẫn cứ chảy vào đất và nhà các hộ dân nơi đây mà chẳng thấy cơ quan chức năng nào đến xử lý? Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao đơn khiếu nại của người dân từ tận tháng 2/2017 đến thời điểm này vẫn chưa được xử lý rốt ráo trên thực địa dù UBND thành phố Đà Lạt và cả UBND Phường 6 – Đà Lạt đã ban hành không ít văn bản, mất rất nhiều giấy mực?
Cũng trong Khu Quy hoạch Bạch Đằng – Ngô Quyền này còn rất nhiều tuyến thông hành khác do để lâu không được thi công nên nhiều hộ dân đã lấn ra để sử dụng. Người dân nơi đây đề nghị, khi các cấp chính quyền đến xử lý tại khu A này nên đo đạc lại toàn bộ các con đường thông hành hiện có nơi đây, cắm mốc phân định cùng làm hệ thống thoát nước chung cho các dãy nhà phía trên (có thể bằng cách Nhà nước và nhân dân cùng làm, hoặc người dân tự vận động đóng góp làm chung), tránh cảnh khi trời mưa lớn, nước thải theo nước mưa tràn vào nhà và đất của các hộ ở dãy nhà phía dưới thấp hơn gây ô nhiễm, hư hỏng đồ đạc như hiện nay.
Gia Khánh (Báo Lâm Đồng, 25/9/2017)